“Vương quốc hang động” Quảng Bình không chỉ nổi tiếng với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà còn níu chân du khách bởi nền ẩm thực đa dạng. Một trong những đặc sản độc đáo nơi đây là khoai deo, món ăn bình dị và dân dã.
Quảng Bình có đất cằn cỗi, nắng gió khắc nghiệt quanh năm, rất ít cây phù hợp để làm nông nghiệp, duy chỉ cây khoai lang là có thể thích nghi tốt với khí hậu nơi này. Khoai lang Quảng Bình có hương vị đặc trưng, bùi và ngọt hơn hẳn so với những khu vực khác.
Bà Hồng (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) sống tại làng chài ven biển. Công việc chính của người phụ nữ này là buôn bán hải sản và làm khoai deo, nay đã hơn 20 năm kinh nghiệm.
Khoai deo với nguyên liệu đơn giản làm từ khoai lang sống, công đoạn chế biến không cầu kỳ. Củ khoai sau khi thu hoạch được ủ ngoài trời nắng to bằng chăn bông để rũ hết đất cát, sau đó tiếp tục được bảo quản ở nơi khô ráo để không bị mọc mầm. Khi khoai bớt căng mọng người ta đem luộc và lột vỏ.
Khoai được cắt dọc thành nhiều lát mỏng, có độ dày chừng 1cm, xếp đều lên giàn để phơi. Theo bà Hồng, muốn khoai deo ngon cần phải chọn đúng loại khoai lang đỏ trồng ở đất cát trắng do có vị ngọt và mềm. Còn khoai lang trồng ở đất thịt, tuy kích thước to hơn nhưng khi ăn sẽ cảm thấy nhạt và cứng.
Khoai được phơi trong vòng 7 đến 10 nắng to, đến khi miếng khoai săn lại và có màu cánh gián là có thể ăn được. “Tôi và các thành viên trong gia đình phải thức trắng đêm để sơ chế”, bà Hồng nói.
Những ngày thời tiết âm u, không có nắng, khoai được cho vào lồng sấy. Mỗi mùa làm khoai deo như vậy, nhà bà Hồng xuất ra thị trường khoảng 1 – 1,5 tấn, phân phối khắp chợ tại các huyện. Hiện nay, tại xã Hải Ninh cũng có hơn 200 hộ sản xuất thủ công khoai deo, nhằm phục vụ nhu cầu của nhiều du khách từ xa tới.
Khoai lang đỏ được trồng vào mùa mưa của tỉnh Quảng Bình (từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau). Vì vậy, khi thời tiết khô ráo, khoai được thu hoạch để tận dụng ánh nắng, điều quan trọng nhất để làm nên món ăn này.
Khoai deo ngon phải là loại khô nhưng dẻo như mạch nha, có màu đỏ vàng tựa mật ong và vị ngọt mát giống đường phèn. Trong quá trình chế biến, các “nghệ nhân” thường không thêm phụ gia. Nhiều người lần đầu ăn khoai deo sẽ chê nó cứng và dính răng, vì vậy cần phải ăn từ tốn mới có thể cảm nhận hết vị ngon của chúng.
Theo những bậc cao niên ở xã Hải Ninh, khoai deo đã nổi tiếng từ bao đời nay. “Mặc dù lời lãi không cao, món ăn này cũng đã nuôi sống bao thế hệ con cháu ăn học thành tài. Dù khó khăn chúng tôi vẫn giữ nghề, như giữ lấy một nếp sống quê hương”, bà Hồng nói.