Tiến sĩ Ahmed El-Sohemy, giáo sư khoa học dinh dưỡng tại Đại học Toronto (Canada), cho biết: Độ nhạy cảm với caffeine phần lớn phụ thuộc vào gien CYP1A2. Gien này kiểm soát một loại enzyme gọi là CYP1A2, có chức năng phân hủy, đào thải caffeine ra khỏi cơ thể và tốc độ chuyển hóa caffeine phụ thuộc vào biến thể của gien này ở mỗi người.
Người có 2 bản sao của biến thể CYP1A2 sẽ có khả năng chuyển hóa nhanh caffeine. Trong khi người có một bản sao – là những người chuyển hóa chậm, sẽ nhạy cảm hơn với caffeine. Phần còn lại không có bản sao của gien CYP1A2 là những người nhạy cảm với caffeine khá mạnh.
Di truyền ảnh hưởng thế nào đến sở thích uống cà phê?
Di truyền cũng ảnh hưởng đến sở thích uống cà phê. Nghiên cứu năm 2021, được công bố trên tạp chí khoa học Scientific Reports, đã phát hiện người có di truyền nhạy cảm hơn với caffeine sẽ ít thích vị đắng của cà phê đen, do đó họ thích cà phê sữa.
Ngược lại, nghiên cứu năm 2021 của trường Y Northwestern Đại học Feinberg (Mỹ) đã phát hiện những người có gien di truyền chuyển hóa caffeine nhanh hơn sẽ thích cà phê đen, đắng, theo tạp chí y tế Neuroscience.
Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Marilyn Cornelis, phó giáo sư y tế dự phòng về dinh dưỡng tại Northwestern, cho biết: Người uống cà phê đen, nhất là cà phê đen không đường cũng thích những thực phẩm có vị đắng khác như sô cô la đen. Những người này chuyển hóa caffeine nhanh hơn, và do đó họ cũng uống cà phê nhiều hơn.
Tuy nhiên, chuyên gia Cornelis cho biết lý tưởng nhất là chỉ nên uống 2 – 3 tách cà phê đen không đường mỗi ngày.