Việt Nam là một trong những quốc gia biển chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới…) là một trong những hướng đi được quan tâm nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Năm 2023, thiên tai Việt Nam được dự báo có diễn biến bất thường, trái quy luật hơn những năm trước. Do đó, ứng dụng KHCN và chuyển đổi số trong hoạt động phòng chống thiên tai sẽ góp phần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, tránh bị động trong tình huống có thiên tai xảy ra. Đặc biệt là công tác cảnh báo, dự báo bão trên biển.
Trong nhiều năm gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quan tâm đầu từ nguồn lực vào khoa học công nghệ trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đồng thời nhấn mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ theo dõi giám sát, cảnh báo, dự báo bão, quản lý vận hành công trình phòng chống thiên tai là điều quan trọng và tất yếu. Nhiều tiến bộ KHCN đã được ứng dụng vào hoạt động để chuyển đổi số công tác dự báo, cảnh báo thiên tai như mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn tự động (máy đo gió, máy đo khí áp, máy đo độ ẩm…); thành lập các trung tâm thu nhận, xử lý, tính toán và ra bản tin dự báo, cảnh báo mưa, dông… lập bản đồ ngập lụt do nước dâng cho khu vực ven biển khi có tình huống bão mạnh và siêu bão đổ bộ…
Với sự hỗ trợ đắc lực của KHCN việc chuyển đổi số, công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai ngày càng hiệu quả hơn. Nhờ đó, các cơ quan liên quan mới có đầy đủ thông tin để chỉ đạo, điều hành, giúp người dân, đặc biệt là ngư dân hoạt động dài ngày trên biển hạn chế thấp nhất các rủi ro, thiệt hại.
Khi trao đổi với với các ngư dân trên các tàu đánh bắt cá ngoài khơi xa mới biết những nỗi vất vả, nguy hiểm của họ. Mỗi đợt đánh cá ngoài khơi xa thông thường sẽ mất vài tuần đến vài tháng trên biển tùy thuộc vào luồng cá và thời tiết. Rất khó cho ngư dân ở chỗ, khi biển động, sắp sửa có áp thấp hoặc bão thì mới có nhiều cá, chính vì vậy việc cung cấp những thông tin chính xác về cơn áp thấp hoặc bão trên từng khu vực biển nơi họ đang đánh bắt xa bờ là hết sức quan trọng và cần thiết, vì nó ảnh hưởng không những tài sản mà còn là tính mạng của chính những người ngư dân.
Với những đóng góp quan trọng cho người dân như vậy, nhưng rất ít ai biết đến những khó khăn vất vả của những cán bộ công tác trong ngành khí tượng thủy văn. Họ thường xuyên xa nhà đến với những vùng ven biển, đảo xa trong điều kiện sinh hoạt hết sức
khó khăn, ở đó có những trạm quan trắc, khí tượng.
Họ vận hành hệ thống máy móc đo tốc độ gió, cường độ nắng, độ ẩm, mực nước triều… để có được những thông số chính xác để kịp thời gửi về Trung tâm phân tích những dữ liệu, từ đó bằng những phương pháp và phương tiện hiện đại đã tính toán và đưa ra được những dự báo, cảnh báo chính xác. Trong giai đoạn tới, ngành khí tượng thủy văn sẽ tập trung các nguồn lực để phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và tự động hóa, trọng tâm là dự báo, cảnh báo các thiên tai liên quan đến bão, lũ… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Các hoạt động tăng cường ứng dụng KHCN đang là hướng đi dần mang lại hiệu quả cho cả 2 phía cơ quan chức năng và người dân. Một mặt, chuyển đổi số và KHCN giúp cơ quan chức năng tăng cường khả năng dự báo, cảnh báo bão và có phương án xử lý kịp thời, hiệu quả. Mặt khác, sự xuất hiện của những tiện ích trong thông tin, liên lạc đã giúp người dân được “chuyển mình” trong cuộc chiến với thiên tai, từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, đánh bắt ở những ngư trường truyền thống, sự hiện diện của họ trên biển cũng góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phóng sự ảnh: Lê Xuân Tùng
Thiết kế: Khánh Linh