Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, lưu ý thí sinh cần nắm một số mốc thời gian quan trọng sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó có thời gian công bố kết quả thi và xét tuyển.
“Đầu tiên, theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, 8 giờ ngày 17.7 thí sinh sẽ biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Tiếp đó, các trường THPT sẽ tổ chức xét công nhận tốt nghiệp chậm nhất vào ngày 19.7, công bố kết quả thi chậm nhất vào 2 ngày sau đó và gửi giấy chứng nhận kết quả thi này thời hạn cuối vào ngày 23.7. Như vậy, các em sẽ nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời trước ngày 23.7”.
Đối với việc xét tuyển ĐH, thạc sĩ Dung cho biết thí sinh cần lưu ý về mốc thời gian đăng ký nguyện vọng và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đợt 1 trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT là từ ngày 18.7 đến 17 giờ ngày 30.7. Thí sinh sẽ tiến hành nộp lệ phí xét tuyển bằng hình thức trực tuyến theo hướng dẫn từ ngày 31.7 đến 17 giờ ngày 6.8.
Sau đó, các thí sinh trúng tuyển hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống chung chậm nhất 17 giờ ngày 27.8.
“Theo xu hướng chung, năm nay có rất nhiều trường ĐH tổ chức xét tuyển sớm và nhiều thí sinh đã nhận được kết quả trúng tuyển sớm tại các trường. Thêm lưu ý quan trọng, đó là những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm bắt buộc phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đợt 1 của mình trên hệ thống chung từ ngày 18.7 đến 17 giờ ngày 30.7, thạc sĩ Xuân Dung nhấn mạnh.
Mặc dù số lượng nguyện vọng đăng ký là không giới hạn, nhưng thí sinh chỉ được trúng tuyển vào một nguyện vọng, do đó thạc sĩ Xuân Dung đưa ra lời khuyên thí sinh cần sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp để đảm bảo cơ hội trúng tuyển. Đối với nguyện vọng thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm theo thông báo của trường ĐH, nếu đưa lên thành nguyện vọng 1 trên hệ thống thì khả năng trúng tuyển gần như chắc chắn.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cũng nhắc thí sinh cần ghi nhớ 4 mốc thời gian cực kỳ quan trọng gồm: đăng ký nguyện vọng, điều chỉnh nguyện vọng, xác nhận nhập học và đóng lệ phí nhập học.
“Nếu không thực hiện đúng theo 4 mốc thời gian trên, các em sẽ bị mất cơ hội trúng tuyển và phải đợi đợt xét tuyển bổ sung. Đặc biệt khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, nếu thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm vào ngành, trường mình mong muốn, chỉ cần đăng ký nguyện vọng 1 là ngành, trường đó lên hệ thống thì chắc chắn sẽ trúng tuyển”, tiến sĩ Khả cho hay.
Trong trường hợp nếu vẫn muốn tiếp tục đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các trường ở phương thức này (chỉ tiêu, điểm sàn…), đồng thời tham khảo điểm chuẩn các năm trước để có sự lựa chọn phù hợp.
Nguồn: https://thanhnien.vn/khi-nao-cong-bo-ket-qua-thi-va-dang-ky-nguyen-vong-tren-he-thong-185240629132805446.htm