(LĐXH) – Khi con cháu bận rộn với cuộc sống hiện đại, người cao tuổi (NCT) dễ rơi vào cảm giác cô đơn và thiếu kết nối. Mô hình Daycare ra đời như một giải pháp sáng tạo.
Mô hình này mang đến không gian học tập, giao lưu và chăm sóc toàn diện cho người già. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, ưu đãi về thuế để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này nhằm mở rộng dịch vụ, giúp nhiều NCT được tiếp cận dễ dàng hơn.
Nhiều lợi ích thiết thực từ mô hình Daycare
Theo TS. Nguyễn Văn Minh, chuyên gia xã hội học, mô hình học bán trú là giải pháp hiệu quả giúp NCT có một nơi sinh hoạt an toàn, không chỉ nâng cao thể lực mà còn duy trì sức khỏe tinh thần nhờ các hoạt động cộng đồng. Các lớp học và sinh hoạt này cũng giúp họ tránh được sự cô đơn và cảm giác bị bỏ rơi trong xã hội hiện đại.
“Mô hình chăm sóc bán trú cho NCT (Daycare) rất phù hợp với tuổi già và các gia đình hiện đại, giúp giảm bớt gánh nặng cho con cháu khi phải cân đối giữa công việc và chăm sóc NCT vì buổi sáng các cụ “đi học”, chiều các cụ vẫn trở về nhà với con cháu, không có khái niệm như vào các viện dưỡng lão.
Mô hình này còn tạo ra cơ hội để NCT có thể học hỏi những kiến thức mới, ví dụ như cách sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính bảng để duy trì kết nối với con cháu.
Với xu hướng già hóa dân số ngày càng tăng, nhu cầu về dịch vụ chăm sóc NCT ngày càng lớn. Mô hình Daycare không chỉ đáp ứng nhu cầu của NCT mà còn là một giải pháp bền vững, góp phần giảm bớt áp lực tài chính cho hệ thống y tế và xã hội.
Ngoài ra, Daycare còn góp phần thúc đẩy ý thức xã hội về vai trò quan trọng của NCT, khuyến khích họ có một cuộc sống năng động và lạc quan hơn”, TS. Nguyễn Văn Minh nhận định.
BS Nguyễn Văn An ở Trung tâm Nhân ái Daycare chia sẻ: “NCT thường phải đối mặt với các vấn đề tâm lý như cô đơn, trầm cảm và lo âu, đặc biệt khi con cháu không có nhiều thời gian ở bên.
Sức khỏe tuổi già vốn đã suy giảm vì tuổi tác, kéo theo “bệnh tật kép” bởi các bệnh lý nền như: Xương khớp, Parkinson, huyết áp, tim mạch, tiểu đường… hoặc những người sau tai biến khả năng vận động và tư duy trí não cũng bị ảnh hưởng, kém linh hoạt.
Dù các cụ được con cháu quan tâm, đáp ứng đủ những nhu cầu vật chất, nhưng tâm lý, tư tưởng không thoải mái, hay buồn phiền, suy nghĩ căng thẳng nên không ai kiểm soát được các cụ. Nhiều gia đình có người giúp việc, nhưng họ chỉ là lao động phổ thông, không có chuyên môn chăm sóc các cụ.
Chính vì vậy, khi đến các cơ ở chăm sóc bán trú, các cụ được chăm sóc về mọi mặt, được giao lưu với các cụ cùng trang lứa, được tập các bài tập thể dục, bài tập chức năng phù hợp khiến tư tưởng các cụ rất thoải mái, dễ chịu. Ngoài ra, các cụ còn được chăm sóc về dinh dưỡng với thực đơn hàng ngày phù hợp với lứa tuổi, bệnh lý, bệnh tật”.
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thảo Mơ, với kinh nghiệm hơn 10 năm chăm sóc NCT cho biết: Nếu chỉ ở nhà, NCT thường lười vận động, ăn uống không điều độ, lại không có người chăm sóc đúng cách.
Khi đến với trung tâm Daycare, họ không chỉ được chăm sóc y tế, dinh dưỡng và vệ sinh hằng ngày mà còn có cơ hội tham gia nhiều hoạt động phong phú giúp cải thiện cả thể chất và tinh thần, được giao lưu, trò chuyện, tập thể dục nhẹ nhàng và tham gia các hoạt động tập thể theo đúng giờ giấc và có phác đồ riêng đối với từng cụ.
