Dòng sông Cu Đê được đánh giá có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch đường thủy nội địa nhờ có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, còn giữ được nét hoang sơ, gắn với nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử.
Vì vậy cử tri Đà Nẵng đã kiến nghị thành phố sớm có chủ trương đầu tư khai thác tiềm năng du lịch dọc tuyến sông Cu Đê để phát triển kinh tế.
Mới đây, Sở Du lịch đã trả lời nội dung trên.
Theo đó, Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa thành phố giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt xác định phát triển du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) trong giai đoạn 2024-2030, cụ thể với tuyến du lịch sông Cu Đê – sông Trường Định.
Tuyến này được định hướng phát triển thuộc không gian du lịch sinh thái phía tây của thành phố với khu vực Làng Vân, Khe Răm và hồ chứa nước kết hợp dịch vụ du lịch (khu vực nam sông Bắc), kết nối theo sông Cu Đê và các điểm du lịch dọc sông và hòn Chảo.
Tập trung phát triển du lịch đường thủy nội địa, định hướng mạng lưới vùng hoạt động thể thao, giải trí dưới nước tại các sông, hồ chứa nước.
Về phát triển tuyến du lịch đường thủy, sẽ phát triển khai thác các tuyến du lịch sông Cu Đê đi vịnh Đà Nẵng – hòn Chảo – bán đảo Sơn Trà và phát triển khai thác tuyến du lịch đường thủy trên sông Cu Đê kết nối huyện Hòa Vang, gắn với điểm đến sinh thái, nông nghiệp, nông thôn.
Cũng theo Sở Du lịch, định hướng đầu tư bến thủy nội địa trên tuyến du lịch sông Cu Đê – sông Trường Định, gồm: hoàn chỉnh đầu tư bến khu vực phía bắc cầu Nam Ô có quy mô lớn, phục vụ đa dạng tàu thuyền khai thác đi ra vịnh Đà Nẵng và tiếp tục tham quan hòn Chảo, khu vực bán đảo Sơn Trà tại các địa điểm được cho phép.
Hoàn chỉnh đầu tư bến khu vực Hầm Vàng trên tuyến sông Cu Đê cách cầu Nam Ô khoảng 1 km, bến khu vực Khe Răm.
Hoàn chỉnh đầu tư một số cầu tàu tại các điểm du lịch dọc sông Cu Đê, trong đó, bao gồm 2 điểm xây dựng bến mềm tại Miếu Bà, đình Làng Thủy Tú thuộc bến Hầm Vàng.
Đồng thời, thực hiện rà soát một số vị trí bến thủy nội địa đã được quy hoạch thuộc dự án tư nhân nhằm tiếp tục hỗ trợ đầu tư để hình thành bến du lịch đường thủy, điểm dừng chân tại khu vực dự án Golden Hills City, Golden Hills City mở rộng.
Sở Du lịch cho rằng hiện tại việc đầu tư để hình thành các tuyến du lịch đường thủy nội địa vẫn còn hạn chế, chưa đồng bộ, thiếu phương tiện tàu thuyền, cơ sở hạ tầng bến bãi, thiếu các dịch vụ kết nối dọc tuyến sông… Do đó, thành phố đang tập trung thu hút đầu tư, tập trung đẩy mạnh hoạt động du lịch.
Nguồn: https://tuoitre.vn/khi-nao-danh-thuc-tiem-nang-du-lich-doc-song-cu-de-o-da-nang-20240902161210077.htm