Đại học danh tiếng Mỹ Yale sẽ mở một khoá học mới về Beyoncé Knowles và sức ảnh hưởng của cô đối với âm nhạc toàn cầu cho sinh viên từ đầu năm 2025. Lớp học này được mang tên “Beyoncé làm nên lịch sử: Truyền thống, văn hóa, lý thuyết và chính trị cấp tiến của người da màu thông qua âm nhạc”.
Truyền cảm hứng cho sinh viên
Sự nghiệp âm nhạc và sức ảnh hưởng của ca sĩ Beyoncé (44 tuổi) đến văn hóa đại chúng sẽ trở thành đề tài giảng dạy của Đại học Yale năm 2025. Lớp học sẽ do giáo sư Daphne Brooks thuộc chuyên ngành Nghiên cứu người Mỹ gốc Phi giảng dạy, tập trung vào giai đoạn phát triển của nữ ca sĩ từ năm 2013 đến album Cowboy Carter năm 2024. Từ đó phân tích nhận thức và sự tham gia của nữ ca sĩ vào các hệ tư tưởng xã hội và chính trị.
Bà Brooks dự định dùng danh mục nhạc Beyoncé và các sân khấu biểu diễn trực tiếp của cô để dẫn dắt sinh viên tìm hiểu cộng đồng trí thức da đen trong lịch sử Mỹ, từ nhà vận động bãi nô gốc Phi Frederic Douglass (1818-1895) đến nhà văn đoạt giải Nobel – bà Toni Morrison (1931-2019). Trong quá trình học tập, các sinh viên sẽ được thưởng thức các tiết mục biểu diễn từ Beyoncé, bao gồm các cảnh quay từ các concert nhằm giúp sinh viên hiểu sâu hơn về văn hóa của người da màu. Với lớp học mới tại Đại học Yale, bà hy vọng đề tài này thu hút nhiều chú ý.
Theo bà Brooks, ca sĩ Beyoncé thuộc một “đẳng cấp khác” khi sử dụng nền tảng âm nhạc để nâng cao nhận thức, khuyến khích mọi người tham gia các phong trào xã hội, chính trị như Black Lives Matter (Mạng người da đen cũng đáng giá), chủ nghĩa nữ quyền của người gốc Phi. Cô cũng dùng sáng tác của mình kể về những bất công sắc tộc, giới tính mà cộng đồng người da màu đối mặt suốt hơn 400 năm bị đàn áp tại Mỹ, biến nhiều ca khúc thành nơi lưu trữ ký ức lịch sử.
Về chính trị, tờ Guardian nhận định Beyoncé ít can dự vào lĩnh vực này nhưng luôn là đề tài gây chú ý mỗi khi tham gia. Cô từng hát trong hai buổi nhậm chức của cựu Tổng thống Barack Obama năm 2009 và 2013. Năm 2024, ca sĩ cho phép chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Kamala Harris dùng bài hát Freedom trong buổi vận động tháng 7. Cô cũng xuất hiện trong cuộc mít-tinh kêu gọi bỏ phiếu của bà Harris ngày 25/10 tại Texas.
Đây không phải là lần đầu tiên khóa học về Beyoncé được giảng dạy ở đại học. Năm 2017, Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đã triển khai khóa học “Beyoncé, Giới tính và Chủng tộc”. Trước đó, năm 2014, Đại học Rutgers (Mỹ) đã mở khóa “Chính trị hóa Beyoncé” tại khoa Nghiên cứu Giới tính và Phụ nữ. Khóa học cũng thu hút đông đảo sinh viên tham dự. Theo trang web của trường, lớp học này giúp khám phá giới tính, chủng tộc… qua lăng kính sự nghiệp và danh tiếng của Beyoncé.
Danh tiếng sáng chói
Beyoncé là một ca sĩ, nhạc sĩ, vũ công, nhà sản xuất âm nhạc và diễn viên. Sự nghiệp âm nhạc của Beyoncé khiến nhiều người phải nể phục. Với hơn 200 triệu đĩa bán được trên toàn thế giới, Beyoncé là một trong những nghệ sĩ có số lượng đĩa nhạc bán chạy nhất mọi thời đại. Suốt sự nghiệp, ca sĩ đoạt nhiều danh hiệu như giải Billboard, MTV, American Music Award. Cuối tháng 11/2024, Billboard công bố Beyoncé là ngôi sao nhạc pop vĩ đại nhất thế kỷ 21 dựa trên sự nghiệp rực rỡ kéo dài xuyên suốt 25 năm của “ong chúa” trong thế kỷ này.
Cô cũng đã vượt lên trên cuộc cạnh tranh để trở thành nghệ sĩ nhận được nhiều đề cử nhất ở giải Grammy 2025 với 11 hạng mục cho album mang âm hưởng đồng quê “Cowboy Carter” và album “Texas Hold ‘Em”. Với việc nhận được 11 đề cử cho album “Cowboy Carter”, Beyoncé đã lập kỷ lục là ca sĩ được đề cử nhiều nhất trong lịch sử giải Grammy. “Cowboy Carter” là album gồm 27 bài hát với thời lượng 1 giờ 18 phút, được đánh giá là một trong những siêu phẩm của làng nhạc thế giới trong năm 2024.
* Tạp chí Mỹ Forbes từng công bố danh sách 100 ngôi sao quyền lực nhất thế giới năm 2014 và Beyoncé chính là cái tên đứng ở vị trí số 1. Tạp chí Forbes cũng 2 lần vinh danh cô là Phụ nữ quyền lực nhất làng giải trí thế giới vào năm 2015 và 2017.
* Luôn ý thức được sự phân biệt chủng tộc hay bất bình đẳng giới trong xã hội Mỹ, Beyoncé đã từ lâu đưa những thông điệp phản ánh xã hội và tình trạng bất bình đẳng giữa con người trong các tác phẩm âm nhạc của mình như một bản tuyên ngôn nữ quyền cực kỳ đanh thép.
Nguồn: New York Post
Nguồn: https://pnvnweb.dev.cnnd.vn/khoa-hoc-moi-beyonce-lam-nen-lich-su-20250102160019802.htm