Về thôn Nội Tý, xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa), khung cảnh làng quê nơi đây đổi thay rõ rệt khi khoác lên mình “tấm áo” mới với những ngôi nhà cao tầng, mái bằng, mái ngói đỏ tươi; những đường tranh bích họa hòa quện cùng sắc màu của các loài hoa càng điểm tô thêm cho những vùng quê đáng sống.
Đường tranh bích họa ở xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa).
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với định hướng xây dựng thôn thành “miền quê đáng sống”, bởi vậy, cùng với việc tích cực vận động Nhân dân trong thôn chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nâng cao thu nhập, ban công tác mặt trận thôn còn quan tâm xây dựng hệ thống thiết chế nhà văn hóa thôn, khu vui chơi, tập luyện thể thao, nâng cấp các tuyến đường bê tông trong thôn… Ngoài ra, việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có từ lâu đời ở đây được đặt lên hàng đầu. Trong đó, nổi bật nhất là việc người dân đã cùng nhau cải tạo, gìn giữ giếng làng như một “báu vật”. Từ nguồn huy động xã hội hóa trong Nhân dân với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng, người dân đã xây dựng lại giếng làng từ năm 2019; kiên cố bờ bao quanh thành giếng bằng gạch. Việc khôi phục giếng làng chính là gìn giữ nguồn sống, sinh khí tốt lành, qua đó nhắc nhở các thế hệ con cháu luôn nhớ về cội nguồn, đồng thời góp phần phác họa nên bức tranh làng quê Việt Nam “cây đa, giếng nước, sân đình”.
Nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân là thước đo giá trị đang được kiến tạo khắp các vùng quê trên địa bàn xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa). Nơi đó, nếp sống văn minh hiện hữu, xóm làng rộn ràng niềm vui, các giá trị văn hóa tốt đẹp được bồi đắp trong từng gia đình, đời sống tinh thần của người dân chuyển biến rõ rệt. Đây là thành quả từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân trong việc xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Những năm qua, trong quá trình XDNTM cùng với đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, xã Hoằng Đức cũng đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao đời sống người dân. Theo thống kê, hiện thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã là 60 triệu đồng/người/năm. Nếp sống văn hóa, văn minh được duy trì; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được phát triển thu hút đông đảo người dân tham gia.
Về xã Định Long (Yên Định) mới thấy rõ sự đổi thay từ chương trình XDNTM, khi cánh cổng làng rộng mở để đón “luồng gió mới” của đổi thay và phát triển. Thời gian qua, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, tiến trình XDNTM ở xã đạt được nhiều kết quả đáng mừng, diện mạo làng quê được “thay da đổi thịt”, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Đặc biệt, xã luôn coi hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh là nhu cầu không thể thiếu. Bởi vậy, thời gian qua xã đã bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ các thôn sửa chữa, nâng cấp mỗi nhà văn hóa thôn từ 600 – 900 triệu đồng. Sau khi các nhà văn hóa thôn được sửa chữa, các thôn đã huy động xã hội hóa để đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ chơi, dụng cụ thể thao phù hợp với các thành phần, lứa tuổi. Đồng thời, quan tâm chỉnh trang cảnh quan môi trường tại khuôn viên nhà văn hóa như trồng thêm cây xanh, mua sắm chậu hoa, cây cảnh… tạo không khí trong lành để bà con đến vui chơi, giải trí.
Ông Trịnh Huy Hùng, người dân trong xã Định Long, cho biết: Từ chương trình XDNTM, bộ mặt của xã đã thay đổi rõ rệt. Kinh tế nông nghiệp đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao; cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội được tăng cường đầu tư. Dấu ấn nổi bật nhất phải kể đến là việc kiến tạo không gian sống xanh, sạch, đẹp, đưa nông thôn trở thành vùng quê đáng sống. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn.
Có thể thấy rằng, quá trình XDNTM ở các vùng quê trong tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Sẽ có ngày càng nhiều những công trình “ý Đảng, lòng dân”, làng quê NTM, văn minh, đậm đà bản sắc, đáng là nơi để con người sinh sống – hưởng thụ và “neo đậu” tâm hồn.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt