Ranh giới của yêu và ghét chỉ là… một câu nói
Hoàng Thùy Linh từng khởi đầu năm nay bằng loạt chiến thắng áp đảo tại giải thưởng Làn sóng xanh. Thời điểm đó, nữ ca sĩ nhận về nhiều lời khen về sự bản lĩnh, hành trình vượt qua khó khăn để chạm tới đỉnh cao sự nghiệp.
Tuy nhiên, mọi thứ bất ngờ xoay chiều sau khi cô tổ chức họp báo hôm 6/9 tại TPHCM để giới thiệu live concert đầu tiên sau 15 năm ca hát.
Những câu trả lời “lạc đề”, thậm chí “vặn ngược” phóng viên tại cuộc họp báo khiến Hoàng Thùy Linh trở thành tâm điểm tranh cãi trên mạng xã hội. Chỉ trong phút chốc, hình tượng nữ ca sĩ được nhiều người yêu thích bỗng sụp đổ.
Nhiều người chỉ trích, cho rằng Hoàng Thùy Linh “ứng xử kém”, có thái độ “trịch thượng”… Một số khán giả hoang mang, đặt câu hỏi vì sao nữ ca sĩ lại có màn đối đáp khó hiểu, lạc đề, thậm chí có phần đôi co với truyền thông tại họp báo như vậy.
Cú “trượt chân” ứng xử của Hoàng Thùy Linh khiến nhiều người nhớ tới những trường hợp tương tự trước đây của nghệ sĩ Việt. Không ít người nổi tiếng từng bị dư luận quay lưng vì “vạ miệng”, phát ngôn không phù hợp.
Đông Nhi là trường hợp điển hình. Hoạt động nghệ thuật hơn 15 năm, sở hữu lượng fan trung thành đông đảo, thế nhưng hồi tháng 7/2022, cô đã “dội gáo nước lạnh” vào fan với những phát ngôn gay gắt.
Mặc dù Đông Nhi đã lên tiếng xin lỗi nhưng vụ việc này vẫn thường được nhắc lại như là ồn ào lớn nhất trong sự nghiệp của nữ ca sĩ.
Hồi tháng 2, “O Sen” Ngọc Mai – Quán quân Ca sĩ mặt nạ mùa đầu tiên – cũng từng trở thành tâm điểm chỉ trích, đánh mất thiện cảm của khán giả vì loạt phát ngôn thiếu kiềm chế, bị cho là rao giảng đạo lý qua các cuộc phỏng vấn với báo chí.
Có thể thấy, ranh giới từ “yêu” sang “ghét” của khán giả đôi khi chỉ bằng… một câu nói mà nghệ sĩ thốt ra. Kể cả khi nguyên nhân đằng sau câu nói ấy là sự nóng nảy nhất thời hay nhiều lý do khác đi chăng nữa thì rõ ràng việc nghệ sĩ có thái độ, phát ngôn thiếu khiêm tốn chỉ khiến họ… thiệt thân.
Nghệ sĩ ứng xử chuyên nghiệp – khó hay dễ?
Nhiều người cho rằng điểm chung của các vụ “vạ miệng” là nghệ sĩ cảm tính, thiếu kiềm chế. Trên mạng xã hội, không ít bình luận ngán ngẩm trước văn hóa ứng xử nghiệp dư trong giới giải trí hiện nay. Thậm chí, khán giả còn đặt nghi vấn về sự “ảo tưởng quyền lực” của người nổi tiếng.
Nhà sản xuất, nhạc sĩ Nguyễn Hà chia sẻ với phóng viên Dân trí: “Khi xã hội nói chung và ngành công nghiệp giải trí nói riêng ngày càng phát triển, nghệ sĩ ngày nay cũng cần phải nghĩ đến việc chăm chút khả năng giao tiếp, ứng xử theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Chuyên nghiệp ở đây nghĩa là cần phải chú ý đến những chi tiết nhỏ. Ví dụ, khi nghệ sĩ tổ chức một cuộc họp báo, họ nên giao tiếp với nhà báo bằng danh xưng nghề nghiệp, điều đó mới cho thấy sự tôn trọng đúng vị trí của mỗi người”.
Nhạc sĩ Nguyễn Hà cũng chia sẻ lại câu chuyện mà ông từng chứng kiến khi tham gia cuộc họp báo của ca sĩ Bi Rain tại TPHCM hồi tháng 5/2006. Ngày hôm đó, ngôi sao Hàn Quốc đến trễ gần 1 tiếng khiến các phóng viên phải chờ đợi trong không khí khó chịu.
Trong cuộc họp báo, phóng viên thẳng thắn đặt câu hỏi cho Bi Rain: “Anh hát không hay, nhảy cũng bình thường, không đẹp trai, vậy anh nghĩ xem tại sao anh nổi tiếng đến vậy?”.
“Bi Rain ngồi nghe phiên dịch, sắc mặt không biến đổi và từ tốn đáp: “Cảm ơn bạn đã hỏi. Vì biết mình như vậy nên tôi luôn cố gắng luyện tập để hát hay hơn, nhảy đẹp hơn. Có lẽ vì khán giả thương sự cố gắng đó của tôi nên tôi nổi tiếng. Và tối mai, tôi cũng sẽ cố gắng hết mức để hát hay, nhảy đẹp phục vụ cho khán giả Việt Nam”.
