Vẫn tồn tại hơn 3.000 lối đi tự mở
Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại tuyến đường sắt Gia Lâm – Hải Phòng, đoạn từ chắn đường ngang Khu công nghiệp Sài Đồng B đến chắn đường ngang phố Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) giao với quốc lộ 5 cũ là hàng rào trắng chạy dài hơn 1km ngăn giữa khu dân cư và đường sắt; Phía trong là đường gom rộng hơn 2m, thuận tiện cho dân đi lại.
Một nhân viên gác chắn cho biết, do khu vực này trông ra đường 5, thuận tiện kinh doanh, sản xuất nên dù hai phía đều có đường ngang và lối đi dọc đường sắt nhưng các hộ vẫn tự mở lối đi qua đường sắt để ra vào cửa hàng, nguy cơ mất an toàn rất cao.
Năm 2022, quận Long Biên đã phối hợp với ngành đường sắt làm hàng rào dọc đoạn này, xóa được các lối đi tự mở.
Đại diện Công ty CP Đường sắt Hà Hải – đơn vị quản lý tuyến cho biết, việc xây đoạn hàng rào đường gom này đã xóa bỏ được 14 lối đi tự mở.
Tuy nhiên, tính đến hết tháng 6/2023, trên toàn bộ các tuyến đường sắt thuộc đơn vị quản lý vẫn còn tới 341 lối đi tự mở (giảm 18 lối so với năm 2021). Trong đó, riêng tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM qua địa bàn Hà Nội còn 77 lối; Tuyến Gia Lâm – Hải Phòng đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng còn đến 256 lối.
Tại Hà Nam, theo ghi nhận của PV, khu vực xã Liêm Tiết, TP Phủ Lý, đoạn đường sắt qua địa bàn gần 2km nhưng tình trạng xếp đá cảnh trên hành lang đường sắt, lối đi tự mở tồn tại nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Nhiều vị trí khác cũng đang tồn tại lối đi tự mở nhưng chưa thể xử lý vì người dân phản đối.
Tình trạng trên không chỉ diễn ra ở Hà Nội hay Hà Nam, mà là tình trạng chung của các địa phương có tuyến đường sắt đi qua.
Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 358 phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt. Mục tiêu chính là đến năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở. Khi đó, còn hơn 5.000 lối đi tự mở trên toàn mạng lưới đường sắt quốc gia.
Triển khai đề án, một số địa phương đã bố trí kinh phí để giải phóng mặt bằng, làm đường gom. Nhưng do khối lượng theo đề án rất lớn nên nguy cơ chậm tiến độ là nhãn tiền.
Đến nay sau 3 năm mới xóa bỏ, rào kín được 672 lối đi tự mở, còn tồn tại đến 3.352 lối đi; Hơn 11.000 vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.
Tương tự, các công trình, hạng mục khác đều chậm tiến độ, hiện mới xây được hơn 19km đường gom, hàng rào trên tổng số hơn 650 km; 3/297 đường ngang; 2/149 hầm chui…
Đề xuất sửa luật để gỡ khó
Ông Phạm Ngọc Vinh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Nam Định cho biết, sau 3 năm thực hiện Đề án 358, Nam Định đã tranh thủ được các nguồn vốn Trung ương và địa phương thực hiện xóa được 167/249 (khoảng 67%) lối đi tự mở, còn 82 lối cần phải xóa bỏ từ nay đến hết năm 2025.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này còn rất nhiều khó khăn, do các lối đi còn lại chủ yếu là lối đi vào một hoặc một vài hộ dân, một số lối đi qua đường sắt là cửa ngõ để vào khu dân cư đã tồn tại từ lâu, chưa thể làm đường gom kết nối với đường ngang hợp pháp.
Còn theo đại diện Công ty CP Đường sắt Hà Hải, các tỉnh thuộc địa bàn đường sắt đơn vị này phụ trách như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng đều thông tin là khó khăn trong bố trí vốn (cả địa phương, Trung ương) để giải phóng mặt bằng, không có quỹ đất làm hàng rào, đường gom. Nhất là giải phóng mặt bằng rất khó, đòi hỏi vốn rất lớn; Làm đường gom trên phần đất dành cho đường sắt để đỡ kinh phí thì vi phạm luật.
Theo ông Nguyễn Huy Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN, khó khăn lớn nhất vẫn là không có vốn và vướng các quy định pháp luật. Về vốn, nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng công trình phụ trợ (cầu vượt, hầm chui, đường ngang, hàng rào/đường gom…) chưa được cấp thẩm quyền bố trí theo lộ trình của Quyết định 358.
Về trách nhiệm, địa phương phải ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để xây hàng rào, đường gom nhưng nhiều nơi không chủ động. Trường hợp địa phương không bố trí được vốn, thay vì chủ động làm thủ tục xin ngân sách Trung ương hỗ trợ, có địa phương lại đề nghị “ngược” lại Bộ GTVT bố trí.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện đề án, nhiều địa phương đề nghị cho phép làm đường gom trên đất hành lang ATGT đường sắt vì không có quỹ đất. Tuy nhiên, theo Luật Đường sắt, việc này không được phép.
“Trên thực tế, nếu cho phép thì chỉ cần làm hàng rào ngăn đường sắt, đường gom là xóa được lối đi tự mở, giữ được an toàn cho cả người dân và an toàn chạy tàu. Vì vậy, Cục đã đưa đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về nội dung này vào hồ sơ sửa đổi Luật Đường sắt 2017 nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ thực hiện đề án”, ông Hiền cho biết.
Đa phần tai nạn xảy ra ở lối đi tự mở
Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, có tới hơn 80% các vụ tai nạn xảy ra tại các lối đi tự mở và dọc hai bên đường sắt. Riêng năm 2022 xảy ra 213 vụ tai nạn đường sắt thì đến 98 vụ xảy ra tại lối đi tự mở, 95 vụ xảy ra dọc đường sắt; 8 tháng năm 2023, con số tương ứng lần lượt là 125 vụ, trong đó 45 vụ tại lối đi tự mở, 61 vụ dọc đường sắt.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/kho-xoa-3000-loi-di-tu-mo-vi-thieu-tien-192231012230522411.htm