Hiện khoai mỡ được bán với giá 8.000 đồng/kg, nông dân có lợi nhuận không nhiều
Nếu như trước đây, anh Pham Văn Mỹ (thương lái, ngụ xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa) thu mua khoai mỡ từ 8-10 tấn/ngày để giao cho các tỉnh miền Tây thì hiện nay, anh chỉ dám mua 4 tấn/ngày. Anh Mỹ cho biết: “Vào tháng 5 và 6, Long An và một số tỉnh lân cận như Tiền Giang, Đồng Tháp bước vào mùa thu hoạch khoai mỡ dẫn đến “cung vượt cầu”, giá giảm. Vì vậy, tôi không dám thu mua khoai với số lượng lớn, sợ bán không được thì khoai sẽ bị hư, lỗ vốn. Năm 2022, thời tiết thất thường nhưng khoai mỡ loại 1 được bán với giá từ 20.000-22.000 đồng/kg, còn năm nay chỉ có 8.000 đồng/kg”.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích gieo trồng khoai mỡ của tỉnh trên 2.800ha, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Thạnh Hóa. Trung bình, nông dân đầu tư trồng khoai mỡ gần 80 triệu đồng/ha từ việc làm đất, giống, phân bón đến thu hoạch. Tuy nhiên, với giá bán như hiện nay, năng suất 18-20 tấn/ha, nông dân thu lợi nhuận rất ít.
Bà Trương Ngọc Hiệp (thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa) cho hay: “Gia đình tôi trồng 1,5ha khoai mỡ, chi phí đầu tư trên 100 triệu đồng. Hiện gia đình thu hoạch được trên 30 tấn, trong đó, khoai loại 1 chiếm 50%, còn lại là khoai dạt. Khoai loại 1 bán với giá 8.000 đồng/kg, khoai dạt có giá 4.000 đồng/kg, vụ này gia đình tôi chỉ huề vốn”.
Không được như bà Hiệp, năm nay, chị Hà Thị Tố Nguyên (xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa) lỗ nặng, vì vừa mất mùa, vừa mất giá. Chị trồng gần 5.000m2 khoai mỡ nhưng do đất canh tác nằm sâu, thiếu nước tưới dẫn đến năng suất giảm. Chị Nguyên nói: “Cách đây trên 1 tháng, tôi thu hoạch 5.000m2 đất trồng khoai mỡ, bán giá 11.500 đồng/kg. Do không đạt năng suất, chất lượng nên gia đình tôi lỗ gần 25 triệu đồng”.
Khoai mỡ là loại cây ăn củ, giàu dinh dưỡng, có thể chế biến được nhiều món ăn nên được nhiều người ưa chuộng. Khoai mỡ có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, tuy nhiên, cây phát triển tốt khi trồng ở vùng đất xốp, dễ thoát nước như huyện Thạnh Hóa. Thời gian để cây khoai mỡ sinh trưởng và cho thu hoạch củ từ 5-6 tháng.
Sau thời gian chăm sóc vất vả, thế mà vụ khoai mỡ năm nay, nông dân phải “dở khóc, dở cười” vì lợi nhuận rất ít, thậm chí còn lỗ nặng. Nông dân cần rải vụ trồng khoai mỡ; đồng thời, phải áp dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để tránh tình trạng “được mùa, mất giá” hoặc ngược lại. Để làm được điều này, đòi hỏi sự vào cuộc, liên kết của “4 nhà”: Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học./.
Kim Ngọc