Khoảng trống an sinh
Nói về thách thức của ngành an sinh, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, bày tỏ lo lắng khi Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Hiện cả nước có khoảng 14 triệu người sau tuổi về hưu và đang tăng nhanh. Với tốc độ gia tăng này, tương lai nước ta có thể sẽ trở thành một nước “siêu già” như Nhật Bản, với 35-40% dân số là người sau độ tuổi lao động.
Đây là thách thức của hệ thống an sinh. Bởi với tốc độ già hóa dân số trên, đầu vào của hệ thống BHXH là sự đóng góp của người tham gia trong độ tuổi lao động ngày càng giảm mà đầu ra là những người sau độ tuổi nghỉ hưu lại tăng.
Tại một hội nghị góp ý cho dự thảo Luật BHXH sửa đổi tổ chức ở TPHCM, ông André Gama, chuyên gia Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, nhấn mạnh đến việc hệ thống an sinh Việt Nam tồn tại một khoảng trống lớn.
Đó là một tỷ lệ lớn người cao tuổi không có bất kỳ nguồn thu nhập nào từ chế độ an sinh. Hiện chỉ những người về hưu tham gia BHXH đủ năm mới có lương hưu và người già trên 80 tuổi được nhận trợ cấp xã hội hằng tháng do ngân sách đài thọ.
Khi hết tuổi lao động, một bộ phận người già làm việc trong khu vực phi chính thức hoặc đã rời khỏi hệ thống BHXH không có lương hưu. Nếu không đạt điều kiện quy định thì họ cũng không được nhận trợ cấp xã hội. Đây là nhóm nằm trong khoảng trống chính sách.
Chế độ hưu trí mới, trích từ ngân sách
Làm sao để giải quyết vấn đề trên? Theo ông Phạm Trường Giang, ưu tiên đầu tiên khi sửa đổi Luật BHXH là bổ sung chính sách hưu trí xã hội để hoàn thiện hệ thống BHXH đa tầng, lấp đầy khoảng trống an sinh trên.
Chế độ này đạt được sự đồng thuận rất cao của nhân dân cũng như các Đại biểu Quốc hội, chính thức áp dụng từ ngày 1/7/2025.
Ông Phạm Trường Giang cho biết: “Từ ngày 1/7/2025 sắp tới, khoảng 1,2 triệu cụ từ 75 tuổi trở lên đương nhiên được hưởng 500.000 đồng mỗi tháng. Với các cụ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thì độ tuổi còn thấp hơn, chỉ từ 70 tuổi là được hưởng”.
Theo ông Giang, để thực hiện chính sách giảm độ tuổi hỗ trợ người cao tuổi từ 80 xuống 75, dự kiến số tiền chi trả mỗi năm là khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng.
“Số tiền này hoàn toàn từ ngân sách nhà nước. Tư tưởng xuyên suốt của Chính phủ khi xây dựng Luật BHXH năm 2024 là tăng mức hưởng của người lao động nhưng không tăng mức đóng. Vậy tiền từ đâu? Tăng mức hưởng thông qua tăng trách nhiệm của nhà nước, tiền từ ngân sách nhà nước”, ông Giang cho biết.
Mục tiêu người già nào cũng có thu nhập
Điều đặc biệt là Luật BHXH năm 2024 quy định: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ”.
Như vậy, độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội không cố định là 70 hay 75 mà trong tương lai còn giảm tiếp. Tuy nhiên, đó là chuyện tương lai xa, khi đất nước phát triển. Còn trong tương lai gần, những người đã hết tuổi lao động nhưng chưa đủ tuổi để được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì sao?
Ông Phạm Trường Giang chia sẻ: “Khi xây dựng chính sách này, chúng tôi vẫn còn băn khoăn. Chúng ta đã lo cho những người trên 70 tuổi, vậy những người trên 60 mà chưa đến 70 thì sao? Tiếp tục, chúng tôi đề xuất chính sách thứ 2, chính sách liên kết tầng BHXH”.
Cụ thể, Luật BHXH năm 2024 bổ sung thêm chính sách để bao phủ nhóm này là “chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội” được quy định tại Điều 23.
Ông Phạm Trường Giang cho rằng, với chính sách mới này, chỉ cần người lao động có 5 năm đóng BHXH thì đủ để chi trả BHXH hằng tháng trong 10 năm. Khi đó, độ tuổi để họ nhận trợ cấp BHXH hằng tháng hạ từ 75 xuống còn 65. Nếu người lao động có thời gian đóng BHXH 7-8 năm thì có thể hưởng trợ cấp ngay khi họ vừa đủ tuổi nghỉ hưu.
Theo ông Giang, mục tiêu sâu xa của chính sách trên là khuyến khích người lao động không rút BHXH một lần.
“Nếu chỉ đóng BHXH vài năm, nhận một lần vài chục triệu đồng là hết. Nay có chính sách này, người lao động nghỉ hưu có thêm lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng, có tiền hằng tháng và thẻ BHYT. Số tiền 500 nghìn đồng mỗi tháng có thể nhỏ nhưng ổn định, đặc biệt là có thêm thẻ BHYT do ngân sách đóng. Thẻ BHYT là vô cùng quan trọng đối với người già”, ông Giang cho biết.
Đặc biệt, với 2 chế độ mới trên được bổ sung trong Luật BHXH năm 2024, hệ thống BHXH Việt Nam sẽ là đa tầng, lấp đầy khoảng trống an sinh đang tồn tại với mục tiêu người già nào cũng có thu nhập hằng tháng.
Tầng thấp nhất là người lao động không có điều kiện tham gia BHXH thì khi hết tuổi lao động cũng có trợ cấp hưu trí xã hội.
Tầng cao hơn là người lao động tham gia BHXH nhưng không đủ năm để hưởng lương hưu thì cũng có trợ cấp BHXH hằng tháng với mức thấp nhất bằng trợ cấp hưu trí xã hội.
Tầng cao nhất là những người lao động tham gia BHXH đủ năm, họ sẽ có lương hưu. Với người có điều kiện tốt hơn, họ có thể tham gia hưu trí bổ sung để có lương hưu cao hơn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/khi-nao-moi-nguoi-cao-tuoi-o-viet-nam-deu-co-thu-nhap-hang-thang-20241002114947572.htm