Hôm nay 11.8, Trường đại học Y Hà Nội tổ chức lễ tốt nghiệp cử nhân y khoa, bác sĩ y khoa năm học 2022 – 2023. Đây là khóa đào tạo đặc biệt, do điểm chuẩn đầu vào nhiều ngành, trong đó có ngành bác sĩ đa khoa cao chưa từng có của Trường đại học Y Hà Nội.
Năm nay, toàn trường có 806 sinh viên tốt nghiệp bác sĩ y khoa khóa 2017 – 2023 (không tính bác sĩ văn bằng 2 y học dự phòng), gồm 4 chuyên ngành: bác sĩ đa khoa (gồm cả số sinh viên đào tạo tại Phân hiệu Thanh Hóa), bác sĩ y học cổ truyền, bác sĩ y học dự phòng, bác sĩ răng hàm mặt. Trong đó, ngành bác sĩ đa khoa có 488 sinh viên tốt nghiệp.
Có 322 sinh viên tốt nghiệp cử nhân y khoa 2019 – 2023, gồm 5 chuyên ngành: điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, khúc xạ nhãn khoa, y tế công cộng, dinh dưỡng.
Theo PGS Nguyễn Thị Bình, Phụ trách Phòng Quản lý đào tạo đại học (Trường đại học Y Hà Nội), với riêng ngành bác sĩ nói chung và bác sĩ đa khoa nói riêng, đây là khóa tuyển sinh đặc biệt. Các em trúng tuyển năm 2017, là năm thứ 3 Bộ GD-ĐT thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, nhưng là năm đầu tiên gộp 2 cụm thi làm một. Còn trước đó (các năm 2015, 2016) có 2 cụm thi, một cụm thi do các trường đại học chủ trì tổ chức, một cụm thi do địa phương chủ trì tổ chức.
Đồng thời, đó cũng là năm mà điểm chuẩn ngành bác sĩ y khoa của trường (đào tạo tại Hà Nội, với 500 chỉ tiêu) đội lên mức cao chưa từng có trong lịch sử tuyển sinh của trường đại học lâu đời nhất Việt Nam, 29,25 điểm. Nghĩa là thí sinh nếu chỉ có 2 điểm 10 trong số 3 môn thi, điểm thi còn lại nếu chỉ là 9 điểm, thì vẫn trượt nguyện vọng 1.
Dù có mức điểm chuẩn cao kỷ lục như vậy nhưng kết quả tốt nghiệp của các tân bác sĩ đa khoa khóa 2017 – 2023 Trường đại học Y Hà Nội cũng tương đương các năm trước.
Tỷ lệ tốt nghiệp loại giỏi ngành bác sĩ đa khoa là 14,59% (năm ngoái là 12,6%); khá là 73,36% (năm ngoái 75,5%). Theo GS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, tỷ lệ tốt nghiệp khá, giỏi của ngành bác sĩ đa khoa khoảng 80% là mức thông thường của trường từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, cũng theo GS Tú, đây là khóa học được tăng cường kỹ thuật chuyên ngành, thực hành tay nghề, rèn luyện kỹ năng, cập nhật môn học mới, hội nhập quốc tế. Đặc biệt, các sinh viên của khóa học được tham gia nghiên cứu khoa học, hoạt động cộng đồng, tham gia phòng, chống dịch bệnh. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để giúp các tân bác sĩ sớm đáp ứng được yêu cầu của công việc khám, chữa bệnh sau khi ra trường.
GS Tú cho biết, các ngành bác sĩ là những ngành đào tạo vất vả, đòi hỏi người học phải say mê và chuyên cần. Điểm đầu vào cao chỉ là một yếu tố thuận lợi để các em có khả năng theo học ngành y chứ không phải là yếu tố quyết định giúp các em có thể trở thành sinh viên giỏi hoặc bác sĩ giỏi sau này hay không.