NDO – Bộ Y tế vừa có Báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực y tế.
Tại báo cáo này, Bộ Y tế thông tin chi tiết việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai.
Sẵn sàng đáp ứng với các tình huống khẩn cấp
Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Lũ lụt, hạn hán nghiêm trọng, xâm nhập mặn, sạt lở đất và thiên tai khác đã và đang gây ra nhiều ảnh hưởng đến đời sống và tính mạng của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, đời sống và tài sản của nhân dân.
Khi có thiên tai, thảm họa xảy ra, ngành y tế đóng vai trò quan trọng trong công tác cấp cứu nạn nhân cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh. Những năm qua, toàn ngành y tế đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để ứng phó có hiệu quả trong các tình huống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, kịp thời cứu chữa những nạn nhân của thiên tai, không để dịch bệnh lớn xảy ra sau thiên tai, duy trì được các chỉ tiêu về y tế được Chính phủ giao hằng năm; góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong thiên tai và làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trước, trong và sau thiên tai.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. |
Từ những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 về huy động, bố trí lực lượng y tế; đồng thời để chủ động, sẵn sàng đáp ứng kịp thời với những diễn biến của các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi và các tình trạng y tế công cộng khẩn cấp, thiên tai, thảm họa; ngành y tế đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về xây dựng hoàn thiện thể chế, quy hoạch hệ thống, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, chế độ, chính sách cho cán bộ y tế và phát triển y tế cơ sở, từng bước củng cố hệ thống y tế dự phòng… Công tác tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai được duy trì, sẵn sàng đáp ứng với các tình huống.
Thực tế, khi có thiên tai xảy ra, điển hình như trong bão số 3, Bộ Y tế đã chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục về y tế, trong đó có phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, trước khi bão đổ bộ, Bộ Y tế đã triển khai các hoạt động ứng phó bao gồm: truyền thông nguy cơ, tuyên truyền các tài liệu hướng dẫn, đặc biệt người dân trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt về những biện pháp an toàn, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mưa lũ; các biện pháp xử lý môi trường, xử lý nước trong tình trạng khẩn cấp.
Tích cực cứu chữa người bệnh sau bão số 3. |
Bộ Y tế cũng ban hành các văn bản hướng dẫn ứng phó bão lụt cho từng lĩnh vực chuyên môn; họp trực tuyến với các Sở Y tế các tỉnh, một số bệnh viện, viện tuyến Trung ương khu vực bị ảnh hưởng của cơn bão để chỉ đạo, rà soát phương án đáp ứng y tế và phòng, chống dịch bệnh trước, trong và sau bão.
Chỉ đạo thành lập các đội cơ động cấp cứu, đáp ứng nhanh phòng, chống dịch; bảo đảm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, cấp cứu của nhân dân; xây dựng phương án phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường theo các tình huống cụ thể; chuẩn bị sẵn sàng thuốc, phương tiện, vật tư, nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi có tình huống xảy ra.
Sau bão, Bộ Y tế cũng kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh. Các cơ sở y tế dự phòng đã triển khai các hoạt động giám sát dịch bệnh, vệ sinh môi trường; các cơ sở y tế của Bộ Y tế, các địa phương đã kịp thời trực tiếp cấp cứu, điều trị và duy trì kết nối liên tục 24/24h với các đầu cầu tại các cơ sở y tế trong vùng bị ảnh hưởng, tư vấn khám chữa bệnh từ xa cho các nạn nhân bị tai nạn, thương tích. Phân loại, chẩn đoán và điều trị cũng như sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp nặng, vượt quá khả năng điều trị của tuyến dưới; triển khai đánh giá ảnh hưởng sau bão lũ, xem xét tình hình của các địa phương để có phương án cần thiết hỗ trợ phù hợp.
Sau bão, Bộ Y tế cũng kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh. |
Riêng trong cơn bão số 3, Bộ Y tế đã xuất cấp 19 tấn hoá chất khử khuẩn môi trường Chloramin B; vận động tài trợ 1 triệu viên khử khuẩn nước Aquatabs từ Tổ chức Y tế Thế giới; 8,5 tấn Chloramin B; 200.000 viên khử khuẩn nước Aquatabs từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF); đề xuất Chính phủ xuất cấp 1,76 triệu viên hoá chất khử khuẩn nước (Aquatabs) từ nguồn dự trữ quốc gia.
