Nhiều công ty chứng khoán hạ dự báo tăng trưởng của VN-Index
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), quá trình điều chỉnh và tích lũy có thể là diễn biến chủ đạo của thị trường trong nửa đầu quý IV/2023. Tuy nhiên, mức độ giảm giá kế tiếp có thể sẽ không quá lớn bởi chỉ số đã lùi về sát khu vực hỗ trợ mạnh 1.100 điểm. Những dấu hiệu ủng hộ cho chu kỳ mới trên xu hướng dài hạn của thị trường vẫn đang được giữ vững.
Dư địa điều chỉnh có thể sẽ tiếp tục đưa mức định giá P/E về tiệm cận với ngưỡng trung bình 5 năm trừ 1 độ lệch chuẩn, tương ứng với với khoảng dao động quanh vùng 1.070 – 1.080 điểm của VN-Index.
“Điểm cân bằng mới được kỳ vọng sẽ xác nhận quanh khu vực 1.080 – 1.100 điểm của VN-Index trong nửa đầu quý IV. Giai đoạn tích lũy có thể sẽ là bước chuẩn bị tiếp theo cho kỳ vọng hình thành nhịp sóng mới trên chu kỳ biến động dài hạn” – đội ngũ phân tích nhận định.
Trước những lo ngại về lạm phát và tỉ giá, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) hạ dự phóng chỉ số VN-Index cuối năm 2023 xuống 1.160 điểm, giảm từ mức 1.240 đưa ra thời điểm đầu năm cũng như trong báo cáo chiến lược quý gần nhất. Trong khi đó, KBSV nâng nhẹ dự phóng tăng trưởng EPS lên 1% và hạ mức P/E hợp lý của VN-Index xuống 14,5 lần (từ mức 15,5 lần).
Tương tự, cân nhắc các yếu tố rủi ro từ áp lực tỉ giá và FED sẽ tăng lãi suất, Công ty Chứng khoán MB (MBS) hạ dự báo VN-Index cho những tháng cuối năm từ mức điểm 1.280 – 1.340 trước đây xuống mức 1.260 – 1.280. Tương đương với 13,7 – 14 lần định giá P/E năm 2023.
Nhiều yếu tố chi phối thị trường trong quý cuối năm
Các yếu tố định hình xu hướng của thị trường chứng khoán trong quý IV được chuyên gia từ KBSV chỉ ra gồm:
Thứ nhất, áp lực lạm phát và tỉ giá tới xu hướng lãi suất. Với mục tiêu hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước là duy trì mặt bằng lãi suất thấp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, KBSV không cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ đảo chiều tăng trong năm nay (trừ khi DXY và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tiếp tục tăng nóng). Dù vậy, xu hướng hạ lãi suất các tháng cuối năm nay sẽ không thuận lợi và dư địa chính sách tiền tệ nới lỏng có thể thu hẹp đáng kể trong quý IV/2023. Theo đó, yếu tố chính sách không còn mang tính hỗ trợ mạnh cho thị trường trong 3 tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, mặc dù mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% có thể đạt được một cách thuận lợi. Nhưng việc tốc độ tăng ngày một nhanh trong các tháng gần đây đang cho thấy, các nhà điều hành không nên chủ quan. Nhóm chuyên gia dự báo lạm phát cuối năm sẽ đạt 3,6% khi số liệu lạm phát tháng 9 tăng mạnh hơn so với kỳ vọng.
Thứ hai, với việc hệ thống giao dịch KRX kỳ vọng được triển khai vào cuối năm nay, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn (hưởng lợi từ triển vọng nâng hạng thị trường được rút ngắn) và nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán (hưởng lợi từ giao dịch cho phép bán chứng khoán chờ về) được kỳ vọng có phản ứng tích cực. Từ đó sẽ tác động lên thị trường chứng khoán nói chung.
Thứ ba, FED và rủi ro suy thoái tại Mỹ. Nếu không có nhiều sự thay đổi trong kế hoạch chi tiêu cũng như những nỗ lực giảm thiểu thâm hụt ngân sách chính phủ, KBSV dự báo có thể chứng kiến một giai đoạn với lạm phát kéo dài dai dẳng cùng mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao đến ít nhất 2024.