Việc có thêm môi trường sinh hoạt vui vẻ và an toàn giúp NCT duy trì được sức khỏe và tinh thần thoải mái, tránh được cảm giác cô đơn hay trầm cảm khi ở nhà một mình. Những hoạt động này giúp NCT duy trì sức khỏe tốt hơn, cải thiện khả năng di chuyển, giữ được sự dẻo dai, đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Về mặt tinh thần, việc tham gia các hoạt động học tập, sáng tạo và giao lưu giúp kích thích não bộ, tăng cường trí nhớ, giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến trí nhớ như Alzheimer.
Cần có chính sách hỗ trợ từ nhà nước
Mặc dù đã gặt hái được những thành công bước đầu nhưng mô hình Daycare ở Việt Nam cũng còn nhiều thách thức. Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Nhân ái Daycare, đây là mô hình đòi hỏi cơ sở vật chất phù hợp với người lớn tuổi như lối đi thuận tiện, thiết bị y tế, khu vực sinh hoạt rộng rãi, cũng như các dụng cụ học tập an toàn, nên tìm được mặt bằng phù hợp là rất khó khăn.
“Hiện nay, như bất kỳ loại hình kinh doanh nào, chúng tôi phải thuê mặt bằng với mức giá như các quán cà phê, phòng tập gym, cũng phải trả những chi phí như họ trả. Điều này ảnh hưởng một phần đến cấu thành “học phí” mà các cụ phải chi trả khi sử dụng dịch vụ. Chúng tôi cũng vẫn phải vay vốn ngân hàng như các mô hình kinh doanh khác”, bà Thanh chia sẻ.
Thêm vào đó, để chăm sóc và hướng dẫn người già, cần một đội ngũ nhân sự có chuyên môn về y tế, tâm lý và giáo dục NCT. Tuy nhiên, số lượng nhân sự này hiện nay còn hạn chế và chưa được đào tạo chuyên sâu về chăm sóc người già…
Dưới góc độ người thân, chị Phí Thị Hương Quỳnh (con bà Đinh Thị Việt Phương, 75 tuổi) đang được chăm sóc bán trú cảm thấy rất yên tâm khi gửi mẹ đến đây.
“Với gói dịch vụ 600.000 đồng/người/ngày, 15.600.000 đồng/tháng (6 ngày/tuần), không bao gồm: Thuốc, bỉm và các phát sinh theo thực tế khác, giá dịch vụ hiện nay vẫn còn cao so với mặt bằng chung.
Để nhân rộng mô hình, mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ tài chính cho các trung tâm chăm sóc bán trú nhằm giảm gánh nặng kinh tế và khuyến khích việc sử dụng các dịch vụ rất thiết thực này”, chị Quỳnh mong muốn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Lập, Trưởng Ban chăm sóc NCT (Hội Người cao tuổi Việt Nam) cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, ưu đãi về thuế để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này nhằm mở rộng dịch vụ, giúp nhiều NCT được tiếp cận dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, các trung tâm cần mở rộng hợp tác với các cơ sở giáo dục và tổ chức cộng đồng nhằm cung cấp nhiều hoạt động đa dạng hơn như các lớp học thể dục, khiêu vũ, khí công, sử dụng công nghệ thông tin.
“Muốn duy trì mô hình lâu dài, các cơ sở cần phát triển các hoạt động tự tạo nguồn thu như tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, triển lãm sản phẩm thủ công của NCT, giúp họ cảm thấy mình hữu ích, có động lực tham gia hơn. Ngoài ra, cần đào tạo đội ngũ nhân viên có kỹ năng chuyên môn, để có thể chăm sóc và hỗ trợ NCT một cách chuyên nghiệp.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của mô hình nhằm giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về các lớp học bán trú cho NCT, xóa tan những e ngại của các gia đình và chính người già”, ông Lập nêu ý kiến.
Theo Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), số NCT của Việt Nam sẽ đạt 16,8 triệu vào năm 2039 và 25,2 triệu vào năm 2069. Từ năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, với 14,2% dân số từ 65 tuổi trở lên. Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. |
Thuỳ Hương – Cù Hoà
Báo Lao động và Xã hội số 141
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/khi-nguoi-gia-di-hoc-mau-giao-mo-hinh-cham-soc-nguoi-gia-can-nhan-rong-20241121224610481.htm