Thành công đạt được với Khoai Lang Thang không thiếu yếu tố may mắn; nhưng hơn thế là những nỗ lực không ngừng nghỉ của anh trong chuyến hành trình quảng bá văn hóa của quê hương được anh chia sẻ cùng Thanh Niên.
Điều gì đã khiến Đinh Võ Hoài Phương từ bỏ công việc của một kỹ sư sau khi tốt nghiệp đại học hạng á khoa để quyết tâm theo đuổi con đường tr ở thành người sáng tạo nội dung (content creator)?
Ở quê nhà Bến Tre không có điều kiện học vẽ, tôi đành gác giấc mơ kiến trúc để theo ngành xây dựng. Khi học năm 2 đại học, tôi chợt nhận ra mình không thích ngành xây dựng. Học mới biết kỹ sư khác xa kiến trúc sư, quay cuồng với số liệu nhiều hơn là bay bổng cùng những sáng tạo trong thiết kế.
Sau khi ra trường, tôi có 2 năm đi làm tư vấn thiết kế, tính toán kết cấu xây dựng và thấy mình không phù hợp. Mất mấy tháng trời suy nghĩ, tôi quyết định thay đổi vì mình vốn sinh ra không phải dành cho công việc này, thích tự do sáng tạo hơn là làm việc quanh những con số.
Hơn 7 năm trước, hiếm ai nghĩ có thể sống được bằng YouTube, Facebook, nhưng tôi vẫn “liều”, quyết định làm video clip. Nằm suy nghĩ suốt mấy ngày, sau tết 2017, tôi quyết định mua cái máy ảnh cũ Canon G7X để “tác nghiệp”. Ngày đầu tiên đăng video lên YouTube, tôi còn nhớ rõ là 22.2.2017, cảm giác lâng lâng và hồi hộp chờ phản ứng người xem, tôi vẫn nhớ đến giờ.
Vlog đầu tiên Khoai Lang Thang thực hiện mang nội dung gì, đạt bao nhiêu lượt xem? Khó khăn trở ngại lớn nhất bạn gặp phải lúc đó?
Tôi vô Thảo Cầm Viên (TP.HCM) quay mấy con thú, đơn giản vì… giá vé rẻ. Đi lang thang gặp con gì thì ghi hình và nói về con đó. Clip đầu tiên tôi chỉ dám gửi cho vài người bạn xem, ai cũng nói dài dòng, lê thê, xem buồn ngủ. Lúc đó tôi chẳng có kinh nghiệm gì về quay phim. Làm tới đâu mày mò tới đó. Ban ngày đi làm, tối về lên YouTube tự học, tải các phần mềm vào máy tính để cắt, dựng phim. May mắn là tôi có thời gian để tự học. Chưa bao giờ nghĩ một ngày nào đó có thể tạo ra những video thu hút cả triệu lượt xem, và sáng tạo nội dung được công nhận là một nghề như hiện nay.
Từng đi hát, vì sao Phương không theo nghiệp diễn mà quyết định chuyển sang làm YouTuber?
Thời sinh viên, tôi từng làm phục vụ, đi hát ở các quán cà phê, phòng trà nhỏ để kiếm tiền trang trải học phí, sinh hoạt. Làm ca sĩ phải tùy duyên và phải được đào tạo bài bản nên tôi chỉ hát vì thích thôi, chứ biết mình không thể theo nghề này. Tôi không hề tiếc vì nếu làm ca sĩ thì giờ này không có Khoai Lang Thang. Cũng như không tiếc khi theo học xây dựng, bởi nếu là kiến trúc sư thì làm gì có được tôi như hôm nay.
Từng thổ lộ ngồi bán bông trong những ngày cận tết phụ gia đình, với bạn những năm tháng đó có để lại nhiều cảm xúc?
Gia đình tôi thuộc dạng bình thường, không nghèo, cũng không giàu. Quê tôi ngay làng hoa Cái Mơn nên nhiều nhà trồng bông lắm. Mẹ hay mua bông ở quê và mang đi bán. Dịp tết, có năm bà bán về sớm, có năm tối 30 tết mới xong, sau này bán lỗ quá nên mẹ tôi dẹp luôn. Tôi là anh lớn trong nhà; còn đứa em trai học bác sĩ thú y, giờ theo nghề chụp ảnh, nửa năm nay cũng mở kênh riêng.
Vì sao lại chọn tên Khoai Lang Thang?
Khoai là biệt danh thời học cấp 2 nên tôi quyết định dùng kèm thêm “lang thang”, thấy cũng hợp khi làm Vlog về du lịch.
Cột mốc quan trọng – kênh Khoai Lang Thang đạt 1 triệu người đăng ký theo dõi (subscriber) là khi nào?
