Phát huy thế mạnh của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, nơi khởi nguồn của tư duy đổi mới, sáng tạo khoán hộ trong sản xuất nông nghiệp, các thế hệ lãnh đạo tỉnh luôn tiên phong đổi mới, linh hoạt, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm mang tính đột phá. Để hôm nay, Vĩnh Phúc đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.
Công ty Ô tô Toyota Việt Nam đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Nhớ lại thời điểm mới tái lập tỉnh năm 1997, Vĩnh Phúc là tỉnh nghèo với hơn 90% lao động làm việc trong ngành nông nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo cao; thu ngân sách chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn trợ cấp của Trung ương; thu nhập bình quân đầu người đạt 140 USD/năm, đứng thứ 57/61 tỉnh, thành phố.
Đứng trước những khó khăn và nhận diện thế mạnh về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực, ngay những năm đầu tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã xác định “lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển”.
Công ty TNHH Piaggio Việt Nam tạo môi trường làm việc an toàn, thân thiện cho người lao động.
Để thực hiện mục tiêu này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp như chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN); giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, giảm giá thuê đất, gia hạn nộp thuế đất; huy động nguồn kinh phí ứng trước từ doanh nghiệp để giải phóng mặt bằng nhanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách các thủ tục hành chính; hoàn thiện hạ tầng trong và ngoài KCN...
Môi trường đầu tư, kinh doanh thường xuyên được cải thiện và được các nhà đầu tư đánh giá cao, nhiều năm liền Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) của Vĩnh Phúc nằm trong top đầu của cả nước.
Nhờ sự đổi mới, năng động sáng tạo của chính quyền các cấp, thu hút đầu tư của tỉnh đạt được kết quả tích cực. Lũy kế đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 1.304 dự án, trong đó có 476 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 8,43 tỷ USD; 829 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 142 nghìn tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư lớn đã vào đầu tư tại các KCN như Honda, Toyota (Nhật Bản), Piaggio (Italia), HonHai và Compal (Đài Loan - Trung Quốc), Daewoo (Hàn Quốc)... góp phần tạo nên một Vĩnh Phúc năng động, đi đầu trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10 về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2001 - 2005; Nghị quyết số 03, ngày 27/12/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020 - đây được coi là Nghị quyết của “ý Đảng - lòng dân”, hướng tới một nền nông nghiệp tiên tiến, là một trong những cơ sở thực tiễn để Trung ương ban hành Nghị quyết 26, ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và là tiền đề để tỉnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao.
Những năm qua, HĐND, UBND tỉnh đã cụ thể hóa những chủ trương của Tỉnh ủy bằng các cơ chế, chính sách như miễn thủy lợi phí cho sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ làm giao thông nông thôn; hỗ trợ vùng trồng trọt và xây dựng khu sản xuất tập trung; đầu tư kiên cố hóa kênh mương; cấp đất dịch vụ; hỗ trợ đầu tư cho các xã, phường, thị trấn có đất nông nghiệp phải thu hồi cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Năm 2023, ngành Nông nghiệp đạt tăng trưởng 5,29%, đứng thứ Nhất vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 9 cả nước; đàn bò sữa đạt 17,6 nghìn con, đứng thứ 6 cả nước; đàn gia cầm trên 12 triệu con, đứng thứ 12 cả nước.
Nông dân Vĩnh Phúc đưa máy cấy, máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật vào phục vụ sản xuất.
Vĩnh Phúc là 1 trong 4 tỉnh, thành phố trên cả nước ban hành chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù, nhờ đó đã mở rộng độ tuổi thụ hưởng chính sách, góp phần tích cực hỗ trợ người cao tuổi nghèo, cận nghèo không có lương hưu và các trợ cấp khác được cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bình quân mỗi năm, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 300 tỷ đồng thực hiện chính sách cho các đối tượng. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công. 100% các xã đạt tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, ngày 12/3/2020, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12 về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần tạo tiền đề vững chắc bảo đảm công tác an sinh xã hội, cải thiện, nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo động lực phát triển bền vững. Mới đây, tỉnh đã thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non và tất cả học sinh trên địa bàn.
Từ những chính sách mang tính đột phá, hơn 27 năm xây dựng, phát triển, tỉnh đã trở thành một trong những địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong cả nước; bình quân giai đoạn 1997 - 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng hơn 10% (có năm tăng hơn 20%), cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng.
Riêng năm 2024, với nhiều biến động, khó khăn chưa từng có tiền lệ, Vĩnh Phúc đã vượt qua, thể hiện bản lĩnh trí tuệ, hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu; tổng thu ngân sách đạt 31,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so với dự toán Trung ương giao và tăng 4,1% so với năm 2023, trong đó, thu nội địa ước đạt hơn 26 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với dự toán Trung ương giao, tăng 1,6% so với năm 2023.
Các chỉ tiêu lĩnh vực y tế đều đạt, vượt kế hoạch đề ra như số bác sĩ/vạn dân đạt tỷ lệ 16,9; số giường bệnh/vạn dân đạt tỷ lệ 43,6; tỷ lệ dân số có bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Đây là những thành quả đáng tự hào để Vĩnh Phúc bước vào kỷ nguyên mới trong niềm tin và khát vọng về một Vĩnh Phúc giàu mạnh, phát triển.
Nhằm kiến tạo thời cơ, vận hội mới để Vĩnh Phúc không ngừng phát triển, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tỉnh đã đổi mới cách tiếp cận thu hút đầu tư, chuyển trạng thái từ việc chờ nhà đầu tư sang chủ động mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, nguồn tài chính đảm bảo, có kinh nghiệm, tâm huyết để thực hiện các dự án quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại, có tính liên kết, giá trị gia tăng cao; thực hiện các động lực mới hiện nay là chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trên tất cả các ngành, các lĩnh vực.
Điều này được minh chứng những tháng cuối năm 2024, tỉnh đã tổ chức thành công Diễn đàn “Giải pháp xanh toàn diện các khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc”; Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ 2, năm 2024 (Techfest VinhPhuc 2024) với chủ đề “Vĩnh Phúc - tiên phong sáng tạo, khát vọng đổi mới”. Đáng chú ý, Công ty cổ phần Vinhomes đề xuất dự án sử dụng 2.375 ha để xây dựng tổ hợp đô thị, giải trí tầm cỡ quốc tế tại Vĩnh Phúc.
Vững niềm tin theo Đảng, với động lực mới, khát vọng mới, cùng với bản lĩnh sáng tạo, tinh thần vượt khó đi lên, Vĩnh Phúc sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, cùng cả nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bài, ảnh: Mai Liên
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/123515/Khoan-ho-tao-dot-pha-doi-moi-tu-duy-phat-trien-kinh-te
Bình luận (0)