Đại tá Lê Ngọc Long, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Báo Quân đội nhân dân; Đại tá Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Báo Quân đội nhân dân; Đại tá Cát Huy Quang, Ủy viên Ban chấp hành Liên chi hội Nhà báo Báo Quân đội nhân dân, đồng chủ trì tọa đàm. Tham dự tọa đàm có nhà báo Vũ Thị Hà, Uỷ viên Ban chấp hành, Trưởng ban công tác Hội, Hội Nhà báo Việt Nam.
Tăng sức hấp dẫn để “Giữ chân độc giả”
Có rất nhiều vấn đề được đặt ra trong buổi toạ đàm theo hướng mở như cách mà các đồng chí chủ trì định hướng: “Trọng tâm là lắng nghe, chia sẻ và tìm giải pháp”. Các đại biểu tham dự tọa đàm đã phát biểu ý kiến thẳng thắn, tập trung hiến kế liên quan đến nhiều chủ đề gắn với thực tiễn làm báo.
Trao đổi về vấn đề tăng sức hấp dẫn của ấn phẩm báo in của Báo Quân đội nhân dân, đồng chí Trung tá Nguyễn Quang Cường – Trưởng ban Thiết kế mỹ thuật – Dàn dựng trang – Phòng Thư kí toà soạn cho rằng, việc tạo sức hấp dẫn nhằm giữ chân được bạn đọc báo in trong bối cảnh rất nhiều thách thức hiện nay đòi hỏi sự đổi mới trong trình bày các ấn phẩm. Ở góc độ chuyên môn về thiết kế, nhà báo Quang Cường chia sẻ, trước yêu cầu ngày càng cao của công chúng thì vấn đề hình thức của tờ báo ngày càng được coi trọng. Làm sao để thu hút người đọc thông qua việc trình bày tít, dàn dựng trang báo đẹp mắt, cần hướng đến tăng các bài ngắn, ảnh nhiều hơn, chất lượng hơn…đồng thời kết hợp với đồ hoạ, tranh ảnh cho sinh động, làm sao tiệm cận với xu hướng trình bày báo hiện đại, tránh tham nhiều chữ, nhiều nội dung…Tất nhiên, hướng đến việc viết ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn rất cần sự chuyên sâu, phân tích thấu đáo và định hướng dư luận xã hội vì đó mới là giá trị đích thực của báo chí. Vậy nên nội dung và hình thức luôn là bài toán cần phải cân đối, hài hoà trong mỗi ấn phẩm.
Vấn đề ứng dụng, làm chủ công nghệ, tận dụng công nghệ để làm tốt công tác tuyên truyền và làm kinh tế báo chí trên báo điện tử cũng là chủ đề khá nóng hiện nay…Và tại toạ đàm này, nhà báo, Thượng tá Bùi Hữu Dương, Trưởng Ban tiếng Anh, Báo QĐND điện tử đã cho các đại biểu được chiêm ngưỡng một sản phẩm do A.I thực hiện rất thú vị. Tất nhiên câu chuyện A.I vẫn sẽ còn nhiều bàn cãi nhưng không thể phủ nhận rằng, việc tận dụng trí tuệ nhân tạo một cách thông minh cũng là bài toán mà các nhà báo rất cần nắm bắt….
Tìm điểm “lấp lánh” của sự kiện…
Là vấn đề được nhà báo, đại tá Nguyễn Xuân Hòa – Phó Trưởng Phòng biên tập Báo QĐND điện tử đặt ra tại toạ đàm với hàm ý về sự dụng công trong việc “đi tìm khe hẹp, tìm điểm lấp lánh của sự kiện” như thế nào để tác phẩm báo chí đó thu hút được công chúng. Đồng chí Xuân Hoà chia sẻ rằng, muốn tổ chức nội dung thông tin trên báo điện tử hiệu quả, trước tiên phải nắm rõ công chúng của mình, đối tượng đón đọc báo là những bạn đọc trung thành nào, sau đó là lựa chọn cách viết tác phẩm phù hợp, hấp dẫn họ.