Sau 2 năm làm Vlog, tháng 10.2019, kênh Khoai Lang Thang đạt 1 triệu người đăng ký theo dõi trên YouTube. Tôi nhớ lúc đó khoảng 12 giờ đêm. Vui lắm, niềm vui khó tả vì chưa bao giờ tôi nghĩ có ngày đạt được con số này. Hiện nay kênh đạt 2,67 triệu người theo dõi trên YouTube, TikTok là 2,3 triệu và Facebook gần 3 triệu.
So sánh với chính mình cách đây 7 năm, điều gì làm Khoai Lang Thang cảm thấy vui và tự hào về bản thân? Cần phải nỗ lực gì thêm trong hành trình trở thành người sáng tạo nội dung?
Tự hào nhất là hiện tại có nhiều cô chú, anh chị đồng hành với tôi trong những chuyến đi. Bây giờ suy nghĩ mở, thoáng hơn, nhìn mọi thứ từ nhiều góc độ so với lúc trẻ đầy phiến diện, nặng quan điểm cá nhân. Giờ tôi thấy mình thật sự trưởng thành.
Hiện xu hướng xem nội dung trên mạng xã hội, kể cả thiết bị đều thay đổi cực nhanh. Theo tôi, cần 50% cảm xúc để tạo Vlog có cá tính riêng, có hồn; 50% còn lại là lý trí, tức phải theo xu hướng, theo thuật toán để người xem tìm kiếm trên Google, YouTube hay Facebook sẽ thấy mình liền. Mặt khác, phải sử dụng hình nền, tiêu đề, kỹ thuật viết status để thu hút khán giả.
Hãy chia sẻ về việc bạn đã bắt đầu như thế nào. Điều gì đã làm nên nét chân chất, dung dị trong các nội dung mà bạn thực hiện?
Khi bắt đầu, tôi không có ê kíp nào cả, chỉ lủi thủi một mình từ viết kịch bản, độc thoại đến quay dựng video. Giờ thì có một bạn hỗ trợ, sau này thêm một số bạn đồng hành. Tôi thích cảm giác tự quay tự dựng thì mới là chính mình. Tôi suy nghĩ đơn giản: tự đặt mình là người xem clip và phải làm sao thật hấp dẫn, thu hút. Tôi cứ xem đi xem lại nhiều clip của các anh chị trên mạng, quay riết rồi quen tay, tự tìm ra phong cách thể hiện riêng.
Là người miền Tây Nam bộ nên tính cách của tôi luôn chân chất, mộc mạc và giản dị, không khách sáo. Vì vậy, những video tôi làm chỉ với mong muốn trước nhất là làm sao thể hiện được con người của vùng đất phương Nam qua văn hóa, qua những trải nghiệm về du lịch, ẩm thực.
Nam bộ là nơi tôi sinh ra và lớn lên, sau đó đến TP.HCM học đại học. Bến Tre, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh… mỗi nơi đều có sự khác biệt, nhất là văn hóa, ẩm thực. Nhưng để lại dấu ấn nhất vẫn là tấm lòng người dân quê tôi: chân chất, hào hiệp, nghĩa tình. Đến giờ nhiều người vẫn giữ liên lạc, lâu lâu điện thoại hỏi thăm dù tôi chỉ gặp họ đôi lần. Tôi thích cái không khí ấm áp và tính cách của bà con miền Tây Nam bộ lắm, chắc vì là đồng hương.
Kỷ niệm đáng nhớ trong những lần ra nước ngoài làm Vlog ?
Khi ra nước ngoài làm clip, tôi đối diện với nhiều khác biệt: ngôn ngữ, văn hóa, tập tục… Thường thì tôi ở lại mỗi nơi vài tuần, không làm gì hết, chỉ đi chợ, ăn uống, tiếp xúc với người dân để hiểu thêm về đất nước, cuộc sống của người địa phương.
Châu Phi có rất nhiều chuyện đáng nhớ. Lần đó tôi bắt xe đi từ thị trấn này qua thị trấn khác ở Madagascar, anh chủ khách sạn biết mình là người Việt đã sẵn lòng giúp mà không lấy đồng nào, lấy xe đưa tôi đi. Người dân Madagascar rất dễ thương, ít sử dụng internet, ít dùng điện thoại di động. Họ quây quần trò chuyện, cùng ăn cùng chơi, cảm giác gần gũi, cuộc sống rất cộng đồng. Madagascar cũng từng là thuộc địa của Pháp nên gần VN hơn về văn hóa.
Trong chuyến trải nghiệm đất nước Kenya, tôi ghé thăm chợ bên trong khu ổ chuột lớn thứ 3 thế giới – Kibera. Mọi thứ đều lạ lẫm từ thức ăn đến lối sống. Người dân không có nước máy, phải mang thùng ra vòi nước công cộng mua nước về dùng.