Tôi choáng ngợp trước câu trả lời trực tiếp mà đầy tính tích cực trước câu hỏi ”nghịch cảnh”. Từ đó, tôi rút ra bài học, luôn tưởng tượng trước những tình huống khó và chuẩn bị sẵn câu trả lời. Điều đó giúp tôi luôn giữ những cuộc giao tiếp được tích cực, vui vẻ”, nhạc sĩ kể lại.
“Ngày xưa ồn ào là đắt show, bây giờ thì khác!”
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng qua trường hợp của Hoàng Thùy Linh và một số sao Việt trước đây, văn hóa ứng xử trong giới giải trí cần được nhìn nhận nghiêm túc.
“Nghệ sĩ là người của công chúng, có nghĩa là khi các bạn có hào quang, đứng trên bục cao, chiếm sự chú ý thì đương nhiên phía dưới sân khấu sẽ có hàng trăm ngàn người dõi theo các bạn. Họ nhìn trang phục, nhìn hành vi, cử chỉ và soi xét lời ăn tiếng nói của các bạn”, chuyên gia cho hay.
Ông Long cho rằng chính vì nghệ sĩ luôn là tâm điểm chú ý, nên khi vướng ồn ào, họ cũng sẽ nhận được một số lợi ích và bài học.
“Dễ nhìn thấy rằng trong bất cứ lùm xùm nào, nghệ sĩ cũng được chú ý trên truyền thông. Về cái lợi, đó sẽ là điều kiện để họ hâm nóng tên tuổi, được dư luận quan tâm. Bên cạnh đó, nếu họ xem những lần vấp ngã là cơ hội để nhìn lại bản thân thì rất tốt.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể xem những cú ngã đó là cơ hội để đi lên. Thực tế, nghệ sĩ “mất” rất nhiều trong trường hợp này”, chuyên gia truyền thông đưa ra quan điểm.
Ông Long cho rằng câu chuyện “cái miệng làm hại cái thân” sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến công việc của giới nghệ sĩ.
Chuyên gia nhận định: “Nếu nghệ sĩ đại diện cho nhãn hàng nào đó thì họ sẽ gặp rắc rối, bởi hợp đồng với nhãn hàng luôn có những điều khoản liên quan đến việc giữ hình ảnh. Họ cũng có thể bị mất show, mất cơ hội tham gia chương trình lớn. Nặng nề hơn thì nghệ sĩ sẽ bị chính người hâm mộ quay lưng.
Ngoài ra, tôi cho rằng những người trong ngành cũng sẽ thận trọng hơn khi làm việc với nghệ sĩ tai tiếng. Thời buổi bây giờ không như ngày xưa. Trước đây, cứ nổi tiếng là đắt show, còn bây giờ tai tiếng sẽ khiến người ta e dè”.
Ông Long cho rằng khi nghệ sĩ có thái độ “kém”, con đường để họ lấy lại thiện cảm từ dư luận không phải là điều dễ dàng bởi công chúng ngày càng nghiêm khắc, “quyền lực” hơn.
“Khán giả bây giờ không dễ dàng bỏ qua cho những nghệ sĩ gặp tranh cãi về thái độ. Do đó, nghệ sĩ cần xem những cú vấp ngã đó là cơ hội để nhìn nhận và thay đổi.
Họ cần đi tìm tận cùng nguyên nhân vấn đề, rút ra bài học và tích cực truyền thông cho khán giả biết họ đã sửa sai ra sao. Còn việc giữ im lặng rồi bất ngờ xuất hiện sẽ không hiệu quả, vì khán giả giờ không còn ngây thơ nữa”, chuyên gia nói thêm.
Nghệ sĩ cần có đại diện phát ngôn chuyên nghiệp
Trao đổi thêm với phóng viên Dân trí, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cho rằng có rất nhiều điều mà giới nghệ sĩ phải làm để trau dồi cách giao tiếp, ứng xử.
“Quan trọng nhất, nghệ sĩ nên có người phát ngôn cho mình. Điều đó mới thể hiện sự chuyên nghiệp. Bởi nghệ sĩ dù ăn nói giỏi ra sao thì vẫn là… nghệ sĩ, không phải chuyên gia ứng xử truyền thông.
Có nhiều người quá tự tin về khả năng giao tiếp, khiến họ tự mắc bẫy và phạm lỗi. Hương Giang Idol, “O Sen” Ngọc Mai là ví dụ khi họ để lời ăn tiếng nói “đi hơi xa”. Nghệ sĩ chỉ nên làm đúng vai trò của họ thôi.
Điển hình như Đan Trường là trường hợp tôi ngưỡng mộ. Mọi phát ngôn của anh ấy đều thông qua “ông bầu” quản lý. Nếu có rắc rối, người đại diện của Đan Trường sẽ chịu trách nhiệm. Cách làm này rất chuyên nghiệp”, ông Long nói.