Theo bước chân bọn trẻ, tôi đi dọc con đường đất đỏ dài xa tít tắp còn mù sương, lá vàng óng ánh theo gió buông cành. Tiếng cười trong veo của bọn nhóc làm tan bầu không khí tĩnh lặng trong cánh rừng cao su bạt ngàn đang mùa thay lá. Lá vàng rơi trải thảm dưới chân, tôi cứ như thể lạc vào cõi cây lá mộng mơ chỉ có trong câu chuyện kể ở xứ nào xa lắm.
Tỉnh Bình Phước vốn nổi tiếng với những cánh rừng cao su bạt ngàn. Nền đất đỏ bazan cùng với khí hậu phù hợp đã góp phần làm nên danh hiệu “thủ phủ” cây cao su cho Bình Phước. Cách TP. Hồ Chí Minh hơn 100km, rừng cao su ở thị xã Bình Long đã mang đến cho tôi một trải nghiệm mới mẻ về sự thay đổi màu sắc của thiên nhiên.
Có lịch sử từ đầu thế kỷ 20, ngoài việc trồng, khai thác, cung cấp nguyên liệu và dịch vụ liên quan đến ngành công nghiệp cao su, cánh rừng với hơn 10.000ha này còn đóng vai trò quan trọng trong việc làm sạch không khí, lọc bụi bặm từ các thành phố lớn xung quanh.
Hàng năm, lá cây cao su sẽ chuyển màu vàng rồi thay áo từ độ tháng 12, tới hết tháng 3 là màu xanh lại phủ kín rừng. Thời điểm này không khí ở Bình Phước se lạnh, sương sớm giăng phủ. Những cây cao su được trồng thành hàng lối đều tăm tắp.
Đặc biệt trong khu rừng có những đường mòn để phục vụ việc khai thác, vận chuyển cao su nên việc di chuyển ở đây rất dễ dàng. Trên những lối đi này, có thể bắt gặp những công nhân đang khẩn trương tới nơi làm việc, các em nhỏ tít tít đến trường hay người dân chở hàng ra chợ sớm mưu sinh.
Vào mùa lá cao su chuyển màu vàng, đỏ, không gian rộn rã hơn bởi bước chân của du khách và các nhiếp anh gia.
Để có những góc ảnh đẹp, du khách thường chọn thời điểm bình minh có sương sớm hay chiều hoàng hôn xuyên nắng. Những khúc đường quanh co lên hình sẽ đẹp hơn cả, tựa như bức tranh sơn dầu với những mảng màu cuốn hút.
Có những nhóm bạn trẻ chọn cắm trại trong rừng cao su để thư giãn giữa khung cảnh lãng mạn ấy bên người thân thiết.
Một điều thú vị nữa là khi đến rừng cao su, du khách có thể nếm thử mật ong được nuôi trong điều kiện tự nhiên ở khu rừng này. Vào mùa thu hoạch mật, mỗi cụm trại ong thường có hàng chục công nhân mang theo dụng cụ để tránh ong đốt, máy tạo khói và hàng trăm can nhựa dùng để đựng mật ong đưa về nhà máy.
Cánh rừng cao su bạt ngàn chính là điểm đến lý tưởng của những đàn ong. Những chú ong hút dịch lá của cây cao su cho ra loại mật có màu hổ phách nhạt, vị ngọt thanh và mùi thơm nhẹ. Du khách hãy tận hưởng cảnh sắc lãng mạn, không gian thiên nhiên trong lành và thưởng thức sản vật địa phương cũng như đừng quên mua về thứ quà độc đáo này nhé.
Source link