Nhà báo Xuân Hoà trăn trở khi nhiều tin bài hiện nay còn “giao tiếp” với bạn đọc bằng bài viết chưa nhiều, chưa sâu. Đặc biệt quan ngại câu chuyện “đồng phục” trong một mô tuýp đưa tin hội nghị. “ Một ngày chúng tôi nhận được tầm 50 tin về thi đua quyết thắng mà đơn vị gửi về nhưng giống hệt cách viết, đọc sẽ mệt và chán” – đại tá Xuân Hoà thẳng thắn.
Vậy khai thác như thế nào để một tác phẩm có sức hút? Câu trả lời là tác phẩm ấy trước hết phải nói được điều mà bạn đọc muốn nghe, đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Tức là khi triển khai tin bài nên theo mô hình kim cương, thông tin trực tiếp đến với bạn đọc, trình bày ảnh, sơ đồ bản đồ, trí tuệ nhân tạo, âm thanh, đồ hoạ…một cách sinh động để bài báo đó đa dạng hơn…Tất nhiên để làm tốt, ngoài việc phát huy sở trưởng, nhà báo phải luôn là người ngồi đến cùng, nghe đến cùng và chắt lọc được “sự lấp lánh” của sự kiện, cố gắng tìm con đường đi đến bạn đọc ngắn nhất, kết nối với bạn đọc hiệu quả nhất.
Viết nhanh – viết hay không phải dễ…
Câu chuyện thay đổi tư duy làm báo in sang báo điện tử là câu chuyện được nhắc đến xuyên suốt và là sự trăn trở của các nhà báo trong bối cảnh hiện nay. Nhưng dù thay đổi như thế nào thì vấn đề viết nhanh, viết chính xác cũng luôn là yếu tố quan trọng mà bất cứ người làm báo nào cũng cần dù thực hiện không dễ. Trong đó, các nhà báo đặt ra rằng, việc thay đổi ở từng cá nhân, thúc đẩy phóng viên đổi mới và ngày càng đa năng hơn chính là “chìa khoá” cho sự thay đổi, bắt nhịp ấy.
Nói đến vấn đề này, các nhà báo còn thẳng thắn rằng, khi yêu cầu sự thay đổi từ phóng viên thì cũng cần tạo động lực cho sự thay đổi ấy. Nhà báo, Đại tá Cát Huy Quang, Ủy viên Ban chấp hành Liên chi hội Nhà báo Báo Quân đội nhân dân tâm tư về câu chuyện bạn đọc đến với tờ báo hiện nay chưa như kỳ vọng. Nhưng với tờ báo Đảng trong lực lượng vũ trang xác định rất rõ, không thể chạy theo câu view, câu like bằng mọi cách, không “buông thả” để thu hút bạn đọc…Nhà báo Huy Quang cũng nói thêm về cơ chế của toà soạn trong vấn đề khen thưởng, tính vào nhuận bút là rất quan trọng. Làm sao để có được cơ chế chấm nhuận bút công bằng, không cào bằng.
Đồng quan điểm này, nhà báo Quang Phương chia sẻ, “vừa nhanh, vừa sâu sắc, vừa chính xác” và có những hoàn cảnh phóng viên phải đa năng, đa phương tiện…đó là một công việc không hề dễ dàng đối với người làm báo. Hiểu khó khăn ấy, đồng chí cho rằng, thúc đẩy, giảm áp lực cho phóng viên có nhiều phương pháp nhưng câu chuyện khen ngợi động viên từ lãnh đạo kèm một cơ chế thưởng hợp lý, linh hoạt là động lực thúc đẩy cho sự nỗ lực không ngừng của phóng viên. Nhà báo Quang Phương chia sẻ thêm, với sự quan tâm của BBT Báo, hiện nay thu nhập của phóng viên báo Quân đội Nhân dân khá ổn định so với nhiều cơ quan báo chí khác. Nhưng động lực, khuyến khích như thế nào để phóng viên tiếp tục đổi mới, sáng tạo hơn trong công việc thì chính là “thưởng”. “Lương có thể vừa phải nhưng thưởng là nguồn năng lượng rất quan trọng, là thứ người ta luôn mong và theo đuổi ….” – nhà báo Hồ Quang Phương chia sẻ. Bên cạnh đó, nhà báo Quang Phương cũng nói thêm về kinh nghiệm thực hiện tác phẩm đa phương tiện trong các sự kiện lớn, đặc biệt là vấn đề gìn giữ “Bản sắc” – tôn chỉ mục đích, vị thế của cơ quan báo chí. Anh cho rằng, điều mà tờ báo Quân đội nhân dân tự hào chính là bản sắc của một cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực, bản sắc nhà báo – chiến sĩ. Đánh mất bản sắc là phủ nhận sự tồn tại của mình. Do đó vừa gìn giữ vừa làm sâu sắc hơn bản sắc… chính là mục tiêu cao nhất.
