Cuối năm 2022, hai chiếc máy bay huấn luyện mang tên “Thăng Long” và “Rạch Giá” cập bến sân bay Rạch Giá (Kiên Giang), ghi một dấu ấn đáng nhớ trong ngành đào tạo phi công của Việt Nam: kể từ nay, Việt Nam có thể huấn luyện các học viên bay dân dụng ngay tại không phận nước nhà.
Góp công vào thành quả đầy tự hào ấy là cơ trưởng Nguyễn Nam Liên, người từng có 13 năm giữ chức vụ Tổng giám đốc kiêm Hiệu trưởng trường đào tạo phi công Bay Việt (tên đăng ký kinh doanh là Công ty cổ phần Đào tạo Bay Việt, một công ty con của Vietnam Airlines).
Trong hơn 40 năm làm việc trong lĩnh vực hàng không, cơ trưởng Nguyễn Nam Liên cũng từng đảm nhiệm vai trò giáo viên bay của Trung đoàn Không quân 910, Trưởng phòng Huấn luyện của Đoàn bay 919 Hãng hàng không quốc gia Việt Nam.
Ông vừa khép lại công việc quản lý trường Bay Việt kể từ ngày 1-10-2022, nhưng dưới góc độ cá nhân, ông đã chia sẻ trải nghiệm của mình trên con đường từ người lính trở thành nhà lãnh đạo cùng những cột mốc phát triển của ngôi trường này.
Từ lính không quân đến tổng giám đốc công ty, hiệu trưởng trường bay
Năm 1978, thanh niên 17 tuổi Nguyễn Nam Liên mang trong mình khao khát được bay và được có cơ hội chiến đấu bảo vệ bầu trời của Tổ quốc. Vượt qua quy trình tuyển chọn gắt gao, chàng trai trẻ được gia nhập đội ngũ Không quân Việt Nam. Nhưng khi đất nước từng bước phát triển về kinh tế trong thời bình, đặc biệt là sự phát triển của ngành hàng không dân dụng, phi công Không quân Nguyễn Nam Liên nhận nhiệm vụ chuyển sang bay dân dụng từ đầu thập niên 1990.
Đến tháng 6-2008, trường Bay Việt (Viet Flight Training) được thành lập theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Không lâu sau đó, vào tháng 9-2009, cơ trưởng Nguyễn Nam Liên được phân công đảm nhiệm chức Tổng giám đốc Công ty Bay Việt kiêm Hiệu trưởng trường Bay Việt.
Bay Việt là trường đào tạo phi công dân dụng đầu tiên của Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu về công tác ở trường, ông Liên và đội ngũ của mình phải đối diện với những nhiệm vụ chưa từng có trước đây ở trong nước, đó là phải đặt nền móng cho một trường bay – nơi đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật hàng không cho đất nước.
Ông cùng cộng sự vạch ra lộ trình đưa trường Bay Việt từng bước đạt các tiêu chuẩn tổ chức huấn luyện (ATO) mức III, II, I với mức ATO I là được phép huấn luyện thực hành bay cơ bản cho phi công ngay tại Việt Nam.
Vào thời điểm đó, đội bay của Vietnam Airlines còn rất khiêm tốn. Lộ trình mà ông Liên đưa ra là cả một chặng đường dài đầy thách thức. Bởi như ông nói: “Chúng tôi không có đường mòn dẫn dắt mà phải là người mở đường và để lại những dấu chân”.
Đến nay, khi nhìn lại, ông Liên không khỏi tự hào về đội ngũ chỉ 23 người nhưng đã thực hiện một khối lượng công việc rất lớn và đưa trường Bay Việt lên một vị thế mới.
Những cột mốc đáng nhớ của Bay Việt
Sau ba năm chuẩn bị, năm 2012, trường Bay Việt được Cục Hàng không dân dụng phê chuẩn là tổ chức huấn luyện mức III (ATO III – đào tạo lý thuyết phi công vận tải hàng không), rồi từ đó vươn lên mức II (ATO II – huấn luyện phối hợp tổ lái nhiều thành viên trên các buồng tập lái mô phỏng (simulator)) vào năm 2013.
Tuy nhiên, từ ATO II lên ATO I (từ đào tạo mô phỏng trên mặt đất đến huấn luyện thực hành bay thực tế) là một chặng đường dài nhiều thử thách. Trong quá trình này, ông Liên đã hợp tác cùng Học viện Hàng không Việt Nam và cổ đông đối tác là trường bay ESMA (Cộng hòa Pháp) đưa học viên đến sân bay Cam Ranh, tận dụng cơ sở vật chất huấn luyện tại đây để chứng minh học viên của Bay Việt hoàn toàn có thể tung cánh huấn luyện trên bầu trời.
