“Tôi có niềm tin vào tiềm năng vô hạn của con người – thứ được khai mở và phát triển rực rỡ thông qua quá trình không ngừng học tập trong suốt cuộc đời. Quá trình ấy không chỉ chịu tác động từ môi trường và các chính sách vĩ mô mà còn nằm trong quyền tự quyết của mỗi cá nhân”.
Tống Liên Anh và đại diện của chương trình Tủ sách Nhân ái – Ngôi nhà Trí tuệ nhận Giải thưởng tại trụ sở Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Washington D.C. |
Chị thường được nhắc đến với một biệt danh rất ấn tượng “Người được chọn”. Là người đồng hành giúp nhiều tổ chức, địa phương của Việt Nam đạt được những danh hiệu và giải thưởng quốc tế uy tín nhất trong lĩnh vực khuyến đọc và học tập suốt đời như: Giải Xoá mù chữ quốc tế của UNESCO, Giải Xoá mù chữ và Phổ biến tri thức của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ hay danh hiệu Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO…, chị có nghĩ mình thực sự rất “có duyên” với các giải thưởng quốc tế?
Tôi tin mọi chuyện diễn ra đều cần một chữ “duyên”. Duyên ấy không đến một cách ngẫu nhiên mà là sự kết hợp, cộng hưởng của rất nhiều yếu tố. Lần đầu biết thông tin về những giải thưởng của UNESCO, của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ…, tôi vô cùng ngạc nhiên khi không tìm thấy bất cứ cái tên nào của Việt Nam trong những danh sách ấy. Ý nghĩ xuất hiện ngay lập tức trong đầu tôi lúc đó là: “Nhất định Việt Nam mình phải ghi danh tại đây!”
Với tôi, một danh hiệu hay một giải thưởng quốc tế uy tín không chỉ là niềm vinh dự cho quốc gia, cũng không chỉ có ý nghĩa ghi nhận nỗ lực và sự công hiến của đơn vị được tôn vinh. Quan trọng hơn, nó mang đến nhiều cơ hội tiếp theo để các tổ chức, cá nhân mở rộng phạm vi hoạt động, tầm ảnh hưởng, thu hút những cơ hội hợp tác, nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ mạnh mẽ các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời cho mọi người.
Mong ước này đã dẫn đường cho tôi tìm thấy những tổ chức, cá nhân đang hết lòng phụng sự cộng đồng, và may mắn được họ tin cậy trao cho sứ mệnh của “Người được chọn”. Tôi luôn biết ơn vì được góp một phần nhỏ bé của mình vào nỗ lực chung của hàng ngàn con người tâm huyết, để cùng nhau làm nên những điều đẹp đẽ cho đất nước của chúng ta.
Tổng Liên Anh trong một buổi chia sẻ về tác phẩm “Học tập suốt đời” với môn sinh Nghĩa Dũng Đường. |
Chị còn để lại dấu ấn với vai trò là một người làm chính sách, một nhà hoạt động xã hội, một dịch giả, một diễn giả… Có vẻ như chị rất “đa nhiệm” ở nhiều lĩnh vực khác nhau?
Nghe qua có vẻ tôi đúng là một người “nhạc nào cũng nhảy” (cười). Nhưng thực ra, cho tới thời điểm này, tất cả những vai trò mà tôi đảm nhận, những lĩnh vực mà tôi góp sức… đều xoay quanh một trục duy nhất là: Học tập suốt đời.
Khi công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi tham gia tham mưu ban hành và triển khai các chính sách xây dựng xã hội học tập; khi là một nhà hoạt động xã hội, tôi chung tay đưa sách về miền núi, nông thôn và đồng hành xây dựng những không gian học tập suốt ở mọi miền tổ quốc; khi là diễn giả, tôi nói về văn hoá đọc, về tự học và phát triển bản thân; khi là dịch giả, tôi dịch sách… “Học tập suốt đời”!
Tôi thấy mình giống chàng chăn cừu Santiago trong tác phẩm “Nhà Giả kim” của Paulo Coelho, tất cả những việc cậu làm, những người cậu gặp đều để giúp cậu hiện thực hoá giấc mơ tìm ra “kho báu” của đời mình. Còn giấc mơ của tôi là thúc đẩy học tập suốt đời trong xã hội Việt Nam, để mỗi người tự tìm ra và khai thác tối đa “kho báu” bên trong chính họ. Với vai trò nào, gặp gỡ ai, tôi cũng đều hướng tới một mục tiêu duy nhất này.
