Xuất khẩu gạo có nhiều ẩn số
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), thương mại gạo thế giới năm 2025 được dự báo ở mức 53,8 triệu tấn, giảm 0,8 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, một số quốc gia điều chỉnh chính sách thương mại sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của doanh nghiệp Việt.
Theo đó, cùng với một số quốc gia khác như Myanmar, Pakistan và Thái Lan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm tới được dự báo sẽ thấp hơn chủ yếu do nguồn cung thấp.
USDA cũng lưu ý rằng, Indonesia đã tăng nguồn cung gạo trong nước, do đó quốc gia này đã điều chỉnh mức nhập khẩu gạo xuống còn 1,5 triệu tấn, thay cho mức 2 triệu tấn trước đây.
Việc Indonesia – thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam điều chỉnh giảm mức nhập khẩu gạo chắc chắn tác động đến số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Hiện nay, Trung Quốc đang giảm nhập khẩu gạo khi quốc gia này chỉ nhập gạo nếp và gạo thơm ST24, ST25 (do Trung Quốc đã tự chủ được phân khúc gạo phổ thông). Minh chứng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc chỉ nhập khẩu trên 215.000 tấn gạo, giảm đến 68% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Nguyễn Văn Đôn – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Việt Hưng, cần theo dõi sát sao thị trường lúa gạo và động thái của Ấn Độ đối với việc tiếp tục ngừng hay gỡ bỏ lệnh xuất khẩu gạo.
“Các yếu tố có thể ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu gạo của Việt Nam từ nay đến cuối năm là khi nào Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và chính sách nhập khẩu gạo của thị trường mua lớn nhất là Philippines (chiếm 45% thị phần) sẽ thay đổi thế nào? Do đó, xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm có nhiều ẩn số” – ông Đôn nói.
Ông Vũ Tuấn Anh – Chủ tịch JCI Việt Nam 2022 cũng lưu ý rằng, xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Indonesia có thể gặp bất lợi do Cơ quan hậu cần Quốc gia – Bulog và Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia bị một tổ chức dân sự People’s Democracy Study (SDR) khiếu kiện lên Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (KPU) vì liên quan tới cáo buộc tham nhũng từ việc mua gạo.
“Từ nay đến khi cáo buộc này được làm rõ, có khả năng sẽ ảnh hưởng tới việc thu mua lúa gạo của Indonesia từ Việt Nam từ nay đến hết năm 2024” – ông Vũ Tuấn Anh nói.
Không cực nhọc sản xuất để bán gạo với giá thấp
Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, dự kiến từ đầu tháng 8.2024, quốc gia này sẽ điều chỉnh mức thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống còn 15%. Động thái này có thể kích thích xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines tăng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nông nghiệp và các thương nhân ngành lúa gạo cho rằng, để thực hiện đúng chiến lược phát triển ngành lúa gạo (giảm diện tích, tăng giá trị) cần tập trung vào mục tiêu xuất khẩu gạo với mức giá tốt hơn là tập trung vào số lượng với giá thấp.
Chia sẻ với Lao Động, ông Lê Thanh Tùng – Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) – nhấn mạnh: “Họ có chính sách nhập của họ (Philippines – PV) thì mình phải có chính sách xuất khẩu chứ nếu không chủ động thì mình cứ cực khổ làm để bán giá rẻ giúp họ nuôi người nghèo của họ”.
Điều đáng nói là Việt Nam khó có thể tăng thêm nguồn cung gạo cho xuất khẩu ở mức đột biến, bởi diện tích trồng, năng suất, giá gạo… khó thay đổi lớn.
Thương nhân Vũ Tuấn Anh – Chủ tịch Công ty GLE cho rằng, từ nay đến cuối năm, giá bán khó có kỳ vọng tăng mạnh, thậm chí có thể giảm nếu Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo.
“Cần bán gạo giá tương xứng thay cho lấy số lượng để bù vào giá. Gạo Việt ngon nhất thế giới và các doanh nghiệp đừng vì giành giật hợp đồng mà “dìm” giá gạo, làm tổn thương đến thương hiệu gạo Việt” – thương nhân Vũ Tuấn Anh kêu gọi.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/kho-du-bao-khi-xuat-khau-gao-con-nhieu-an-so-1363800.ldo