Ngày 4-9, số phát sóng cuối cùng mùa 5 chương trình Shark Tank Việt Nam gây sốt trên mạng xã hội nhờ một thương vụ ấn tượng: SeeSaw.
Startup mang đến bộ sản phẩm chăm sóc sức khỏe tâm lý giành cú bắt tay 2 tỉ đồng cho 30% cổ phần và nhận cùng lúc “vé vàng” từ hai nhà đầu tư. Điều làm cho thương vụ này trở nên đặc biệt là Đào Hải Nhật Tân – đồng sáng lập SeeSaw – chỉ mới học năm 3 tại Trường Đại học Fulbright Việt Nam lúc chương trình phát sóng.
NGÀNH KINH TẾ HỌC | ĐẠI HỌC FULBRIGHT VIỆT NAM
Xuất phát từ ý tưởng đơn giản nhưng độc đáo: một bộ thẻ viết các câu hỏi được thiết kế trên nền tảng tâm lý học để người chơi có dịp được tự nói chuyện với bản thân, nhóm sinh viên Trường Đại học Fulbright bao gồm Nhật Tân, Minh Phương, Đỗ Quyên, Yến Nhi và Thùy Dương đã phát triển thành một dự án phi lợi nhuận.
Dự án đạt giải nhất trong cuộc thi “Thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam”, “Mekong Business Challenge”, rồi tham gia tranh tài tại cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu ở Mỹ trước khi phát triển thành một công ty khởi nghiệp đầy tiềm năng.
SeeSaw chỉ là một trong nhiều dự án khởi nghiệp mang tới tác động xã hội được khởi nguồn từ các sinh viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam. Mới đây, trong buổi lễ tốt nghiệp của các sinh viên khóa 2 vào tháng 6-2024, không ít khách tham dự phải trầm trồ khi được nghe dự án “Giải pháp trồng cây thủy canh tự động Hearty Plant” của tân cử nhân Phạm Hoàng Lân. Mô hình trồng vườn đô thị kết hợp giữa công nghệ và nông nghiệp này đã góp phần giúp Hoàng Lân nhận được học bổng thạc sĩ tại Đại học California, Irvine (Mỹ).
Một mô hình khởi nghiệp vị nhân sinh khác cũng không kém phần độc đáo là HNVision, do 2 sinh viên ngành kỹ thuật tại Fulbright – Việt Hoàng và Hoàn Nhi khởi xướng. HNVision là một phần mềm hỗ trợ người khiếm thị sử dụng các thiết bị gia dụng. Chỉ cần dùng camera quét thông tin trên bảng điều khiển của một thiết bị, ứng dụng có thể đọc to thông tin, giúp người khiếm thị có thể dễ dàng thao tác. Việt Hoàng cũng là một người khiếm thị, các dự án vừa để giúp cho cộng đồng, vừa giúp cho bản thân mình.
Tân cử nhân Trần Thảo Nguyên được biết đến là một lãnh đạo trẻ tiềm năng trong lĩnh vực STEM, Robotics khi quản lý dự án giải đấu FIRST®Tech Challenge – cuộc thi về robot dành cho học sinh từ lớp 7 – 12. Chuyên ngành chính của Thảo Nguyên lại là… Nghiên cứu xã hội. Tuy nhiên tại Fulbright, sinh viên được tạo điều kiện học tập theo hướng cá nhân hóa, nên Nguyên chọn học thêm ngành phụ là Khoa học tích hợp.
Với Nguyên, nền tảng học thuật liên ngành tại Fulbright, kết hợp với nền tảng công nghệ đã góp phần tạo dựng cho bạn những nền tảng để nghiên cứu và giải quyết các thách thức. Bởi lẽ, giải pháp tối ưu cho những thách thức hóc búa thường nằm tại các điểm giao nhau giữa nhiều ngành từ kỹ thuật, xã hội đến kinh tế.
Trong khi đó, cô gái giành “vé vàng” Shark Tank Nhật Tân cho biết những bài tập nhóm tại lớp đã các sinh viên nâng cao nhiều kỹ năng thiết yếu cho công việc khởi nghiệp. Ví dụ, việc có phần trình bày gọi vốn thuyết phục và truyền cảm hứng trên Shark Tank một phần cũng nhờ được luyện tập thông qua vô số lần thuyết trình trong các lớp học Fulbright.
Riêng Phạm Hoàng Lân đánh giá cao những môn học về nội dung khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Fulbright. Điển hình là môn học Tư duy thiết kế và hệ thống, không chỉ đơn thuần trang bị cho sinh viên kỹ năng tìm kiếm những câu trả lời sẵn có mà còn tạo điều kiện để các bạn tự khám phá mục tiêu hoặc vấn đề mong muốn giải quyết trong cộng đồng.
Tiến sĩ Phan Hoàng Lan – giám đốc Trung tâm khởi nghiệp đổi mới và Sáng tạo (CEI) – cho biết ở Fulbright, khái niệm về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đã dần được mở rộng: nhiều chương trình, hoạt động đi sâu vào trang bị tư duy đổi mới sáng tạo cho sinh viên để áp dụng vào giải quyết những bài toán thực tế.
Điển hình, hồi tháng 3-2023, 11 sinh viên trong chương trình “Đổi mới sáng tạo mở với doanh nghiệp” được chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm phụ trách thử thách làm sao để “Nâng cao trải nghiệm khách hàng khi mua sắm và sử dụng áo sơ mi nam của May10” và “Phát triển hoạt động marketing nhằm nâng cao mức độ nhận thức và quan tâm của thế hệ Gen Z về các dòng sản phẩm thời trang mang tính bền vững của Uniqlo tại TP.HCM”. Các bạn cùng nhau làm việc và đề xuất những ý tưởng mới mẻ, trẻ trung nhưng không kém phần sâu sắc.
Hay trong dự án “Thách thức giải quyết vấn đề về nước tại Đồng bằng sông Cửu Long” (MWC) 2023, nhiều dự án mang tính ứng dụng cao của sinh viên Fulbright đã được phát kiến nhằm giải quyết các vấn đề về nước ở miền Tây như dự án nông nghiệp sinh thái “Mekoxa: Cung cấp kênh mua – bán online trực tiếp nông sản thuận thiên giữa nông dân và người tiêu dùng”, “V-Biotechnology: Xử lý ao thuỷ sản bằng vi tảo và thu hồi sinh khối tảo làm thức ăn cho chăn nuôi”…
Theo tiến sĩ Phan Hoàng Lan, qua tất cả những hoạt động liên quan đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, không nhất thiết sinh viên phải thành lập công ty, phát triển doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là sẽ xây dựng được một tinh thần khởi nghiệp và tư duy đổi mới sáng tạo. Hành trang về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ giúp sinh viên phát triển khả năng suy nghĩ độc lập và giải quyết các vấn đề phức tạp một cách linh hoạt và mới mẻ.
“Ở Fulbright, sự đổi mới sáng tạo sẽ hướng tới con người, lấy con người làm trung tâm và vì sự phát triển của con người. Đó là triết lý xuyên suốt trong những chương trình đào tạo và các hoạt động về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Fulbright”, bà Lan nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/khi-sinh-vien-giao-duc-khai-phong-khoi-nghiep-20240627214332285.htm