Tôi cũng gặp người Việt ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… Cộng đồng người Việt xa xứ đa số rất dễ thương, dễ gần. Họ nhận ra tôi khi xem kênh Khoai Lang Thang, đôi lúc mời tôi ăn món Việt và giành trả tiền.
Làm sao để níu chân người xem, rất nhiều trường hợp nổi lên rất nhanh nhưng cũng chóng tàn?
Chọn chủ đề không giới hạn, nếu không, dễ bị bế tắc. Du lịch, ẩm thực, văn hóa là những chủ đề có thể khai thác vô tận với nhiều góc cạnh, phong cách riêng. Sự mộc mạc, giản dị, chân thành là điểm nổi bật của tôi vì sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Tuy nhiên, dù chọn bất cứ phong cách nào thì người sáng tạo nội dung không thể giả tạo trong thời gian dài được. Chẳng có gì tốt bằng mang sự chân thành đến với khán giả, họ sẽ gắn bó lâu dài với mình.
Theo Khoai Lang Thang, yếu tố cần thiết để trở thành nhà sáng tạo nội dung là gì?
Muốn trở thành nhà sáng tạo nội dung, phải biết chọn chủ đề. Tôi may mắn chọn đề tài quay clip được nhiều người xem. Nhưng may mắn thôi chưa đủ, phải có khả năng sản xuất liên tục, tạo được một không gian riêng biệt. Bất cứ chủ đề nào cũng phải dành thời gian tìm hiểu, học hỏi. Làm về ẩm thực, du lịch, văn hóa sẽ có nhiều người xem nhưng độ cạnh tranh cao hơn. Nỗ lực không ngừng nghỉ thì sớm hay muộn sẽ nhận trái ngọt.
Tại lễ vinh danh Giải thưởng các nhà sáng tạo nội dung số VN 2024 (Vietnam iContent Awards 2024) ngày 30.11 tại TP.HCM, Khoai Lang Thang được gọi tên ở hạng mục Nhà sáng tạo nội dung của năm và Nhà sáng tạo nội dung được yêu thích nhất, cảm xúc của bạn khi đó?
Đây là giải do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) phối hợp VnExpress tổ chức. Cảm giác của tôi lúc đó đầy tự hào vì giờ đây đã có giải thưởng dành cho nhà sáng tạo nội dung. Năm đầu tiên được vinh danh, tôi nghẹn ngào, vừa khóc vừa cười, cực kỳ hạnh phúc vì mình theo đuổi một công việc được mọi người chấp nhận và tôn vinh.
Khoai Lang Thang có thể chia sẻ về cách bạn xoay chuyển kinh phí để thực hiện Vlog?
Trước đây tôi phải dùng tiền tiết kiệm, nên tôi chọn những nơi gần nhau hay các nước cạnh VN để làm clip. Ít tiền thì ăn quán bình dân, chọn phương tiện di chuyển công cộng, ở nhà nghỉ hay khách sạn rẻ tiền. Đặc biệt về miền Tây Nam bộ luôn được các cô chú, anh chị bao ăn ở nên không tốn kém. Hiện nay thì tiền nhận được đủ để làm clip hay hơn, đa dạng và đặc sắc hơn.
Sau dự án “VN – Chuyện chưa kể”, Khoai Lang Thang có dự tính làm gì thêm cho cộng đồng, đặc biệt là các em nhỏ?
Vẫn có những dự án dành cho cộng đồng nhưng tôi thích làm riêng, lặng lẽ hơn, mang tính cá nhân. Sử dụng tiền của chính mình, không dựa vào kinh phí quyên góp từ nhà tài trợ hay nhãn hàng. Không nhất thiết nhiều tiền mới làm thiện nguyện, có ít thì làm ít. Tôi luôn muốn đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.
Dự án “VN – Chuyện chưa kể” tôi kêu gọi làm sân chơi cho các em. Trẻ em thành thị có điều kiện để vui chơi, có hồ bơi, có sân bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá để tập luyện; trong khi trẻ em vùng sâu, vùng xa thiếu thốn trăm bề. Clip ghi lại quá trình tôi làm 30 sân chơi cho một số trường từ Bắc chí Nam có hơn 10 triệu lượt xem. Đó là sự khích lệ lớn vì cộng đồng luôn ủng hộ, hướng về những việc thiện nguyện.
Nếu cho chọn lại, Khoai Lang Thang có tiếp tục làm nhà sáng tạo nội dung không?
Tôi vẫn chọn trở thành nhà sáng tạo nội dung. Nhờ lựa chọn này để tạo nên Khoai Lang Thang hiện tại, không có lý do gì để làm khác đi.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/khoai-lang-thang-su-chan-thanh-moc-mac-tao-nen-suc-hut-rieng-185241207221725014.htm