Đội tuyển điền kinh Việt Nam giành Huy chương vàng châu Á nội dung 4×400 m nữ. (Ảnh: VTV.VN)
Thời hạn đăng ký số VĐV dự ASIAD 19 năm 2022 đã chốt lại vào ngày 15/7 vừa qua sau khi các quốc gia tham dự đã có đăng ký sơ bộ tại Hội nghị lần thứ nhất của các trưởng đoàn thể thao dự đại hội từ tháng 4.
Theo thông tin từ Cục Thể dục-Thể thao, ở lần tham dự ASIAD 19-2022 (đại hội bị hoãn và phải lùi sang năm 2023), Việt Nam dự kiến cử 320 VĐV tranh tài. Các VĐV sẽ thi đấu ở 32 môn thể thao. Cục trưởng Thể dục-Thể thao Đặng Hà Việt cho biết, Phòng Thể thao thành tích cao 1, 2 (trước đây là Vụ Thể thao thành tích cao 1, 2) đã rà soát kỹ lưỡng từng VĐV ở từng môn cụ thể để đăng ký nhằm chuẩn bị cho ASIAD 19. Với số lượng VĐV này, thể thao Việt Nam phấn đấu giành từ 3 tới 5 HCV. Hiện nay, các đội tuyển thể thao quốc gia đang tích cực tập luyện nhằm đạt thành tích tốt nhất ở đại hội sẽ tổ chức vào tháng 9 tới.
Cục trưởng Thể dục-Thể thao Đặng Hà Việt cho biết: “Công tác chuẩn bị của Đoàn Thể thao Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất đến con người. Các yếu tố như chuyên gia nước ngoài, huấn luyện viên, VĐV đều phải tính toán rất kỹ càng để kinh phí đầu tư không bị lãng phí. Ngành thể thao hiện đang cân đối để đạt hiệu quả đầu tư hợp lý nhất. Thực tế, có những VĐV tham gia thi đấu bằng kinh phí Nhà nước, song cũng có nhiều VĐV tham dự từ nguồn xã hội hóa, thậm chí có VĐV tham dự là để ủng hộ nước chủ nhà bởi chúng ta cũng sẽ phải đưa những môn thể thao đặc trưng của Việt Nam như Vovinam vào ASIAD khi đủ điều kiện”.
Tại ASIAD 18 năm 2018 cách đây 5 năm, thể thao Việt Nam đăng ký tranh tài với 352 VĐV và giành năm HCV, 15 Huy chương bạc (HCB), 19 Huy chương đồng (HCĐ). Trong số năm HCV giành được, có ba HCV từ các môn Olympic là điền kinh (2 HCV), chèo thuyền (1 HCV) và 2 HCV môn pencak silat. Trong đó, VĐV điền kinh Quách Thị Lan ở nội dung chạy 400 m rào nữ giành HCB, sau được đôn lên HCV do VĐV giành HCV dính doping. Ngoài ra, theo đánh giá của ngành thể thao, tấm HCB của VĐV Nguyễn Huy Hoàng bơi tự do cự ly 1.500 m nam cũng rất đáng giá.
Tuy nhiên, khi nước chủ nhà Trung Quốc đăng cai đại hội, môn pencak silat đã không được đưa vào chương trình thi đấu. Trong khi các VĐV từng giành HCV ở đại hội trước chưa thấy tiến bộ hơn trong thời gian vừa qua, thậm chí Quách Thị Lan còn bị cấm thi đấu vì “dính doping” ở SEA Games 31. Cho dù có giành quyền tham dự, thành tích 400 m của Lan cũng đã bị đối thủ Malaysia vượt xa tại SEA Games vừa qua. Còn ở nội dung nhảy xa, VĐV Bùi Thị Thu Thảo sa sút chỉ giành HCB SEA Games 32 với thành tích mới nhất là 6,13 m.
Những niềm hy vọng huy chương tại ASIAD 19 của thể thao Việt Nam không thật sự nhiều. Mới đây, đội chạy tiếp sức 4×400 m nữ gồm: Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh của Việt Nam đã giành HCV tại Giải vô địch điền kinh châu Á 2023 với thành tích 3 phút 32 giây 36, hơn hẳn thành tích 3 phút 33 giây 05 tại SEA Games 32. Việc đội chạy Việt Nam vượt qua nhiều đối thủ mạnh Nhật Bản, Sri Lanka, Ấn Độ, Hồng Công (Trung Quốc), Uzbekistan, Maldives mở ra hy vọng HCV tại ASIAD 19. Ở môn bơi, niềm hy vọng số một là Nguyễn Huy Hoàng. Tại SEA Games 32 ở Campuchia, Huy Hoàng thi đấu kém thuyết phục, song theo lý giải của lãnh đạo ngành thể dục thể thao thì Nguyễn Huy Hoàng đang tập huấn để chuẩn bị cho ASIAD 19, cho nên thành tích ở SEA Games chưa ấn tượng. Ở một số nội dung khác như đua thuyền, karatedo, taekwondo, cờ vua Việt Nam cũng có hy vọng giành HCV, nhưng được dự báo là cực kỳ khó khăn.
Thực tế trên cho thấy, số VĐV đỉnh cao của Việt Nam có khả năng giành HCV ở đấu trường châu Á và xa hơn là Olympic chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đáng tiếc, các tài năng này chưa được đầu tư tập huấn như các VĐV hàng đầu châu lục và thế giới khác. Nguồn kinh phí thay vì tập trung cho số ít đã bị dàn trải cho cả vài trăm VĐV, cũng chính vì thế hy vọng lập lại thành tích ở kỳ đại hội 5 năm trước rất khó để thực hiện.