Năm 2012, lần đầu tiên trong lịch sử hàng không Việt Nam, các học viên phi công khóa 2 của trường Bay Việt đã cất cánh bay huấn luyện và thực hiện những chuyến bay đơn (solo) đầu đời của mình.
Bên cạnh việc chuẩn bị nhân lực, giáo trình đào tạo, viết đề án, chứng minh tính khả thi…, ông Liên và cộng sự cũng đi khảo sát thực tế rất nhiều sân bay địa phương để tìm ra một mạng lưới sân bay đáp ứng các yêu cầu về huấn luyện bay, như về địa hình, khí tượng, điều kiện không lưu…
Cuối cùng, ông chọn sân bay Rạch Giá để xây dựng cơ sở huấn luyện. Và với hai máy bay TECNAM P.2008 JC đã hoàn thành bay thử, trường Bay Việt đã sẵn sàng cho việc huấn luyện bay.
Cuối năm 2022, Bay Việt đã nộp hồ sơ xin phép Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn tổ chức huấn luyện mức I (ATO I). Và ngày 4-1-2023, trường Phi công Bay Việt đã chính thức được công nhận là tổ chức huấn luyện mức I.
Tính đến nay, trường Bay Việt đã huấn luyện trên 1.100 học viên với 10 quốc tịch khác nhau, trong đó, khoảng 400 phi công đã tốt nghiệp và làm việc tại các hãng bay. Riêng tại Vietnam Airlines, gần một phần ba số phi công đang bay hiện nay tốt nghiệp từ trường này. Số phi công mà Bay Việt cung cấp cho các hãng hàng không trong nước khác cũng liên tục tăng.
Sức mạnh lãnh đạo có từ sức mạnh tập thể
Trả lời câu hỏi làm thế nào mà một phi công có thể lãnh đạo một công ty và điều hành một ngôi trường, ông Liên chia sẻ ba chân kiềng cần thiết không chỉ cho người lãnh đạo là phi công mà còn cho tất cả các nhà lãnh đạo, đó là: kiến thức (knowledge), kỹ năng (skills), và phẩm chất (attitude) – KSA.
Trong số những kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quan trọng nhất là “hoàn thành mọi việc với sức mạnh tập thể”. Để làm được điều đó, ông Liên vận dụng kiến thức và kinh nghiệm về quản lý nhân lực tổ bay (crew resource management – CRM) đưa vào quản lý nhân lực của tổ chức (company/corporate resource management).
Ông cho biết trong 9 lĩnh vực mà các phi công được đào tạo, có 4 lĩnh vực chuyên biệt về kỹ thuật hàng không, nhưng có đến 5 lĩnh vực không thuộc kỹ thuật bao gồm: Communications – tương tác, trao đổi thông tin giữa thành viên tổ bay; Leadership & Teamwork – lãnh đạo và làm việc nhóm; Problem solving & Decision making – giải quyết vấn đề và ra quyết định; Situational awareness – đánh giá tình thế; Workload management – điều hành khối lượng công việc.
5 lĩnh vực phi kỹ thuật này mang đến những kỹ năng cần thiết và hiệu quả không chỉ trong hoạt động hàng không mà cả trong cuộc sống.
Ông cho biết việc trao đổi, ghi nhận thông tin hiệu quả giữa các thành viên trong một tổ bay là yếu tố cực kỳ quan trọng tạo sự đồng tâm tương tác, tạo nên sức mạnh tổng hợp (synergy). Trong một đội ngũ tương tác nhịp nhàng và hiệu quả thì “1+1” không chỉ bằng “2” mà hiệu quả đạt được cao gấp nhiều lần.
Nhìn lại lịch sử hàng không thế giới, có đến 72% tai nạn xảy ra do yếu tố con người mà không vì hỏng hóc kỹ thuật hay yếu tố khách quan. Một phi hành đoàn đầy đủ kỹ năng, kiến thức nhưng thiếu sự trao đổi thông tin hiệu quả, sự tương tác nhịp nhàng thì xác suất có sai sót xảy ra rất cao.
Với hoạt động của một tổ chức, có thể không có những tình huống sinh tử đối với tính mạng như có khi phi hành đoàn đang trên không trung gặp phải, nhưng việc thiếu đồng tâm tương tác khiến tổ chức như một cỗ máy rời rạc, khó hoạt động trơn tru. Về lâu dài, hiệu quả đi xuống, lợi nhuận kém, hoạt động đình trệ…
Ông Liên cũng rất lưu ý một nguyên tắc của một tổ bay, đó là “không tập trung vào cá nhân”. Theo đó, đội ngũ của ông tập trung vào “cái gì” (what) và “làm thế nào” (how) thay vì là “ai” (who).
