Lưu huỳnh dioxide (SO2) xâm nhập hệ hô hấp gây ra các bệnh về phổi, phế quản, đồng thời làm tăng nặng bệnh phổi mạn tính.
Chất lượng không khí (AQI) đánh giá khả năng ảnh hưởng của không khí tới sức khỏe con người. Chỉ số này đo lường dựa trên nồng độ của 6 chất gây ô nhiễm không khí phổ biến nhất gồm bụi mịn PM2.5, PM10, carbon monoxide (CO), lưu huỳnh dioxide (SO2), nito dioxide (NO2) và tầng ôzôn.
Trong đó, SO2 chủ yếu sinh ra từ hoạt động sinh hoạt và sản xuất của con người như khai thác than, dầu mỏ, khí đốt, khai thác quặng, đốt rác… Ngoài ra, SO2 còn tới từ nguồn thiên nhiên như núi lửa phun trào, cháy rừng. Vào mùa hè, nhiệt độ tăng cao, nguy cơ cháy rừng kèm theo hoạt động của các đới gió có thể phát tán SO2 cùng nhiều khí độc hại khác.
Bác sĩ Lã Quý Hương, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết SO2 khi ở dạng khí, lơ lửng trong khí quyển, hấp thu và tác động trực tiếp lên hệ hô hấp của cơ thể. Phơi nhiễm lưu huỳnh dioxide ngắn hạn có thể kích ứng da, kích ứng niêm mạc mắt, mũi.
Nồng độ SO2 cao gây viêm và kích ứng hệ hô hấp. Các triệu chứng có thể bao gồm đau khi hít thở, ho, kích ứng họng và khó thở. SO2 cũng ảnh hưởng đến chức năng phổi, làm trầm trọng thêm các bệnh lý phổi sẵn có như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khí này cũng có thể phản ứng với chất khác có trong không khí biến đổi thành hóa chất dạng hạt đi vào phổi gây ra các tác động xấu đến cơ quan này.
Theo bác sĩ Hương, tiếp xúc với SO2 trong một số ngành công nghiệp có thể liên quan đến tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Các chất ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng xấu đến toàn cơ thể, bao gồm cả tim, gan… và cả thai nhi phát triển trong cơ thể người mẹ. Trung bình con người hít thở 17.000-30.000 lần mỗi ngày. Mặc dù các chất ô nhiễm trong không khí (bao gồm SO2) thường không nhìn thấy nhưng vẫn đang dần xâm nhập và tích lũy trong cơ thể theo từng nhịp thở.
Hạn chế tiếp xúc với nguồn phát tán khí SO2, chất gây ô nhiễm không khí là nguyên tắc đầu tiên đảm bảo môi trường sống trong lành. Khu vực nhà ở nên cách xa các địa điểm khai thác quặng, bãi xử lý rác thải. Khi đốt rác, cần phân loại trước khi xử lý, rác thải vô cơ khi đốt sẽ sinh ra nhiều chất độc hại, ví dụ như túi nilon cháy tạo ra dioxin (thành phần có trong chất độc màu da cam).
Theo bác sĩ Hương, nhiều gia đình hiện nay vẫn sử dụng than tổ ong, than hoa hay bếp gas trong sinh hoạt. Quá trình sinh nhiệt này sinh ra SO2 và nhiều chất gây ô nhiễm không khí khác. Các gia đình chú ý sử dụng trong môi trường thông thoáng, để hạn chế tiếp xúc với khí độc trong không gian kín.
Khi hoạt động thể lực, cơ thể cần nhiều oxy hơn, đa số thay đổi cách hít thở đường mũi qua đường miệng, không lọc được bụi ô nhiễm từ không khí vào cơ thể. Mức độ ô nhiễm không khí cao hơn vào những ngày nắng nóng gay gắt, không có gió hay mưa. Do đó, nên hạn chế các hoạt động ngoài trời hoặc chỉ thực hiện vào buổi sáng, khi mức độ ô nhiễm thường thấp hơn.
Đeo khẩu trang khi ra đường để giảm tiếp xúc với khói bụi. Gia đình có thể sử dụng máy lọc không khí, trồng cây xanh để tạo ra môi trường sống trong lành.
Khuê Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |