Đắk Nông vừa gửi công văn cho Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT đề nghị được tuyển thêm hơn 1.000 biên chế giáo viên năm học 2023-2024. Hiện số lượng biên chế được giao hằng năm không đủ để đảm bảo việc dạy và học.
Dự kiến năm học 2023-2024, toàn tỉnh Đắk Nông có 90 trường mầm non với gần 27.000 học sinh; 132 trường tiểu học với gần 75.000 học sinh; 87 trường THCS với gần 48.000 học sinh; 34 trường THPT với gần 26.000 học sinh. Số lượng học sinh này đã cao hơn so với số lượng được tính vào ngày 31/5/2023.
Đây là số lượng biên chế cần thiết để tỉnh tổ chức tốt việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới và đáp ứng sự gia tăng học sinh trong thời gian tới đây.
Hải Dương đã ban hành kế hoạch tuyển dụng hơn 1.400 giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục công lập năm 2023. Trong đó tuyển 342 giáo viên mầm non, 633 giáo viên tiểu học, 332 giáo viên THCS, giáo viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cấp huyện 23 chỉ tiêu, các trường THPT công lập 88 chỉ tiêu…
Nếu theo quy chuẩn, tỉnh Bình Dương còn thiếu hơn 3.000 giáo viên. Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, để tuyển đủ số giáo viên còn thiếu sở đưa ra nhiều biện pháp như thông báo tuyển dụng, đặt hạng đào tạo, thu hút sinh viên giỏi tốt nghiệp…
Sở GD&ĐT Bình Dương cũng đang tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ để tham mưu UBND tỉnh xem xét, chủ trương hợp đồng viên chức còn thiếu theo quy định; tiếp tục chỉ đạo cơ sở giáo dục thực hiện các phương án về phân công giáo viên dạy thêm giờ, dạy thỉnh giảng nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trong thời gian chưa được tuyển dụng đủ số lượng.
Theo thống kê, năm học 2023 – 2024, tỉnh Bình Dương có gần 549.000 học sinh các cấp, tăng 38.000 học sinh so với năm học trước. Tỉnh cũng gấp rút hoàn thành và đưa vào sử dụng 19 trường công lập mới phục vụ số lượng học sinh tăng nhanh. Do đó, bài toán giáo viên đang là thách thức rất lớn với địa phương này.
Năm học 2023 – 2024, tỉnh Cao Bằng được giao tuyển dụng hơn 500 giáo viên cho tất cả cấp học. Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc sở GD&ĐT cho biết, kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục khai mạc cuối tháng 5. Từ hơn 1.100 thí sinh đăng ký dự thi, có 1.104 thí sinh đủ điều kiện tham gia thi vòng 2.
“Sở đang tiến hành các thủ tục theo quy định để công bố danh sách ứng viên trúng tuyển kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục. Những giáo viên này sẽ thực hiện nhiệm vụ dạy học ngay trong năm học mới, khỏa lấp phần nào tình trạng thiếu giáo viên kéo dài trên địa bàn thời gian qua, nhất là giáo viên bộ môn Tin học, tiếng Anh”, ông Dương cho biết.
Trước đó, năm 2022, Cao Bằng cũng tổ chức thi tuyển viên chức ngành Giáo dục, với chỉ tiêu là 519 viên chức. Tuy nhiên, tỉnh này chỉ tuyển được 315 người do không có nguồn. Thống kê đến năm 2023 cho thấy, toàn tỉnh thiếu 527 giáo viên dạy ở các bậc học, tình trạng này trầm trọng hơn khi thực hiện chương trình phổ thông mới
Hiện, Cao Bằng chưa có giáo viên chuyên trách dạy các môn học tích hợp (Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý).
Hiện nay Cần Thơ đang thiếu gần 700 giáo viên ở các cấp học, trong đó, ở bậc mầm non 160, tiểu học 313; THCS 110 và THPT 105 giáo viên.
Nguyên nhân Cần Thơ đang thiếu giáo viên là do 5/9 quận, huyện đã tuyển dụng giáo viên. Bốn quận, huyện gồm: Ninh Kiều, Cái Răng, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh chưa thực hiện việc tuyển dụng giáo viên.
Thống kê của Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), đến cuối năm học 2022 – 2023, cả nước tuyển dụng thêm hơn 17.000 giáo viên công lập. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 74.000 chỉ tiêu biên chế được giao cho các địa phương nhưng chưa tuyển dụng được.
Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên. Số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021 – 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người).
Hà Cường