Bằng cách này, trong tổ bay hay rộng hơn là một tổ chức, vấn đề cốt lõi được tập trung giải quyết, đồng thời, không ai cảm thấy bị đè nén, tạo nên bầu không khí hợp tác hiệu quả và chuyên nghiệp.
Về phần mình, ở vị trí tổng giám đốc công ty và hiệu trưởng trường đào tạo, để có thể đưa ra quyết định cuối cùng trong tất cả mọi việc, ông Liên chia sẻ rằng trước đó ông luôn cởi mở lắng nghe một cách chính xác và không suy đoán, tương tự như việc trao đổi thông tin khi điều khiển bay.
Ông cố gắng để mọi quyết định đều có sự đóng góp ý kiến của mọi người, ở tất cả các khâu, các bộ phận. Trong mắt ông, mỗi một thành viên đều là thành phần quan trọng trong việc tìm giải pháp cho vấn đề. Do vậy, ông luôn khuyến khích mọi người cùng động não, xác định vấn đề cụ thể, cố gắng nghĩ ra giải pháp và cùng thảo luận.
Ông nói: “Một ý kiến có thể không dùng được nhưng một phần của nó lại có thể kết hợp với một giải pháp khác tạo thành câu trả lời tối ưu. Một ý kiến có thể hay, hai, ba ý kiến kết hợp còn có thể hay hơn gấp nhiều lần”.
Ông Liên cũng bày tỏ quan điểm về việc ông hành động hay quyết định theo thẩm quyền được phân công không đồng nghĩa với việc ông áp đặt, tạo áp lực và gây sợ hãi trong tổ chức, rằng “người lãnh đạo tạo ra sự sợ hãi dễ dàng hơn rất nhiều so với việc truyền cảm hứng khiến nhân sự trong tổ chức cảm thấy được lắng nghe và tôn trọng”, rằng sự tôn trọng giúp kiến tạo môi trường làm việc đầy cảm hứng và sáng tạo.
Theo ông Liên, “đây là điều không thể ngụy tạo, không chỉ dựa vào lý thuyết, nó đòi hỏi người lãnh đạo có trải nghiệm và lòng tin vững chắc vào các giá trị nơi mỗi con người”.
Ông Liên chia sẻ một cách đầy tự hào về đội ngũ nhân sự của Bay Việt: “Những gì trường Bay Việt đã và đang đạt được là minh chứng cho hiệu quả của sự đồng tâm tương tác. Công nghệ hiện đại đến đâu, thì con người vẫn là yếu tố cốt lõi của mọi vấn đề”.
Thành công còn nhờ đam mê và kiên trì
Với ông Nguyễn Nam Liên, hàng không là niềm đam mê cháy bỏng và là ý nghĩa cuộc đời ông. Dù ở cương vị cơ trưởng, người huấn luyện hay hiệu trưởng trường đào tạo phi công, ông làm việc với tất cả đam mê và sự kiên trì. “Phải thấy công việc phải là niềm vui thì làm việc mới thành công”, ông chia sẻ.
Vì lẽ đó, ông ủng hộ thế hệ trẻ tìm ra đam mê của mình, vạch rõ con đường cần đi và khuyến khích họ kiên nhẫn bước trên con đường đó, đừng sợ vấp ngã hay thất bại. “Điều quan trọng là đứng dậy sau mỗi thất bại và rút ra kinh nghiệm để không lặp lại sai lầm”.
Hiện tại, nhờ đã kết thúc nhiệm vụ hiệu trưởng trường Bay Việt nên ông Liên có nhiều thời gian hơn với vị trí cơ trưởng và giáo viên huấn luyện bay máy bay Boeing 787 của Vietnam Airlines. Đối với cơ trưởng Nguyễn Nam Liên, mỗi chuyến bay đều là khoảng thời gian ông tận hưởng cuộc sống, thỏa mãn đam mê.
Mới đây, ông vinh dự là phi công Việt Nam đầu tiên bay thử máy bay phản lực thế hệ mới L.39 NG huấn luyện chiến đấu, mà sắp tới đây, lực lượng phòng không của Không quân Việt Nam sẽ bổ sung vào đội hình máy bay của mình. Đó có lẽ là phần thưởng dành cho tình yêu bầu trời và niềm đam mê của ông.