Việc Trung Quốc cấm bán các sản phẩm của hãng chip Micron Technology (Mỹ) được coi là hành động “trả đũa” đáng kể đầu tiên trước các đợt trừng phạt mà Mỹ áp dụng với các hãng công nghệ của Trung Quốc.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 21/5, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) thông báo sẽ cấm các đơn vị “khai thác hạ tầng thông tin quan trọng” trong nước mua sản phẩm từ Micron do “rủi ro nghiêm trọng” tới “cơ sở hạ tầng quốc gia then chốt”.
Bối cảnh đặc biệt
Đáng chú ý, động thái này diễn ra vào lúc căng thẳng Mỹ – Trung trong lĩnh vực công nghệ ngày càng gia tăng. Lệnh cấm xuất khẩu tháng 10/2022 của Mỹ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giao dịch và năng lực sản xuất của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc như Yangtze Memory Technologies Corp (YMTC), Changxin Memory Technologies (CXMT), Semiconductor Manufacturing International Company (SMIC) hay HiSilicon.
Ít lâu sau, đồng minh, đối tác của Mỹ như Nhật Bản, Hà Lan, cùng với Đài Loan (Trung Quốc), những quốc gia và vùng lãnh thổ có vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, đã hạn chế việc xuất khẩu các sản phẩm công nghệ then chốt của mình sang thị trường Trung Quốc.
Đó là chưa kể tới các lệnh cấm trước đó của chính quyền Mỹ đối với các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, nổi bật là với Huawei và ZTE năm 2019.
Ngoài ra, Bắc Kinh “xuống tay” với Micron trong bối cảnh xảy ra hai sự kiện quan trọng. Đầu tiên, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa qua đã mong muốn giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa chuỗi cung ứng các công nghệ quan trọng, ẩn ý tới các nguy cơ đến từ Trung Quốc. Thứ hai, Micron vừa công bố quyết định đầu tư 3,6 tỷ USD vào nhà máy tại Nhật Bản.
Quan trọng hơn, động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Sản lượng chip do nước này sản xuất chiếm 16% ngành công nghiệp bán dẫn của thế giới. Về sản lượng Bộ nhớ ngẫu nhiên (DRAM) và Bộ nhớ lưu trữ (NAND), Trung Quốc chiếm lần lượt 21% và 15%.
Hiện Bắc Kinh đang đẩy mạnh tăng cường năng lực sản xuất chip bán dẫn nội địa. Nước này vừa phê chuẩn khoản đầu tư 1,9 tỷ USD vào YMTC, nhà sản xuất chip lớn nhất tại Trung Quốc, nhằm giúp tập đoàn này phục hồi sau lệnh cấm của Mỹ. Đồng thời, Powev Electronic Technology Co, doanh nghiệp có trụ sở tại Thâm Quyến, đang nhận được nhiều nguồn lực quan trọng để đẩy mạnh sản xuất chip nhớ và bộ nhớ thể rắn trên quy mô lớn.
Nhiều toan tính
Trước tình hình đó, đầu tiên, động thái của Trung Quốc cho thấy cơ quan quản lý nước này sẵn sàng có hành động cứng rắn với các doanh nghiệp gây tác động tiêu cực đến lợi ích của Bắc Kinh, dù đó là hãng chip nhớ hàng đầu thế giới.
Thứ hai, việc loại bỏ các doanh nghiệp nước ngoài trong thị trường nội địa sẽ tạo khoảng trống cho các doanh nghiệp trong nước vươn lên, trở thành những “gã khổng lồ” trong ngành chip nhớ. Mặc dù các nhà sản xuất chip nhớ lớn như SK Hynix và Samsung vẫn chiếm thị phần lớn, song đất nước tỷ dân này vẫn đủ chỗ đứng cho các nhà phát triển chip nhớ nội địa “vươn mình” ra thế giới.
Thứ ba, tác động từ việc cấm Micron với Trung Quốc không nhiều. Các đối thủ chính của hãng này ở thị trường Trung Quốc là SK Hynix và Samsung, hai công ty sản xuất DRAM và NAND hàng đầu thế giới. Do đó, Bắc Kinh không phải quá lo lắng về tác động của quyết định cứng rắn đối với Micron, nhất là trong bối cảnh cả SK Hynix và Samsung còn quá nhiều lợi ích ở thị trường tại cường quốc châu Á.
Thứ tư, với việc hầu hết khách hàng của Micron là các hãng công ty điện tử gia dụng như Lenovo, Xiaomi, Inspur… quyết định của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tác động tiêu cực tới lợi ích Washington trong chuỗi cung ứng, thay vì Bắc Kinh. Đồng thời, nó khiến vị thế của Micron trong mắt người tiêu dùng suy giảm, tác động tiêu cực tới danh tiếng và doanh thu của doanh nghiệp này.
Thứ năm, động thái trên sẽ khiến quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington trong lĩnh vực công nghệ càng trở nên căng thẳng hơn. Các cơ quan quản lý Trung Quốc khẳng định, lệnh cấm với Micron chỉ là “trường hợp ngoại lệ” và vẫn duy trì cam kết “mở cửa” thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy vị thế mới của Bắc Kinh, thách thức vị thế của Washington trong cạnh tranh về công nghệ giữa hai nước. Đồng thời, Bắc Kinh muốn gửi đi thông điệp rằng, Washington không chỉ là lực đẩy duy nhất trong định đoạt chiều hướng quan hệ song phương hiện nay.