Cũng tại toạ đàm, nữ nhà báo Hoài Anh – Phòng thư kí toà soạn chia sẻ nhiều về công tác biên tập, giãi bày về mối quan hệ giữa phóng viên và biên tập viên…làm sao để “cơm lành, canh ngọt”? Hoài Anh cho rằng, vấn đề giữa phòng thư kí và phóng viên chính là nằm ở sự chia sẻ, thông cảm, tránh sự hiểu lầm nhau… “Chúng tôi luôn kiên nhẫn, thận trọng, tỉ mỉ khi đọc tác phẩm của phóng viên vì rất chia sẻ với sự vất vả của phóng viên trên hành trình tác nghiệp…” – nhà báo Hoài Anh cho biết.
Phòng thư kí báo Quân đội Nhân dân có đặc biệt hơn so với các đơn vị khác, vì có công tác hiệu đính tức là sau khi BTV biên tập bài, Tổng biên tập xem thì sẽ vòng về phòng thư kí xem lại lần cuối trước khi lên mặt báo…Chính vì thế, phòng thư ký có sức ép và trách nhiệm lớn. Và điều quan trọng nhất chính là các khâu cần nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp, tức là khi phóng viên gửi bài sớm, chỉn chu, chính xác từ nguồn tin, từ khi đặt bút viết thì công tác biên tập của phòng thư kí sẽ đỡ áp lực và chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.
“Đúng – kịp thời – chính xác… luôn là đích đến!”
Sau khi lắng nghe các ý kiến tâm huyết, nhà báo, đại tá Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch Liên chi hội chia sẻ: Buổi toạ đàm theo hình thức cùng trao đổi, lắng nghe, hiến kế để cùng hướng đến mục tiêu chung. Tổ chức toạ đàm này, LCH đã được lắng nghe những suy nghĩ, cùng chiều, trái chiều, đa chiều để góp phần phát triển tờ báo đa phương tiện chủ lực. Là nhà báo – chiến sĩ chính là 2 tiêu chí rất ý nghĩa làm nên bản sắc của phóng viên báo Quân đội Nhân dân. Nhắc đến “nhà báo” thì thường gắn với sự sáng tạo, nhắc đến “chiến sĩ” thì sẽ nghĩ đến tính khuôn phép, kỷ luật…Và giải quyết hài hoà mối quan hệ này cũng chính là cách mà mỗi người làm báo ứng xử với công việc, nghề nghiệp và tác phẩm của mình. “Đúng – kịp thời – chính xác…luôn là đích đến!” – nhà báo Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh.
Khép lại buổi toạ đàm ý nghĩa này, nhà báo Lê Ngọc Long kết luận: Trong khoảng 3 tiếng đồng hồ với nhiều ý kiến tâm huyết đã phần nào giải quyết được các vấn đề rất cấp thiết hiện nay như việc đổi mới cách thức viết báo in, điện tử như thế nào để thực hiện nhiệm vụ, thực hiện tác phẩm báo chí tốt hơn nữa; vấn đề khen thưởng xử phạt nghiêm minh, tránh cào bằng; giữ gìn bản sắc tờ báo chiến sĩ; phối hợp với các phòng ban với phòng Thư ký tòa soạn phối hợp sao cho hiệu quả… Mọi ý kiến hiến kế, trao đổi, tranh luận mang tính xây dựng cao với mục đích chung là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác làm báo, giữ vững và phát huy vai trò của Báo Quân đội nhân dân trong đời sống báo chí hiện nay. Các kiến nghị, đề xuất sẽ được Ban chấp hành Liên chi hội tổng hợp, báo cáo để gửi Ban biên tập, Đảng ủy Báo Quân đội nhân dân xem xét, quyết định.
Hà Vân
Nguồn: https://www.congluan.vn/khi-nha-baocung-trao-doi-cung-lang-nghe-cung-hien-ke-post299344.html