Những gia đình có 3 thế hệ (ông bà, cha mẹ, con cái) ngày càng có khoảng cách lớn. Trong một nhà, có khi ông bà nấu cơm ăn riêng, ba mẹ ăn cơm với các con ngoài quán.
Sống cùng con cháu nhưng hơn 2 năm nay bà N.V.T. (65 tuổi, ngụ ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cùng ông nhà phải ăn riêng.
Ở cùng nhưng rất ít khi nói chuyện được với con cháu
Bà T. có hai người con trai nhưng bà ở với cậu út vì theo nhận xét của bà “cậu út tính tình dễ chịu”. Từ ngày cậu út chuẩn bị cưới vợ, bà đã cho đập đi ngôi nhà đang ở, thiết kế xây lại nhà mới theo ý cậu út.
Vợ cậu út lần lượt sinh bé đầu, bé thứ hai. Trong khoảng thời gian này, ông bà T. bận rộn nấu ăn, chăm cháu suốt. Các cháu ngày một lớn, cuộc sống trong gia đình có nhiều thay đổi.
Vào một ngày đẹp trời, vợ chồng cậu út thưa chuyện với ông bà là giờ các cháu phải đi học thêm nhiều vào các buổi tối. Ông bà ngồi đợi cơm tối mãi cũng cực, nên vợ chồng cậu quyết định đưa các cháu ra ngoài quán ăn cơm, sau đó đưa các cháu đi học thêm cho tiện.
Dù bà T. dặn hôm nào các con được về sớm, các cháu không phải đi học thêm, mẹ sẽ nấu cơm cho các con cùng ăn nhưng vợ chồng cậu út vẫn khăng khăng điệp khúc “nhà con ăn ngoài quán cho tiện”. Vậy là từ đó ông bà T. đành phải ăn cơm riêng. Thi thoảng, cuối tuần cả nhà mới có một bữa ăn “sum họp” với đầy đủ các thành viên.
Sống cùng con cháu nhưng thời gian bà T. gặp mặt, nói chuyện với con cháu ngày càng ít đi. Sáng sáng gần 7h, con cháu của bà xuống nhà chào ông bà một tiếng rồi vội vàng đến cơ quan, đến trường. Hôm nào về trước 21h, con cháu chào ông bà một tiếng rồi lên phòng. Còn hôm gia đình con về trễ thì ông bà đã tắt đèn đi ngủ để mai dậy sớm đi tập thể dục. Ngày cuối tuần, các con đi công việc hoặc ở trong phòng xem phim, còn các cháu mỗi đứa một chiếc điện thoại.
Nhiều lúc bà T. nghĩ do cuộc sống ở thành phố bận rộn quá, hay do quan điểm của các thế hệ ngày càng khác, mà dù sống cùng với con cháu nhưng những lần gặp mặt, nói chuyện lại ngày càng hiếm hoi!
Tự soi lại, bà T. nhận ra suy nghĩ của mình khác các con nhiều. Như ông và bà chỉ thích ăn cơm nhà cho có nếp nhà, nhưng con trai và con dâu lại cho rằng ăn ở quán cho tiện, đỡ mất thời gian, thời gian để dành làm việc quan trọng hơn, hoặc nếu không có việc gì thì thời gian đó cũng để thư giãn.
Bà T. cho rằng trẻ em không cần đi học thêm nhiều như vậy, nói với các con là cần cho cháu nghỉ ngơi, biết làm những công việc nhà… Khi nghe vậy, con dâu bà nói: “Mẹ ơi, thời đại bây giờ khác lắm rồi. Giờ có máy hút bụi, máy lau nhà, máy rửa chén, máy giặt… chưa kể nếu cần có thể thuê người giúp việc. Thời đại này không đi học thêm thì tụt hậu mẹ ơi!”.
Phải làm ngơ với chính con cháu mình
Chồng mất sớm, bà N.N.M. (62 tuổi, ngụ ở Q.7) sống cùng vợ chồng cậu con trai duy nhất. Bà M. kể con trai và con dâu bà cùng đi du học, gặp nhau bên đó, sau đó về TP.HCM kết hôn.
Lúc đầu, con trai bà tính kết hôn xong sẽ thuê nhà ở riêng nhưng bà nhất định không chịu. Bà M. sống trong một căn biệt thự ở Q.7 rộng rãi, có nhiều phòng còn để trống. Sau bao năm xa con bà chỉ muốn được ở cùng con.
Đến khi cháu gái của bà ra đời, cuộc sống của cả gia đình như đảo lộn. Các quan điểm khác biệt về dạy cháu, dạy con làm gia đình trở nên căng thẳng. Các con bà muốn ngay từ nhỏ đã cho trẻ ngủ một phòng riêng, đặt camera để theo dõi. Dù bà M. cũng đã kìm lòng ráng “nương theo” nhưng tối đến bà sợ cháu nội có chuyện gì nên lâu lâu lại vào phòng cháu nội canh chừng.
Các con bà còn cho trẻ ăn, ngủ theo giờ, khi tập cho con ăn, con dâu bà lại cho ăn theo kiểu Nhật, ăn từng loại thức ăn riêng, trong khi bà cho rằng người Việt cứ ăn theo kiểu Việt, trộn thức ăn với đủ các nhóm chất.
Có lần, con trai bà đã nói thẳng với bà: “Quan điểm của mẹ và tụi con quá khác, mẹ lại muốn can thiệp vào cách dạy con của chúng con thì tụi con chỉ còn cách ra ở riêng”.
Từ đó, dù bà thấy nhiều điều không đúng nhưng vẫn tập “làm ngơ”. “Làm ngơ với những người xa lạ thì dễ, chứ phải làm ngơ với chính con cháu mình thật là khổ tâm”, bà M. rưng rưng chia sẻ.
Dù rất yêu bà ngoại, muốn chiều lòng bà ngoại, nhưng cô gái P.T.P. (19 tuổi, ngụ ở Q.Phú Nhuận) vẫn thừa nhận quan điểm của bà ngoại khác hẳn với cô. Với các bạn trẻ như cô, mặc quần soọc ngắn ra đường là chuyện bình thường, nhưng mỗi lần cô mặc vậy bà ngoại cô rất khó chịu vì sợ bị đánh giá.
Bà cũng khuyên cô “ráng học giỏi, sau này ra trường có một công việc ổn định, lập gia đình”, trong khi cô lại muốn được thỏa sức khám phá thế giới này, nên có một công việc ổn định hay lập gia đình chưa phải là điều quan trọng.
Nhiều lần P. chia sẻ điều này với mẹ, mẹ cô nói bà nhiều tuổi, hãy đặt vào vị trí của bà để hiểu bà hơn. Ngoài ra, mẹ của P. còn chỉ rõ nhiệm vụ của hai mẹ con là phải làm cho bà vui. P. thấy mẹ nói cũng có lý nhưng cô mong bà và mẹ cập nhật những “điều mới” của thế hệ trẻ để thấu hiểu thế hệ trẻ hơn!
Việc gần nhau nhưng chưa đủ chia sẻ với nhau không phải hiếm gặp trong nhiều gia đình nhiều thế hệ ở chung. Nên chăng từ mỗi thế hệ chỉ cần hiểu thế hệ kia khác biệt thế nào để dẫu là chưa thể dung hòa, nhưng vẫn có thể cảm thông để tôn trọng sự khác biệt của nhau. Cũng như, để cho chính mình được dễ chịu hơn…
Nguồn: https://tuoitre.vn/khi-song-chung-trong-gia-dinh-3-the-he-ma-van-co-don-20241110092437404.htm