Trong cuộc sống hiện đại đầy sôi động, ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh người cao tuổi vẫn miệt mài, nỗ lực “truyền lửa” văn hóa đọc cho thế hệ trẻ. Qua đó góp phần hình thành nên một thói quen tốt – “thói quen đọc sách mỗi ngày”.
Ông Phạm Công Phổ, thôn Xa Thư, xã Quảng Bình (Quảng Xương) thường xuyên đến đọc sách tại nhà văn hóa thôn.
Ở thôn Xa Thư, xã Quảng Bình (Quảng Xương) nhiều người gọi ông Phạm Công Phổ bằng cái tên thân mật “ông giáo”. Đến nay đã ngoài 80 nhưng ông vẫn đam mê đọc sách, làm thơ. Đã có nhiều tập thơ của ông được xuất bản như: Chiều; Lục bát trong tôi; Nối dòng lục bát; Lục bát tình quê… Đối với người dân trong làng, xã, ông Phổ như một tấm gương sáng về việc đọc sách. Không chỉ chăm sóc cho kho sách của mình, ông Phổ còn tư vấn, giới thiệu những tác phẩm hay, nên đọc, phù hợp với trình độ, lứa tuổi của người dân thôn Xa Thư. Đặc biệt, đối với các bạn trẻ, ông Phổ thường khuyên tìm đọc các tác phẩm văn học, thơ về quê hương. Bởi theo ông, loại hình văn học rất giàu tính nhân văn. Mỗi tác phẩm văn học lớn đều chất chứa bao nhiêu số phận, khi đọc sẽ cảm nhận được những tình cảm cao đẹp trong con người, tình yêu quê hương, đất nước… “Có đọc thì thế hệ trẻ mới có vốn kiến thức thực tế, mới cảm nhận được những giá trị văn hóa cốt lõi. Tôi cũng khuyên các cháu, khi trẻ thì nên đọc các tác phẩm văn học, lịch sử, bởi tư duy khi đó còn tốt thì đọc sẽ dễ nhớ, dễ hiểu. Còn khi đã già thì ta đọc truyện ngắn và những bài thơ ngắn. Nếu không nhen nhóm tình yêu đọc sách từ khi còn trẻ thì kiến thức chúng ta sẽ rất hạn chế” – ông Phổ nói.
Ông Phạm Công Phổ cũng tâm sự trong thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh như hiện nay, rất nhiều người trẻ đang dần bỏ quên thói quen đọc sách, báo in. Bởi vậy, hàng ngày có thời gian rảnh rỗi, ông thường ra nhà văn hóa thôn tìm đọc sách, ngâm thơ cho con cháu trong thôn nghe. Ông luôn mong muốn có thêm nhiều người trẻ yêu mến sách, coi trọng văn hóa đọc, để từ đó mỗi người có thể cảm nhận được những nét tinh tế trong những trang viết của các tác giả. Và với ông, sách là cánh cửa đưa tâm hồn con người “đến với những miền tươi đẹp”.
Còn đối với người dân thôn 5, xã Xuân Lai (Thọ Xuân), “Thư viện truyền thống Hà Duyên Đạt” của gia đình ông Hà Duyên Sơn từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc, bổ ích và đầy niềm vui. Ở tuổi ngoài 70, niềm vui mỗi ngày của ông Hà Duyên Sơn là được đón các cháu học sinh và những người dân trong xã đến đọc sách tại thư viện của gia đình. Thư viện được ông mở ra vào năm 2015, mang tên ông nội của mình – người chiến sĩ cách mạng kiên trung Hà Duyên Đạt. Với tâm huyết, sự nhiệt tình của ông Sơn, cùng với sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và nguồn sách tài trợ của các con, cháu, hiện thư viện có trên 8.000 cuốn sách, với nhiều loại sách, báo, tạp chí dành cho các lứa tuổi.
Không dừng lại ở việc mở thư viện tại nhà, với mong muốn đưa văn hóa đọc, lan truyền tình yêu sách đến với người dân địa phương, đặc biệt là đối tượng học sinh, ông Sơn còn phối hợp với đoàn thanh niên xã Xuân Lai tổ chức nhiều hoạt động bổ ích như: sinh hoạt chuyên đề nhân các ngày diễn ra sự kiện trọng đại của tỉnh, của đất nước; đưa sách về tận nhà văn hóa các thôn; cung cấp tài liệu và hướng dẫn cho học sinh Trường Tiểu học Xuân Lai tham gia cuộc thi “Chúng em kể chuyện về Bác Hồ”; cung cấp tài liệu cho các cựu chiến binh tham gia cuộc thi tìm hiểu về “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức…
Em Bảo Châu, thôn 5 (Xuân Lai), cho biết: “Thư viện của ông có rất nhiều sách, kể cả các loại truyện, được ông cất giữ cẩn thận, sắp xếp ngăn nắp, em và các bạn rất dễ dàng tìm kiếm. Đặc biệt, ông còn hướng dẫn các em cách đọc sách, giới thiệu cho các em những cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi. Em hy vọng ông, bà luôn mạnh khỏe, sưu tầm thêm nhiều loại sách mới, ở nhiều lĩnh vực để các em có thể đến đây đọc sách thường xuyên”.
Vào dịp nghỉ hè như hiện nay, thư viện của gia đình ông Hà Duyên Sơn không chỉ là địa điểm đọc sách mà còn là sân chơi bổ ích của học sinh trên địa bàn xã. Giữa không gian xanh mát, mỗi ngày có từ 30 đến 50 lượt bạn đọc đến đọc và mượn sách, có những ngày cao điểm lên tới 90 lượt bạn đọc. “Không chỉ có những người “bạn già” đến đọc sách, chuyện trò về cuộc sống mà các cháu học sinh đến với thư viện ngày càng đông, đó chính là niềm vui, là sự khích lệ để tôi duy trì và phát triển thư viện” – ông Sơn chia sẻ.
Trong bối cảnh hiện nay, phát triển văn hóa đọc có ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển phồn vinh của quê hương, đất nước. Và chính những người cao tuổi như ông Phạm Công Phổ, ông Hà Duyên Sơn đã, đang góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào đọc sách, phát triển văn hóa đọc sâu rộng, mạnh mẽ trong cộng đồng nói chung, thế hệ trẻ nói riêng, thúc đẩy hình thành xã hội học tập bền vững.
Bài và ảnh: Hoài Anh