Riêng tại Mỹ có khoảng 200 trung tâm, cơ sở dạy tiếng Việt trong khi số lớp học tiếng Việt tại Thái Lan là 39 lớp. Số trung tâm dạy tiếng Việt ở Campuchia và Lào lần lượt là 33 và 13 – theo thống kê của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào cuối năm 2022.
Trang Spartan Newsroom, do Trường Báo chí thuộc Trường ĐH bang Michigan (MSU – Mỹ) điều hành, nhận định chương trình tiếng Việt tại Trường Ngôn ngữ cộng đồng (CLS) của MSU gây được tiếng vang.
Tiếng Việt là một trong 8 khóa học ngôn ngữ được cung cấp thông qua CLS. Trong số những người theo học có Peter Truong, người Mỹ gốc Việt và hiện là sinh viên năm nhất của MSU.
Peter Truong lớn lên trong gia đình có cha mẹ đến từ Việt Nam, anh nói được tiếng Việt nhưng không biết đọc, viết. Do đó, anh từng đăng ký học các khóa tiếng Việt thông qua CLS vào mùa thu năm 2020 (từ tháng 9 đến 12) và mùa xuân năm 2021 (từ tháng 3 đến 5).
Các khóa học tiếng Việt đầu tiên ở Trường ĐH Brown thu hút nhiều sinh viên gốc Việt. Ảnh: THE BROWN DAILY HERALD
Cũng là sinh viên MSU, Elijah Savoie học tiếng Việt để… nói chuyện dễ hơn với cha mẹ của bạn gái, vốn là người gốc Việt. Cá nhân Savoie cảm thấy khó bắt kịp khi hầu hết các bạn cùng lớp là người Việt, từng nói tiếng Việt khi còn nhỏ. Tuy nhiên, anh chàng vẫn kiên trì theo học chương trình này, bao gồm các khóa học trực tuyến về học nói, nghe, viết và đọc.
Các lớp học tiếng Việt tại Trường ĐH Brown (bang Rhode Island) và Trường ĐH Princeton (bang New Jersey) cũng thu hút nhiều sinh viên người Mỹ gốc Việt, với các lớp học trình độ sơ cấp và trung cấp được dạy qua Zoom.
Theo The Daily Princetonian (tờ báo của Trường ĐH Princeton) và The Brown Daily Herald (tờ báo của Trường ĐH Brown), việc mở lớp tiếng Việt này dựa theo đề nghị của sinh viên từ năm 2019. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 khiến lớp học bị gián đoạn, mãi đến năm 2022 mới được tổ chức.
Phần lớn sinh viên theo học muốn hiểu hơn về văn hóa, ngôn ngữ gốc gác của mình. Do đó, ngoài dạy ngữ pháp, từ vựng cơ bản cho người mới bắt đầu và đọc, viết cho khóa trung cấp, sinh viên được hỗ trợ để giao tiếp tốt trong các tình huống thực tế. Nhiều diễn giả gốc Việt được mời đến lớp để sinh viên có cơ hội trò chuyện. Những giảng viên có kinh nghiệm dạy tiếng Việt và nhiệt tình được mời tham gia nhằm giúp người mới bắt đầu học.
Quay trở lại khu vực gần Việt Nam, tháng 9-2022, Trường ĐH Hoàng gia Phnom Penh ở Campuchia thành lập Khoa Việt Nam học. Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng quyết định này sẽ khuyến khích người dân Campuchia hướng quan tâm tới Việt Nam, mang lại lợi ích cho người dân Campuchia sống ở các tỉnh biên giới, thúc đẩy thương mại và tạo cơ hội việc làm.
Tại Thái Lan, theo TTXVN, ông Ngô Hướng Nam, Đại sứ – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), đã kiến nghị Trường ĐH Hoàng gia Rajabaht mở thêm khóa giảng dạy tiếng Việt bên cạnh các môn chuyên ngành nhằm thu hút con em người Việt.