Với tuổi thọ trung bình là 25-30 năm, một tỷ lệ lớn tuabin gió trên thế giới sắp hết giá trị sử dụng. Việc xử lý tuabin gió đã ngừng hoạt động đặt ra bài toán lớn trong vấn đề giảm thiểu tác động môi trường.
Trang trại gió đầu tiên trên thế giới được xây dựng ở New Hampshire, Mỹ vào năm 1980. Tiếp theo là trang trại gió ngoài khơi đầu tiên ở Vindeby, Đan Mạch (năm 1991). Trang trại gió trên bờ đầu tiên thì ở Cornwall, Anh (năm 1991). Kể từ đó, các tuabin gió được lắp đặt trên khắp thế giới và được coi là một phần quan trọng trong giải pháp chuyển đổi xanh.
Tổ chức tham vấn và phân tích GlobalData ước tính, hiện có hơn 329.000 tuabin đang hoạt động trên toàn thế giới và gần 200.000 tuabin nữa đang được triển khai. Đến nay, đã có hơn 12.600 tuabin ngừng hoạt động và con số này sẽ tăng lên nhanh chóng.
Vật liệu chính trong tuabin gió là thép, được sử dụng cho tháp, vỏ bọc và móng, chiếm từ 66%-79% vật liệu cấu trúc. Sắt hoặc gang chiếm từ 5%-17% và được sử dụng cho các bộ phận bên trong vỏ bọc; trong khi đồng, chiếm 1%, được sử dụng để làm dây điện trong toàn bộ tuabin.
Theo nhà phân tích Harminder Singh của GlobalData, các cánh quạt tuabin được làm từ vật liệu tổng hợp, gia cố bằng sợi thủy tinh, chiếm từ 11%-16% tuabin. Để ngừng hoạt động một tuabin gió cần có giấy phép, phê duyệt của các cơ quan hữu quan và các bên liên quan.
Sau khi ngừng hoạt động, một số cơ sở hạ tầng của dự án, như đường dây trên không, đường dây ngầm và trạm biến áp, có thể được tái sử dụng. Còn các cánh quạt, vỏ bọc hoặc vỏ dành cho các bộ phận liên quan đến việc tạo ra điện và tháp đều được di dời hoàn toàn khỏi địa điểm… Nền móng tuabin được dỡ bỏ để đất có thể được sử dụng lại cho mục đích nông nghiệp. Phần lớn các thành phần của tuabin, như bê tông và kim loại, được đưa đến các nhà máy tái chế, nhiều thành phần như cánh quạt được xử lý tại các bãi chôn lấp.
Có tới 95% vật liệu trong tuabin gió có thể tái chế như: thép, nhôm và đồng. Tuy nhiên, sợi thủy tinh và nhựa epoxy phủ cánh quạt gần như không thể tách ra khỏi các vật liệu tạo nên lưỡi quạt. Trước đây, các lưỡi quạt tuabin vốn dài hơn 30m, thường được xử lý tại các bãi chôn lấp.
Ở Mỹ, các cánh tuabin gió đã ngừng hoạt động chủ yếu được gửi đến một vài bãi chôn lấp ở Iowa, Nam Dakota hoặc Wyoming. Tuy nhiên, lựa chọn này ngày càng trở nên kém khả thi khi một số quốc gia, đặc biệt là Đức và Hà Lan, đã cấm hoạt động này.
Theo Energy Monitor, 800.000 tấn cánh tuabin được thải ra bãi rác hàng năm, ngành công nghiệp gió đang đối mặt với vấn đề môi trường. Trong khi đó, Chỉ thị khung quản lý chất thải của EU, quy định bãi chôn lấp là “phương án quản lý chất thải ít được ưu tiên nhất”, kêu gọi phòng ngừa và chuẩn bị cho việc tái sử dụng, tái chế và phục hồi.
Giới phân tích cho rằng, vấn đề xử lý bền vững chất thải cánh tuabin gió tổng hợp sẽ mang đến cơ hội cho các nhà đổi mới. Các thanh và lưỡi quạt có thể được nghiền nhỏ để sử dụng làm nhiên liệu trong các nhà máy xi măng hoặc chất độn trong xây dựng. Các giải pháp tái sử dụng lưỡi quạt ở sân chơi hoặc nhà để xe đạp cũng được chứng minh là có hiệu quả ở cấp địa phương…
HẠNH CHI