Bà Quảng Xuân Lụa – Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Kiên Giang cho biết Tuần lễ Văn hóa – Ẩm thực Hà Tiên năm 2024 diễn ra tại TP Hà Tiên nhân dịp Lễ giỗ lần thứ 289 Đức khai trấn Mạc Cửu. Thời gian dự kiến 05 ngày, từ ngày từ 29/6; địa điểm tại Quảng trường Chiêu Anh Các.
Tuần lễ Văn hoá – Ẩm thực Hà Tiên năm 2024 nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông giới thiệu tiềm năng du lịch, hình ảnh và nét đẹp văn hóa đặc trưng của Kiên Giang, tập trung giới thiệu TP Hà Tiên trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước.
Đồng thời thông qua không gian văn hóa, ẩm thực Hà Tiên cùng với các hoạt động bên lề như: trình diễn Bản đồ món ăn Hà Tiên, Hội thi mâm cổ ngày giỗ nhân dịp Lễ giỗ Mạc Cửu – Hà Tiên để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, thông tin và tiềm năng du lịch nhằm phục hồi và phát triển thương mại, du lịch của Kiên Giang, đặc biệt là thành phố Hà Tiên.
Giới thiệu ẩm thực các món ăn Hà Tiên như: các món bún (bún kèn, bún nhâm, bún xiêm lo) bánh lọt xào ; Hủ tiếu hấp + bánh tầm bì; Bánh canh chả ghẹ; gỏi cá trích; canh chua sả nghệ (cá nhám giàu hay cá chèo bẻo); Canh nấm tràm; gỏi sầu đâu; cua, ghẹ Hà Tiên (cơm ghẹ, cua-ghẹ luộc, ghẹ ram, lẩu ghẹ, cà ri cua…); gà đốt; boklhong; khô cá đỏ + mực tuột phơi 1 nắng; mì tươi + hủ tiếu; gỏi cuốn + bì cuốn; phở; các món cá, ốc, nghêu biển; xôi Hà Tiên (xôi mặn, xôi ngọt), xôi xoài, xôi sầu riêng, xôi xiêm); các món bánh (bánh bao chỉ, bánh thốt nốt, bánh quy, bánh chuối hấp, bánh khoai mì nướng, bánh da lợn, bánh xôi vị, bánh kẹp, bánh bèo,…); các món chè (chè kiểm, chè hạt me, chè thái, chè đậu trắng-xanh-đỏ, chè đậu xọn, chè nếp than, chè bắp, chè khoai mì…),… Bên cạnh đó có các sản phẩm đặc trưng của thành phố Phú Quốc, huyện Kiên Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Bạc Liêu, các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh làm phong phú thêm cho không gian.
Việc trình diễn bản đồ món ăn đặc trưng Hà Tiên được phân công theo thế mạnh của từng phường.
Phường Đông Hồ với các món ăn đặc trưng: xôi Hà Tiên, bún kèn, món ăn chế biến từ cua (trình diễn trước khan giả bún Kèn); Phường Bình San: bánh bao chỉ, hủ Tiếu hấp, bánh tầm bì (trình diễn hủ tiếu hấp); Phường Pháo Đài: món canh chua sả nghệ, bánh thốt nốt, mắm ghẹ (trình diễn canh chua xã nghệ); Phường Tô Châu: món canh nấm tràm, các món chế biến từ tôm khô, cà xỉu muối (trình diễn canh nấm tràm); Phường Mỹ Đức: món Gà đốt, Boklhong, chè thốt nốt hoặc món ăn từ mắm ruốc (trình diễn Boklhong); Xã Thuận Yên: món gỏi cá trích, các món chế biến từ nghêu và tiêu (trình diễn món gỏi cá trích); Xã Tiên Hải: Tham gia trình diễn các món chế biến từ cá (cá mú , cá bóp) và các loại ốc…
Ngoài ra còn có Hội thi mâm cổ ngày giỗ. Việc trình diễn mâm cổ ngày giỗ nhằm hội tụ, bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hoá, nét sinh hoạt cộng đồng, nghệ thuật trang trí, ẩm thực vùng Hà Tiên để phát huy đời sống văn hoá của Nhân dân và phát triển du lịch Hà Tiên.
TP Hà Tiên có lịch sử trên 300 năm, là một dải đất hẹp nằm ven biển, với đầy đủ các dạng địa hình: vũng, vịnh, đồng bằng, núi, sông, hang động, hải đảo,… tạo nên nhiều cảnh quan đẹp. Được ví như Vịnh Hạ Long thu nhỏ.
Thi sỹ Mạc Thiên Tứ khoảng 300 năm trước đã sáng tác “Hà Tiên thập vịnh” với những Kim Dự lan đào (núi Pháo Đài), Bình San diệp thúy (núi Bình San), Tiêu Tự thần chung (chùa Tam Bảo), Giang Thành dạ cổ (lũy Giang Thành) Thạch Động thôn vân (núi Thạch Động), Đông Hồ ấn nguyệt (đầm Đông Hồ)… Mạc Thiên Tứ cũng là người có công sáng lập ra Tao đàn Chiêu Anh Các (năm 1736) ở Hà Tiên-một trong những thi đàn lâu đời nhất của Việt Nam. Ngày nay mỗi dịp tết Nguyên tiêu, chính quyền địa phương lại tổ chức ngày thơ Việt Nam nơi mảnh đất “hoa gấm” này.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/khoang-100-mon-ngon-duoc-trinh-dien-tai-tuan-le-van-hoa-am-thuc-ha-tien.html