Tiền mặt “bốc hơi” 25%
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa trải qua 2 năm thua lỗ nặng nề, với khoản lỗ sau thuế hợp nhất 20.743 tỉ đồng, lỗ ròng 22.256 tỉ đồng trong năm 2022; lỗ hợp nhất lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 lên đến 29.107 tỉ đồng, Công ty mẹ lỗ 32.055 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm. Cả năm 2023, Tập đoàn dự kiến tiếp tục thua lỗ do chi phí giá vốn, giá mua điện tăng cao
BCTC Hợp nhất quý II/2023 EVN ghi nhận, tại ngày 30.6.2023, tổng tài sản của EVN ở mức 632.418 tỉ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Tiền và tương đương tiền ở mức khá cao, lên đến 41.580 tỉ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm. Trong đó tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn tăng mạnh 2,4 lần, lên 18.042 tỉ đồng; ngược lại các khoản tương đương tiền giảm mạnh 24,7%, xuống còn 23.440 tỉ đồng.
Tính đến cuối tháng 6.2023, EVN đầu tư tài chính 42.260 tỉ đồng, giảm mạnh 39,7% so với con số 70.110 tỉ đầu năm. Trong đó đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 35.005 tỉ đồng, giảm 44%; Theo thuyết minh BCTC, đây là các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn của EVN.
Như vậy, EVN nắm giữ tổng cộng các khoản tiền và tương đương tiền, tiền gửi ở mức 76.585 tỉ đồng, giảm 25% so với đầu năm.
Trong khi đó, các khoản đầu tư góp vốn vào công ty liên doanh, liên kết và đơn vị khác đạt 7.225 tỉ đồng, tăng nhẹ 1% so với đầu năm.
Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 15,6%, lên 39.376 tỉ đồng. Trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng đạt 16.937 tỉ đồng, tăng 23%; trả trước cho người bán 9.603 tỉ đồng, tăng 22,6%; phải thu ngắn hạn khác ở mức 13.232 tỉ đồng, tăng nhẹ 2,8%. EVN dự phòng 398 tỉ đồng đối với các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi.
Hàng tồn kho cuối quý II/2023 ở mức 25.305 tỉ đồng, tăng 18%. Phần lớn trong đó là nguyên vật liệu với 22.368 tỉ đồng; hàng đang đi trên đường 1.025 tỉ đồng; công cụ, dụng cụ 1.094 tỉ đồng; chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang 786 tỉ đồng.
Tài sản dở dang dài hạn giảm nhẹ xuống còn 39.654 tỉ đồng, toàn bộ con số này là khoản mục xây dựng cơ bản dở dang.
Chi phí lãi vay tăng mạnh
Tại ngày 30.6.2023, nợ phải trả của EVN ở mức 437.962 tỉ đồng, giảm nhẹ 0,6% so với đầu năm. Nợ vay chiếm gần 70% cơ cấu nợ phải trả, với mức 306.169 tỉ đồng, giảm 5,5% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay dài hạn ở mức 267.071 tỉ đồng; vay ngắn hạn ở mức 39.097 tỉ đồng.
Nợ vay ở mức cao khiến Tập đoàn này phải chi trả khoản chi phí lãi vay khá lớn, lên đến 8.744 tỉ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, các khoản phải trả người bán ngắn hạn ở mức 73.850 tỉ đồng; chi phí phải trả ngắn hạn 35.670 tỉ đồng; các khoản phải trả khác 9.325 tỉ đồng.
Tính đến cuối tháng 6.2023, vốn chủ sở hữu của EVN ở mức 194.456 tỉ đồng, giảm 13,7% so với đầu năm. Như vậy, số nợ phải trả 437.962 tỉ đồng của EVN cao gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu.
Về cấu trúc doanh nghiệp, Tập đoàn EVN đầu tư vào 17 công ty con và 29 Công ty liên kết. Bao gồm các công ty truyền tải điện, phát điện, nhiệt điện, thủy điện, cơ điện, xây lắp điện…
Trong đó, Tổng Công ty Phát điện 3 (EVN GECNCO 3 – Mã CK: PGV) và Tổng Công ty Phát điện 2 (EVNGENCO 2 – Mã CK: GE2) – hai công ty con của EVN đều đã hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Theo đó, tỉ lệ sở hữu và tỉ lệ biểu quyết của Tập đoàn EVN tại 2 công ty này giảm lần lượt xuống còn 99,19% (từ 27.9.2018) và 99,87% (từ ngày 1.7.2021).
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/khoan-no-vay-hon-306-nghin-ti-dong-cua-evn-1338747.ldo