Đề nghị UNICEF hỗ trợ hệ thống trữ nước và bình lọc gốm không dùng điện, xà phòng, dung dịch sát khuẩn cho 200 hộ gia đình, trường học, trạm y tế của 10 xã thuộc tỉnh Lào Cai, Yên Bái. Phối hợp với các cơ quan hỗ trợ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái 120.000 viên khử khuẩn; 25.000 túi đựng nước sạch 5 lít cho các tỉnh; 1.000 hộp viên khử khuẩn nước cho các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái).
4 nhiệm vụ trọng tâm để ứng phó với các tình huống
Để chủ động phòng, chống và ứng phó với các tình huống thiên tai, ngay từ đầu năm Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch và văn bản chỉ đạo về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn hàng năm. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố chuẩn bị các nội dung:
Thứ nhất, kiện toàn bộ máy, huy động, bố trí lực lượng y tế: Rà soát, kiện toàn, bổ sung quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy và lực lượng thường trực tham gia phòng, chống thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn trong ngành y tế; thành lập các tổ cơ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng, chống dịch bệnh; thực hiện nghiêm chế độ trực ban, trực cấp cứu, trực phòng, chống thiên tai; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong các tình huống thiên tai; đặc biệt trong mùa mưa, bão.
Ảnh minh họa. |
Thứ hai, bảo đảm dự trữ vật chất (thuốc, hóa chất, thiết bị, vật tư y tế) cho vùng trọng điểm thiên tai và sẵn sàng khi có tình huống. Bộ Y tế đã ban hành danh mục cơ số thuốc, thiết bị y tế; các đơn vị, địa phương tổ chức mua sắm, tiếp nhận hàng hóa dự trữ, phòng, chống thiên tai. Tích cực, chủ động phối hợp, tham gia với các bộ, cơ quan liên quan trình Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về công tác mua thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế để các đơn vị áp dụng thực hiện.
Thứ ba, cập nhật phương án phòng, chống thiên tai, thảm họa và ứng phó với các tình huống khẩn cấp của đơn vị theo các cấp độ rủi ro thiên tai: Xây dựng các phương án bảo đảm cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị; phân tán, sơ tán cơ sở vật chất, cán bộ, nhân viên y tế và bệnh nhân đến nơi an toàn trong các trường hợp thiên tai, thảm họa lớn, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân và cơ sở y tế; đặc biệt đối với người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng ưu tiên khác.
Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, vận động các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa tại các đơn vị, địa phương.
Nâng cao chất lượng quản lý, mua sắm thuốc, thiết bị y tế
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Y tế cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: những vùng khó khăn chưa có bệnh viện Trung ương tuyến cuối làm ảnh hưởng tới khả năng ứng phó và công tác điều phối, huy động nhân lực y tế; thiên tai ngày càng trở nên phức tạp, khó lường; kinh phí phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, thảm họa của ngành y tế và các địa phương còn hạn chế, nhất là trong bảo đảm thuốc, hóa chất vật tư y tế…
Về giải pháp, theo Bộ Y tế, thời gian tới tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý để nâng cao chất lượng công tác quản lý, mua sắm thuốc, thiết bị y tế và triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Về giải pháp, theo Bộ Y tế, thời gian tới tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý để nâng cao chất lượng công tác quản lý, mua sắm thuốc, thiết bị y tế và triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. |
Thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm nâng cao năng lực hệ thống y tế trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.
Chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống và ứng phó trước, trong, sau thiên tai, thảm họa. Các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức mua sắm, dự trữ, quản lý bảo quản thuốc, hóa chất, thiết bị y tế theo phương châm “4 tại chỗ”. Bộ Y tế tiếp tục tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch tổ chức mua sắm, dự trữ, sẵn sàng cấp phát hỗ trợ các đơn vị, địa phương trong trường hợp vượt quá khả năng.
Theo chương trình, Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 sẽ được tiến hành trong hai ngày 11-12/11, tập trung vào các nhóm vấn đề thuộc 3 lĩnh vực: Ngân hàng, Y tế, Thông tin và truyền thông.
Với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế, Quốc hội tập trung chất vấn về: việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường. Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Y tế. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nguồn: https://nhandan.vn/khi-thien-tai-xay-ra-nganh-y-te-dong-vai-tro-quan-trong-trong-cap-cuu-phong-chong-dich-benh-post843767.html