Quà và hoa chỉ là ‘phương tiện’
Tôi là chủ một tiệm hoa lớn ở Sài Gòn. Mỗi dịp 8-3, tôi ngạc nhiên khi thấy chiều muộn, thậm chí hơn 22h, tối muộn vẫn có rất nhiều khách đến mua hoa tặng cho người phụ nữ của mình. Buổi tối 8-3 còn đông khách hơn ban ngày.
Lúc đó, trông các anh vừa đáng yêu vừa buồn cười: có anh vội vàng vào mua kiểu “hoa gì cũng được, lẹ lẹ về cho xong nhiệm vụ”; có anh say khật khưỡng, chân thấp chân cao vào tiệm, líu cả lưỡi, ôm bó hoa rời đi. Cũng có anh mang vội món quà vào và bảo “gói cùng hoa thành một combo, trễ rồi, nhanh nhanh, sao cũng được”.
Tôi trộm nghĩ, tặng hoa cho nàng kiểu này, khi nhận được hoa và quà, nàng cảm thấy thế nào nhỉ? Mua hoa vội vàng, về tặng ào vào lúc gần khuya, sẽ dễ gặp hoa không đúng sở thích của nàng.
Nàng nghĩ rằng 8-3 là ngày đặc biệt, chờ mãi chẳng thấy chồng về. Đến tối muộn, anh ấy mới xuất hiện với bộ dạng xỉn trông như “cọng bún”, trên tay xách lẵng hoa. Nàng vui được mới lạ.
Vào ngày 8-3, chồng chẳng nói chẳng rằng, không một dòng tin nhắn ngọt ngào, cũng chẳng có cái thơm lên trán trước khi đi làm. Suốt cả ngày, anh ta không tương tác gì với vợ thì đến cuối ngày, khó có bó hoa hay món quà nào cứu vãn được.
Nhiều anh không hiểu rằng phụ nữ cần “điều phía sau món quà” chứ không phải cần quà. Tức người phụ nữ cần được yêu chiều, quan tâm, thương mến, quyến luyến mà quà và hoa chỉ là hai trong số rất nhiều “phương tiện” để người đàn ông thể hiện điều đó.
“Thứ phía sau món quà” là gì?
Anh bạn tôi bao nhiêu năm không tặng hoa, cũng chẳng tặng quà cho vợ, kể cả trong dịp 8-3, nhưng cô vợ lúc nào cũng vui vẻ với chồng. Mỗi lần nhắc đến anh, chị đều nói với vẻ tự hào. Trong các buổi hội họp, bù khú, tôi bắt gặp chị ấy nhìn chồng bằng ánh mắt trìu mến.
Vì sao một người cả đời không tặng hoa, quà cho vợ nhưng vợ vẫn vui và hạnh phúc?
Hỏi ra mới biết anh này luôn quan tâm đến vợ đến từng chi tiết nhỏ. Buổi chiều, đi làm về, chị hơi lết chân vào thềm nhà vì đế giày bị bung. Sáng hôm sau, xỏ giày vào chân, chị xúc động khi thấy anh ấy đã âm thầm sửa giày từ lúc nào chẳng hay. Chị luôn muốn được ngủ trên một chiếc giường có drap màu trắng và sạch tinh tươm. Biết ý vợ, anh sắm 5 bộ drap thật đẹp, đều màu trắng.
Anh luôn giặt bộ drap riêng để giữ màu trắng như mới. Anh còn châm cả nến thơm cho chị thư giãn.
Mỗi khi vợ vào bếp, anh lẳng lặng kiểm tra dao, mài dao. Các con dao luôn đảm bảo sắc. Khi vợ “múa” trong bếp, anh đóng vai kép phụ. Vợ nấu đến đâu, anh rửa sạch tô chén, dụng cụ nhà bếp đến đó. Rửa xong, anh phụ lặt rau và bày biện món ăn.
Anh cho rằng khi vợ lau nhà mà mình nằm ườn trên sofa là “trông rất chướng”, nên anh “tìm cái gì đó để làm lúc vợ lau nhà”. Không cọ toilet thì phơi đồ, không phơi đồ thì dọn dẹp đồ đạc.
Những việc nhỏ vừa kể, hơn ai hết, người vợ biết anh làm vì yêu thương, cưng chiều. Người vợ biết mình may mắn thế nào khi được ở chung với người chồng nâng niu vợ đến như vậy. Thế nên, đến 8-3 hay các dịp lễ lạt khác, hoa và quà, có thì vui không có cũng không sao. Đơn giản, chị đã nhận được “đóa hoa lòng” mỗi ngày từ chồng.
Tôi cũng từng đọc lời chia sẻ của một chị bạn: “Ông nhà tôi, ngó vậy mà rất hay. Đồng hồ đeo tay của tôi vừa hết pin, ông ấy biết và thay ngay. Tôi đi giày size mấy, váy size mấy ổng cũng biết. Đến 8-3, ổng luôn chủ động mua quà trước đó dăm ngày. Mà mua rất tâm huyết, dành nhiều thời gian chọn lựa”.
Mỗi dịp 8-3 vẫn nổ ra tranh luận “Nên có hoa, quà hay là không cần?”, “Sống với nhau chân tình là được rồi, cần gì vẽ vời”, “Phụ nữ cần quà đến vậy sao?”… Câu trả lời đã có từ những câu chuyện kể trên.
Phụ nữ không đòi quà cho bằng được, thứ họ thật sự cần là tình cảm, sự yêu chiều, nâng niu phía sau món quà đó.