Nhà báo Lê Quốc Minh – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh tại cuộc hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong quản trị toà soạn số”: “Digital đã trở nên quá quan trọng tới mức xóa nhòa biên giới giữa báo chí và công nghệ. Để phát triển, các cơ quan báo chí không có cách nào khác là phải tiếp tục đặt công nghệ ở trung tâm của mọi chiến lược, sử dụng công nghệ để tạo ra những nội dung hấp dẫn và chinh phục được những nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn và kiếm tiền được nhiều hơn”.
Không chỉ dừng lại ở phá băng, cần đi sâu hơn và áp dụng
Bản chất của báo chí số là sử dụng công nghệ số vận hành đồng thời sáng tạo nội dung, sản xuất các dòng sản phẩm số, kinh doanh, phát hành trên các nền tảng số, trong một hệ sinh thái số. Chuyển đổi số báo chí thực chất là chuyển đổi từ báo chí đơn loại hình sang nền báo chí lấy báo mạng điện tử làm trung tâm, ứng dụng công nghệ số trong toàn bộ hoạt động của toà soạn hội tụ. Nhà báo Lê Quốc Minh nhận định: Một kỷ nguyên mới của báo chí số, công nghệ số, hội tụ công nghệ và hội tụ nội dung đã hình thành và đang phát triển mạnh mẽ. Hội tụ nội dung và hội tụ công nghệ được xem như là một chìa khóa để mở ra con đường mới cho các nhà báo, các tòa soạn hiện đại. Để thực hiện được việc này, cần có một sự “tích hợp” và “hội tụ” cả về nội dung lẫn hình thức xuất bản của một tờ báo.
Ông Lê Quốc Minh nhớ lại vào những năm 2010, khi Internet phát triển mạnh mẽ với sự ra đời của rất nhiều cơ quan báo chí digital, các cơ quan báo chí truyền thống cảm thấy lúng túng nhưng sau đó những cơ quan này đã thích nghi rất nhanh. “Theo thống kê mới nhất trong số 25 cơ quan báo chí hàng đầu về digital thì chỉ có duy nhất một cơ quan trong số đó là thuần tuý digital mà thôi, 24 cơ quan báo chí còn lại đã biết chuyển hoá, biết thích ứng và vươn lên. Do đó, các quan báo chí truyền thống ở Việt Nam hãy mạnh dạn bắt tay vào chuyển đổi số, áp dụng AI trong các quy trình sản xuất báo chí, chúng ta không chỉ dừng lại phá băng nữa, cần đi sâu hơn và áp dụng” – ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Mới đây vào ngày 16/8/2023, Hãng tin tức AP (Mỹ) đã ban hành hướng dẫn về trí tuệ nhân tạo trong toà soạn – đây là một trong số ít các hãng tin tức bắt đầu đặt ra các quy tắc về cách tích hợp các công cụ công nghệ đang phát triển nhanh như ChatGPT vào công việc của mình. Tại Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí đã dùng đến công cụ AI như là trợ thủ đắc lực trong công việc. Điển hình là Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh – HTV. HTV đưa AI vào thử nghiệm nhiều khâu quan trọng trong nhà đài, đặc biệt là sản xuất chương trình thời sự.
Ths. nhà báo Ngô Trần Thịnh – Phụ trách Bộ phận Nội dung Tin tức số Đài Truyền hình TP.HCM cho biết, các phóng viên của HTV đã sử dụng AI tổng hợp đề tài, sáng tạo nội dung dựa trên những gợi ý do phóng viên đề xuất, dàn trang bố cục và từ đó triển khai thành bản tin hoàn hảo. Thử nghiệm ứng dụng AI trong sản xuất bản tin và các chương trình truyền hình, nhà báo Ngô Trần Thịnh nhận định, dù AI có thực sự thông minh, là công cụ để bắt đầu công việc một cách dễ dàng và là gợi ý tuyệt vời cho mỗi đề tài nhưng không thể tự làm việc và đem đến kết quả tốt nếu không có sự tham gia của con người.
Thời gian gần đây, Đài truyền hình HTV đã cho sản xuất đoạn tin ngắn với sự xuất hiện của MC được tạo bởi AI và giọng lồng tiếng của MC thật. Đây được cho là một bước tiến mới trong việc thử nghiệm áp dụng công nghệ hiện đại vào đài truyền hình vốn luôn được cho là truyền thống, khó thay đổi. Bản tin do MC AI dẫn dắt đã nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả và tạo sự thích thú cho người yêu công nghệ và lời khen của giới chuyên môn. Thông qua đó, người xem đang từng bước làm quen với một MC ảo và chấp nhận rằng, đây là một bước tiến trong công nghệ đối với lĩnh vực báo chí truyền thông hình ảnh MC AI.
