Xoay quanh vấn đề tự chủ đại học ở Việt Nam, một số chuyên gia cho rằng khó khăn trong việc tự chủ đại học nằm ở vấn đề tự chủ tài chính, một số khác lại cho rằng nguồn gốc phải bắt đầu từ cơ chế, chính sách.
Thực tiễn cho thấy, bên cạnh những thành quả nhất định, vấn đề tự chủ đại học ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, khó khăn.
Chỉ còn 3,45% trường đại học ở Việt Nam đang được ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên
Theo thông tin từ nghiên cứu của nhóm TS. Nguyễn Thị Thu Hà – Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, tính đến hiện tại, cả nước có tổng cộng 141/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định tại khoản 2, Điều 32, Luật Giáo dục đại học.
Thực tiễn cho thấy, Việt Nam đã có khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện tự chủ. Các cơ sở giáo dục đại học được lựa chọn thí điểm đã có những thành tựu nhất định, vị thế của các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được củng cố và có thêm động lực phát triển, ảnh hưởng tới xã hội sâu rộng, tạo nguồn thu linh hoạt hơn, thu nhập của đội ngũ cán bộ tăng lên, khả năng hội nhập dễ dàng hơn. Kết quả thực hiện tự chủ giáo dục đại học đã có những khởi sắc nhất định.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, cả nước đã có 154/170 cơ sở giáo dục đại học thành lập hội đồng trường. Chất lượng giảng viên ngày càng được nâng cao.
Đồng thời, các trường đã có khả năng tự chủ về chuyên môn và học thuật. Các chương trình đào tạo linh hoạt, phù hợp với xu thế của thị trường.
Cùng với đó, việc tự chủ tài chính và tài sản cũng có nhiều khởi sắc. Số liệu cho thấy có khoảng 33% trường đại học đã tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Gần 14% trường đại học đã tự đảm bảo chi thường xuyên. Số trường chưa đảm bảo chi thường xuyên nhưng có kế hoạch đạt 16,38%. Chỉ có 3,45% trường đang được ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và chưa có kế hoạch khác.
TS. Nguyễn Thị Thu Hà nêu để các trường đại học làm tốt vấn đề tự chủ, hạn chế trong tự chủ đại học ở Việt Nam nằm ở 4 vấn đề chính. Một là khung pháp lý về tự chủ đại học ở Việt Nam chưa đồng bộ. Hai là một số cơ sở giáo dục đại học được giao thí điểm tự chủ vẫn còn chưa nhận thức đầy đủ về tự chủ đại học, chưa chủ động động chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện. Ba là nhiều cơ sở thực hiện sai, hiểu sai quyền tự chủ là quyền được tự quyết định mọi việc không tuân theo pháp luật. Thứ tư là nguồn tài chính còn của các trường đại học công lập còn hạn hẹp.
Nói về việc đâu là hạn chế, khó khăn lớn nhất cần phải được giải quyết trong việc tự chủ đại học ở Việt Nam, có chuyên gia cho rằng nằm ở vấn đề tự chủ tài chính. Thế nhưng, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Câu lạc bộ đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam cho rằng vấn đề lớn nhất nằm ở vấn đề thể chế chưa đồng bộ, tự chủ nhưng chưa tự quyết.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức chỉ ra, có thể các trường có tài chính, nhưng lại phải chi tiêu theo chính sách, chưa được tự chủ hoàn toàn.
Làm gì để các trường đại học làm tốt vấn đề tự chủ?
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, để các trường đại học làm tốt vấn đề tự chủ, cần phải làm tốt một số vấn đề sau.
Một là cần khẳng định, xác định rõ vai trò và vị trí của Hội đồng trường với Ban Giám hiệu. “Với các trường công lập, nếu tự chủ, thì khi so sánh với doanh nghiệp, Hội đồng trường vai trò sẽ như Hội đồng quản trị, còn Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu có vai trò như Giám đốc, Ban Giám đốc của doanh nghiệp. Với các trường ngoài công lập, thì hội đồng quản trị, trên thực tế phải có vai trò quyết định như của hội đồng trường” – ông Đức nói.
Đồng thời, ông khẳng định với các trường công lập, Chủ tịch Hội đồng trường dễ đồng nhất với Bí thư Đảng ủy; trong khi đó với các trường ngoài công lập, Chủ tịch hội đồng quản trị mới là người giữ vai trò quyết định lớn nhất và quan trọng nhất. Do đó, Luật và Nghị định tới đây cần sửa đổi sao cho phù hợp với thực tiễn này.
Hai là tự chủ đại học tác động mạnh mẽ đến mô hình và quản trị của 2 đại học quốc gia, các đại học vùng và các đại học. Theo tư duy biện chứng, thì các trường đại học tự chủ muốn phát triển bền vững sẽ phải tiến tới đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Tự chủ càng cao, mô hình quản trị khi có cấp quản lý trung gian ngày càng không phù hợp. Do đó, vấn đề đặt ra là tới đây, khi sửa Luật giáo dục đại học, cần cân nhắc việc các cơ sở giáo dục đại học sẽ vẫn có khái niệm là các đại học, trường đại học hay chỉ là các trường đại học?
Ba là, cần tiến tới sự bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập. Nhà nước hoàn toàn có thể đầu tư cho các trường ngoài công lập nếu trường đó có nhóm nghiên cứu mạnh, tham gia đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực theo yêu cầu sứ mệnh quốc gia.
“Gió đã bắt đầu đổi chiều. Các trường công lập đào tạo uy tín, chất lượng được tự chủ sẽ ngày càng có thế mạnh vượt trội so với các trường ngoài công lập và các trường chưa tự chủ trong việc thu hút nhân tài và thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển”, ông Đức bày tỏ.
Ngày 14/12, tại TP.HCM, Hội thảo Khoa học Quốc gia 2024 với chủ đề “Đổi mới quản trị đại học trên cơ sở tự chủ đại học gắn liền với đảm bảo chất lượng” đã diễn ra, thu hút sự quan tâm lớn của giới chuyên môn. Hội thảo có sự tham gia của đại diện hơn 150 cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn cả nước, với hơn 200 đại biểu tham gia trực tiếp và 200 đại biểu tham dự trực tuyến.
Nguồn: https://danviet.vn/tu-chu-dai-hoc-o-viet-nam-kho-tu-chu-tai-chinh-2024121415472406.htm