Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW (ngày 3/11/2022) của Bộ Chính trị, ngành khoa học, công nghệ cơ bản đã triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại nghị quyết này. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030: “Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực;…”. Đồng thời, Nghị quyết nêu các quan điểm về phát triển vùng, trong đó chú trọng: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện thực tế của vùng. Phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phù hợp với điều kiện thực tế của vùng…”.
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có những đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng.
Thông qua việc công bố Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 đã phản ánh được nội hàm, điểm mạnh, điểm yếu của từng địa phương, trong đó Đà Nẵng là một trong năm địa phương có điểm số dẫn đầu cả nước, khẳng định vai trò, vị trí của trung tâm vùng. Ngay sau khi công bố chỉ số này, các địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm cải thiện chỉ số của địa phương, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế-xã hội. Một số địa phương như Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa,… đã tổ chức hội thảo để tìm giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số.
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của vùng cũng có nhiều khởi sắc, tăng sự gắn kết, hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp trong vùng. Các địa phương đã chủ động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc ban hành cơ chế, chính sách. Thí dụ, tỉnh Hà Tĩnh ban hành phê duyệt danh mục nhiệm vụ triển khai chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2022; tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kế hoạch thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp giai đoạn năm 2023-2025; tỉnh Quảng Nam ban hành quy định đánh giá, công nhận và khuyến khích ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh…
Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, kinh doanh được tăng cường, đã góp phần nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh, tạo lập và phát triển thị trường đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của từng địa phương. Tính riêng các dự án cấp quốc gia thực hiện trong năm 2023-2024 đã hỗ trợ chuyển giao được cho vùng 137 quy trình công nghệ; hỗ trợ xây dựng 115 mô hình sản xuất dựa trên ứng dụng công nghệ; đào tạo 309 cán bộ kỹ thuật; tập huấn cho 6.070 lượt nông dân về quy trình kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất.
Các địa phương như Quảng Nam, Bình Thuận đã đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất đối với một số ngành chủ lực, mũi nhọn, tìm kiếm, kết nối, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Qua đó, nhiều công nghệ mới, công nghệ tiên tiến được chuyển giao, ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tăng sản lượng, chất lượng các sản phẩm…
Các nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia cũng được chú trọng triển khai, nhằm giải quyết các vấn đề khoa học, công nghệ cấp thiết, phát sinh ở địa phương. Từ năm 2022 đến nay, có 83 nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia được triển khai tại vùng, góp phần giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề mang tính cấp thiết, cấp bách, liên vùng, liên ngành. Thông qua triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia, các địa phương đã ứng dụng thành công nhiều quy trình kỹ thuật được chuyển giao từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các trung tâm khoa học, công nghệ lớn.
Tuy nhiên, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ còn nhiều khó khăn, thách thức. Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, tiềm lực khoa học, công nghệ của nhiều địa phương trong vùng còn hạn chế; nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ còn thiếu; hoạt động ứng dụng công nghệ chủ yếu có quy mô nhỏ, ở phạm vi xây dựng mô hình và còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi nhân rộng, phát triển; thiếu nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng quy mô lớn, có tính liên ngành, liên vùng để tạo ra sản phẩm theo chuỗi giá trị gia tăng lớn, tác động mạnh đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và vùng.
Để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ hiệu quả hơn nữa cho phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương và vùng, trong giai đoạn tới, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, các địa phương cần tiếp tục chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch,… nhất là các cơ chế, chính sách đặc thù. Các địa phương tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, có giải pháp thu hút nhân lực trình độ cao, chuyên gia khoa học, công nghệ, tham gia giải quyết các nhiệm vụ khoa học, công nghệ quy mô lớn, cấp thiết tại địa phương.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản; các lĩnh vực thuộc tiềm năng, thế mạnh của địa phương, của vùng như: phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh; khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến; phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế rừng và kinh tế dưới tán rừng; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển đảo; nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng…
Các địa phương cũng cần đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia nhằm huy động, tận dụng nguồn lực quốc gia để giải quyết các vấn đề khoa học, công nghệ quy mô lớn, liên ngành, liên vùng…
Nguồn: https://nhandan.vn/khoa-hoc-cong-nghe-giai-quyet-van-de-cap-bach-cua-vung-post847764.html