Sử dụng Al như thế nào, ở mức độ nào là câu chuyện phải cân nhắc
Trí tuệ nhân tạo cùng với các công nghệ số mới như bockchain, xR…là công cụ không thể thiếu của ngành công nghiệp nội dung số, cũng là một thách thức lớn trong quản trị nội dung trong toà soạn, bởi nguy cơ gia tăng tin giả với tốc độ sản xuất cao của báo chí tự động cũng như các rắc rối pháp lý và đạo đức báo chí truyền thông.
Ông Lê Quốc Minh nhận định, việc sử dụng AI không phải cái gì ghê gớm, tuy nhiên sử dụng như thế nào, ở mức độ nào là câu chuyện phải cân nhắc. “Chúng tôi đang test công cụ và khoảng tháng 11 sẽ đưa vào sử dụng hệ thống tự động tạo sinh text, ảnh, video rất đơn giản. Công cụ này do người Việt tạo ra, không kém gì ChatGPT, đặc biệt có thể khống chế được đầu vào, tránh những nguồn tin không xác định được” – ông Minh cho biết.
Tuy nhiên, theo Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, một đoạn văn sử dụng máy đọc rất suôn, rất vào tai nhưng có khi lại là sai, có thể vi phạm bản quyền. Nhiều ứng dụng được tạo ra để lấy hàng trăm, hàng nghìn thậm chí hàng tỉ chi tiết trên Internet để tạo thành một bức ảnh, một đoạn video thì bản quyền thuộc về ai, sai sẽ kiện ai? Nếu là nhà báo, phóng viên thì có cơ sở để xử phạt nhưng là AI thì quy trách nhiệm về đâu? Bản quyền, đạo đức báo chí đang là câu chuyện rất nhiều tranh cãi cần giải quyết.
Về vấn đề lợi ích toà soạn, theo ông Lê Quốc Minh, hiện nay 50% traffic (lượt truy cập) của toà soạn lấy từ các công cụ tìm kiếm, nhưng khi công nghệ AI với nhiều đột phá mới, có thể trả lời câu hỏi bằng đoạn văn bản, người đọc thoả mãn với thông tin đó, sẽ không cần click vào trang báo nữa – chúng ta mất traffc – mất traffic là mất tiền – không còn nguồn thu từ hệ thống quảng cáo tự động – đây vấn đề nhãn tiền và các toà soạn phải chấp nhận.
Nhắc đến chuyển đổi số, bên cạnh việc thay đổi quy trình sản xuất nội dung của toà soạn, của từng cá nhân, ông Lê Quốc Minh cho biết, tạo doanh thu sẽ là vấn đề rất nóng bỏng trong thời gian tới. Báo chí lâu nay phụ thuộc vào quảng cáo, quảng cáo chiếm 80%-95% nguồn thu của báo chí. Song, kể từ 2016, lần đầu tiên nguồn thu từ độc giả đã vượt so với nguồn thu từ quảng cáo – đây mới là xu thế phát triển của các toà soạn. “Năm 2012, khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu về thu phí báo điện tử, cho thấy, nếu 10 triệu người xem free và bán quảng cáo, toà soạn sẽ thu được một khoản tiền nhất định nhưng khoản tiền đó không dễ mà tăng lên. Nhưng khi toà soạn có 10 nghìn người trả phí chúng ta cố gắng tăng lên 20 nghìn, 30 nghìn thì câu chuyện này sẽ rất khả thi trong bối cảnh quảng cáo đi xuống. Thu phí độc giả là trụ cột rất quan trọng trong kinh tế báo chí. Cơ quan như Hội Nhà báo Việt Nam sẽ hỗ trợ trong việc phổ biến kiến thức, bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng phải chủ động tìm ra con đường đi của mình” – ông Minh cho hay.
Nhiều chuyên gia nhận định, báo chí Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, những gì thế giới có, Việt Nam đều có. Đặc biệt là báo điện tử, đang có những tờ báo sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất nội dung đa dạng, không thua kém cơ quan báo chí nước ngoài. Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Minh, báo chí Việt Nam đang đứng ở bước ngoặt rất quan trọng, nếu không nắm bắt được quá trình chuyển đổi số sẽ bị tụt hậu nhanh chóng. Khi đó, báo chí sẽ mất độc giả, không thực hiện được sứ mệnh tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước – không có quảng cáo và không nhận được cơ chế đặt hàng của các cơ quan Nhà nước. “Nắm bắt được xu hướng công nghệ mới, áp dụng nhiều cách thức tạo nguồn thu, báo chí Việt Nam sẽ vượt qua bước ngoặt để bước sang một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên báo chí số” – ông Lê Quốc Minh khẳng định.
Phan Hòa Giang