Tống Liên Anh: Kho báu đẹp nhất nằm bên trong mỗi người |
Điều gì thôi thúc chị không ngừng nỗ lực thúc đẩy học tập suốt đời trong xã hội Việt Nam?
Tôi có niềm tin vào tiềm năng vô hạn của con người – thứ được khai mở và phát triển rực rỡ thông qua quá trình không ngừng học tập trong suốt cuộc đời. Quá trình ấy không chỉ chịu tác động từ môi trường và các chính sách vĩ mô mà còn nằm trong quyền tự quyết của mỗi cá nhân.
Nhiều lần, trong các buổi nói chuyện với học sinh, sinh viên, tôi nhận được câu hỏi về mục đích sau cùng của việc học có phải là để có được “một công việc tốt, một cuộc sống ổn định?”. Rất nhiều người trong chúng ta coi “Học để biết” và “Học để làm” là tất cả khi nói về giáo dục, mà quên mất rằng mình còn “Học để chung sống”, không chỉ với con người mà còn với thiên nhiên và muôn loài quanh ta.
Và cuối cùng, cũng là quan trọng nhất trong 4 trụ cột học tập suốt đời, đó là “Học để tìm ra chính mình”. Con người thường rơi vào bế tắc, lạc lối, khổ đau vì không tìm ra ý nghĩa sự hiện diện của mình trong đời sống. Việc không ngừng học tập giúp chúng ta phát triển hệ giá trị, niềm tin, khả năng tự nhận thức và tự thấu hiểu. Có một câu nói của Osho mà tôi thấy rất đúng: Con người khao khát khám phá những nơi thật xa xôi như vạn dặm dưới đáy biển sâu hay những hành tinh cách trái đất hàng ngàn năm ánh sáng, nhưng họ lại rất sợ quay vào bên trong để khám phá chính mình. Học tập suốt đời là con đường vừa dẫn chúng ta đi thật xa vừa cho phép chúng ta trở về thật sâu. Đó là con đường đắp bồi tri thức để làm chủ cuộc sống và ngoại cảnh, đồng thời nuôi dưỡng sự giàu có, phong phú của thế giới tinh thần bên trong mỗi cá nhân.
Chúng ta đang trong không khí của những ngày tôn vinh phụ nữ 8/3, chị có thể chia sẻ về hình mẫu phụ nữ mà chị ngưỡng mộ, có tác động lớn nhất đến hành trình phát triển bản thân của chị ? Nhân dịp này, chị có muốn nhắn gửi tới một nửa thế giới của chúng ta?
Tôi yêu thương và chịu tác động lớn nhất từ những người phụ nữ bình thường, gần gũi bên mình, đó chính là mẹ và chị gái. Mẹ tôi là một tấm guơng về nghị lực sống vô cùng mạnh mẽ, vượt qua bệnh tật kinh niên và những biến cố khắc nghiệt của cuộc đời để sống tốt hơn mỗi ngày. Mẹ cho tôi bài học về lòng can đảm để chiến thắng nghịch cảnh.
Người thứ hai là chị gái tôi, người giúp tôi hiểu ra những điều lớn lao đẹp đẽ nhất trong đời không đến từ một vài bước nhảy vọt phi thường, mà từ nỗ lực nhỏ bé và bền bỉ như nước chảy đá mòn qua mỗi ngày ta sống. Chị dạy tôi biết chấp nhận và yêu thương những mưa nắng, thậm chí cả giông bão trên hành trình đi tới đích mà mình mơ ước.
Người thứ ba chính là con gái. Một hôm, khi đang đọc cuốn “Truyện kể hằng đêm dành cho các cô bé – 100 Người phụ nữ truyền cảm hứng”, con nói với tôi: “Mẹ ơi, trong cuốn này có câu chuyện về những người phụ nữ tuyệt vời từ khắp mọi nơi trên thế giới nhưng chưa có Việt Nam. Biết đâu mẹ sẽ là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được xuất hiện trong sách”. Câu nói ấy tôi mang theo trên mỗi chặng đường mình đi, nhắc bản luôn không ngừng nỗ lực và dù làm gì cũng nhớ xứng đáng với tình yêu và niềm tự hào của con gái.
Tôi không có lời nào dành riêng cho chị em phụ nữ nhân một ngày đặc biệt như 8/3. Tôi mong với phụ nữ chúng ta, mỗi ngày đều là một ngày “bình thường theo một cách đặc biệt”: sống thật sâu, yêu thương thật trọn vẹn và dù ở độ tuổi nào vẫn giữ cho mình thanh xuân trong tâm hồn để luôn ngạc nhiên, háo hức khám phá và đón nhận những phép nhiệm màu của cuộc sống!