Các địa phương được lựa chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 là một trong những đổi mới đáng lưu ý trong quy chế tuyển sinh vào THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành, áp dụng từ mùa tuyển sinh năm 2025.
Năm 2025 là lần đầu tiên kỳ thi vào lớp 10 được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Bộ GDĐT kỳ vọng rằng việc áp dụng chương trình mới sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất, thay vì chỉ tập trung vào một số môn học chính.
Trước đây, nhiều địa phương chỉ tổ chức thi Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, gây ra tình trạng coi nhẹ các môn học khác. Với quy định thay đổi môn thi thứ 3 trong vòng 3 năm (không chọn cùng một môn thi quá 3 năm liên tiếp), theo Bộ GDĐT việc tuyển sinh vào bậc THPT sẽ đảm bảo 3 nguyên tắc: Không gây áp lực tốn kém cho cha mẹ học sinh; thúc đẩy giáo dục toàn diện và thống nhất trong toàn quốc. Đặc biệt sẽ khắc phục được tình trạng học sinh học lệch, học tủ.
Thống kê đến thời điểm hiện tại, đã có gần 20 địa phương chốt Ngoại ngữ là môn thi thứ 3 tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2025 - 2026. Hiện nay, chỉ có duy nhất tỉnh Vĩnh Phúc không lựa chọn Ngoại ngữ là môn thi thứ 3, thay vào đó dự kiến là Bài thi tổ hợp. Lý do khiến nhiều địa phương chọn Ngoại ngữ, cụ thể là Tiếng Anh - nhằm tạo động lực, thúc đẩy học sinh tăng cường học ngoại ngữ trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Việc công bố sớm cũng giúp các trường chủ động kế hoạch giảng dạy, ôn luyện từ học kỳ II, tạo tâm lý thoải mái và thuận lợi cho cả học sinh và phụ huynh.
Còn tại Hà Nội, hiện Sở GDĐT vẫn chưa công bố môn thi thứ 3 của kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2025- 2026. Các năm gần đây, Hà Nội giữ ổn định phương thức thi tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập với 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Trước sự quan tâm của học sinh, phụ huynh và giáo viên, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cho hay: Môn thứ 3 trong kỳ thi vào lớp 10 công lập năm 2025 sẽ được Sở công bố cuối tháng 3, như mọi năm. Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, phương thức tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội bảo đảm đúng quy định, phù hợp tình hình thực tế, không gây căng thẳng cho học sinh, đồng thời bảo đảm chất lượng dạy - học.
Căn cứ cấu trúc định dạng đề thi lớp 10 năm học 2025 - 2026 do Sở ban hành, các nhà trường xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu cần đạt của môn học và tổ chức cho học sinh tập dượt kỹ. Riêng với môn Ngữ văn, các nhà trường lưu ý tránh sử dụng văn bản, đoạn trích trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá nhằm khắc phục hiện tượng học sinh ghi nhớ máy móc. Sở cũng đề nghị các trường THCS cho học sinh làm quen với cấu trúc, định dạng đề các môn; tăng cường ôn tập bằng cách xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận kiểm tra ở mỗi môn học.
Theo các chuyên gia, việc tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 cho phù hợp với yêu cầu mới của Chương trình GDPT 2018 cũng khiến câu hỏi “học để thi hay thi để học?” trở nên nóng hơn khi có những đổi mới, điều chỉnh trong thi cử. Đích cuối cùng của việc dạy - học, không chỉ ở chỗ học sinh học được cái gì, mà quan trọng hơn cả các em có được những kỹ năng gì, làm được gì sau đó. Để làm được điều này, học sinh phải được trang bị phương pháp học và rèn khả năng tự học.
Từ đó đặt ra yêu cầu giáo viên và học sinh phải thay đổi cách dạy và học. Đơn cử như với môn Ngữ văn cần dạy và học tích hợp kỹ năng. Môn tiếng Anh phải vận dụng được vào thực tế. Còn với môn Toán, phải bám sát những yêu cầu cần đạt.
TS Trần Vân Anh - Phó Trưởng phòng Đào tạo Ban Mai School nhận định, định dạng và đề thi minh họa mới được Sở GDĐT Hà Nội công bố thể hiện rõ định hướng đánh giá năng lực học sinh. Thay vì kiểm tra kiến thức, học sinh được đánh giá theo năng lực đặc thù của môn học.
Chia sẻ những lưu ý với giáo viên, bà Vân Anh nhấn mạnh đầu tiên đến việc các tổ chuyên môn triển khai nghiên cứu và xây dựng ngân hàng câu hỏi của bộ môn theo cấu trúc, dạng thức đề thi. Giáo viên dạy lớp 9 chủ động ra các dạng bài tập, câu hỏi theo dạng thức đề thi được công bố và hướng dẫn để học sinh làm quen, làm chủ lộ trình học tập; đồng thời hướng dẫn học sinh phương pháp ôn luyện, làm bài thi hiệu quả. Còn với học sinh, các em cần thay đổi cách học tập. Thay vì học tủ, học lệch để ứng thí, các em cần phát huy năng lực tự học, kết hợp học lý thuyết với thực hành và vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn. Hãy xem xét kỹ dạng thức và cách làm bài đối với loại câu khác nhau; học tập chủ động, nỗ lực hết khả năng trong học tập và kiểm tra, đánh giá; học chắc các môn học, học đến đâu, làm bài ôn luyện tới đó. Mỗi học sinh nên xác định mục tiêu thật rõ ràng, phù hợp với năng lực cá nhân để có thể đạt được nguyện vọng.
Nguồn: https://daidoanket.vn/doi-moi-tuyen-sinh-lop-10-khich-le-su-chu-dong-cua-nguoi-hoc-10299521.html
Bình luận (0)