Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2022: Xúc tiến xuất khẩu xanh cho cộng đồng doanh nghiệp Kinh tế xanh tạo động lực cho phát triển xuất khẩu |
Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu năm nay do Bộ Công Thương phối hợp với các dự án do Chính phủ Thuỵ Sỹ hỗ trợ tổ chức, dự kiến sẽ có sự tham dự và chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cùng hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các hiệp hội và doanh nghiệp.
Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu được Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) tổ chức thường niên hàng năm. Diễn đàn năm nay, về nội dung sẽ chia làm hai phiên:
Phiên 1 – Xúc tiến xuất khẩu xanh, phát triển bền vững – thực tiễn quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam. Tại phiên này, diễn giả là chuyên gia tới từ các tổ chức quốc tế trình bày những tham luận về xu hướng chuyển đổi xanh trong thương mại quốc tế, như: Những tác động trực tiếp đến xuất khẩu trong bối cảnh thực thi CBAM; kinh tế tuần hoàn và thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi giá trị – các chính sách quan trọng của EU, Đức và các hoạt động hỗ trợ đề xuất cho các ngành xuất khẩu của Việt Nam; vai trò và trách nhiệm của các TPO, BSO trong việc thúc đẩy xuất khẩu xanh.
Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu 2023 dự kiến thu hút sự tham gia của 300 đại biểu |
Phiên 2 – Chuyển đổi xanh trong hệ sinh thái xúc tiến xuất khẩu Việt Nam. Phiên này chuyên gia trong nước trình bày tham luận liên quan tới: Cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp và thương mại xanh của Việt Nam; giới thiệu về Kiểm kê và tính toán khí nhà kính (GHG), tổng quan về chứng chỉ carbon; vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh (một số ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam).
Sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tăng trưởng xanh là những vấn đề phát triển kinh tế có tính thời đại, thường xuyên được đề cập tới trong thời gian gần đây. Do đó, những thông tin trao đổi tại Diễn đàn không chỉ hữu ích cho các doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng, phát triển chiến lược sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu và xu hướng thị trường mà còn gợi mở nhiều định hướng, giải pháp cho các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, các hiệp hội ngành hàng trong việc thúc đẩy sáng kiến trung hòa các-bon, kinh tế tuần hoàn, nâng cao khả năng cung cấp hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp hướng tới tính bền vững của chuỗi cung ứng trong thời gian tới.
Cao hơn cả là tiến tới thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Xu hướng phát triển xanh đã và đang hình thành nên luật chơi mới về thương mại và đầu tư. Nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu như chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, Thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế chương trình như: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon; Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn; Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030…
Chính vì vậy, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.
Việt Nam là một trong các quốc gia có những cam kết mạnh mẽ về môi trường tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26), trong đó có cam kết tiên phong đi đầu trong chuyển đổi năng lượng, cùng với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đây là nhiệm vụ vừa mang tính xu thế của thời đại, vừa hết sức cần thiết đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế.