Nhằm thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các Đề án của Chính phủ (Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công); nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn chính thức, góp phần giảm thiểu tín dụng đen…, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với đầu mối là Vụ Truyền thông liên tục có những phương thức giáo dục tài chính cho mọi đối tượng đầy sáng tạo trong thời gian qua.

Chia sẻ tại Toạ đàm “Giáo dục tài chính cho sinh viên” trong khuôn khổ chuỗi sự kiện truyền thông giáo dục tài chính năm 2024 với chủ đề “Đồng tiền thông thái” diễn ra tại Học viện Ngân hàng ngày 2/10, bà Lê Thị Thuý Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, cho biết giáo dục tài chính là vấn đề được các quốc gia quan tâm, bởi từ đây có thể thay đổi nhận thức, hành vi, tạo thói quen tài chính tốt cho cộng đồng, qua đó giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính.

“Giới trẻ là nhân tố quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen trong việc sử dụng tài chính. Khi tạo ra một cộng đồng tài chính tốt đẹp hơn sẽ góp phần thực hiện một xã hội văn minh trong sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng”, bà Lê Thị Thuý Sen nói.

Bên cạnh việc thực hiện Chiến lược tài chính quốc gia, NHNN còn thực hiện các đề án của Chính phủ, như Đề án thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Đề án thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, hay Đề án tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính,… Những đề án này có nhiều nội hàm khác nhau, nhưng truyền thông giáo dục tài chính là một trong những trụ cột góp phần thực hiện các chiến lược quốc gia cũng như các đề án đó.

Vụ trưởng Vụ Truyền thông, cho biết điều khó nhất là làm sao biến những kiến thức chuyên sâu về tài chính trở thành những bài học dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hành. 

“Chúng tôi luôn trăn trở làm sao để truyền tải một cách dễ hiểu, dễ nhớ. Ví dụ như mối quan hệ giữa lãi suất, tỷ giá, lạm phát,… Hoặc việc phân biệt giữa tiền pháp định và tiền ảo, một khi đã hiểu được rằng tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam công nhận thì sẽ có những hành động đúng đắn, nhưng nếu không có kiến thức mà chạy theo phong trào sẽ dẫn đến rủi ro”, bà Sen nói.

Toạ đàm HVNH.jpg
Toạ đàm Giáo dục tài chính cho sinh viên tại HVNH ngày 2/10. Ảnh: BTC

Một kỷ niệm vui được bà Thuý Sen nhắc đến là khi chia sẻ các khái niệm về lãi suất với những thuật ngữ như “lãi suất ngắn hạn, lãi suất trung và dài hạn, lãi suất qua đêm”, một người nghe đã phản ứng: “tôi chỉ trả lãi suất ban ngày, không trả lãi suất ban đêm đâu.” 

“Câu chuyện ở đây là trong lĩnh vực ngân hàng có rất nhiều kiến thức chuyên sâu, làm thế nào để người dân hiểu được cũng là điều khiến chúng tôi trăn trở”, bà Thuý Sen nói.

Theo PGS, TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc phụ trách Ban Giám đốc Học viện Ngân hàng, giáo dục tài chính là một trong những trụ cột quan trọng của Chiến lược phát triển tài chính quốc gia. Đối với giáo dục tài chính sẽ hướng đến rất nhiều đối tượng khác nhau, nhưng đối tượng thanh niên, sinh viên là những người tiếp thu nhanh và nắm vững kiến thức về giáo dục tài chính sẽ giúp lan toả tri thức của mình về tài chính tới những người xung quanh, tới gia đình, bạn bè và xã hội.

“Với một xã hội có kiến thức tài chính ở mức độ cao, chắc chắn xã hội đó sẽ phát triển”, PGS-TS. Phạm Thị Hoàng Anh nói, đồng thời cho hay năm học 2024-2025, Học viện Ngân hàng mở thêm chương trình đào tạo mới có tên gọi Tư vấn và hoạch định tài chính cá nhân. Môn học này nhằm mục tiêu giáo dục tài chính cho các sinh viên.

Chia sẻ tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Thúy Giang – Chuyên gia Phát triển sản phẩm, Khối Ngân hàng Bán lẻ, Ngân hàng SHB thông tin, tính đến hết năm 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, khoảng hơn 80% người trưởng thành có tài khoản thanh toán, trong đó có 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động.

Số lượng giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng lên tới 130 triệu giao dịch, với tổng giá trị là 198,24 triệu tỷ đồng. Bình quân hệ thống xử lý hơn 789 nghìn tỷ đồng/ngày, một con số rất ấn tượng chỉ sau 3 năm triển khai thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). “Không thể phủ nhận, TTKDTM rất tiện lợi, đi mua rau hay đi trà đá cũng có thể quẹt mã QR để chuyển khoản mà không cần mang theo tiền mặt bên người. Bản thân tôi từ rất lâu rồi trong ví không có tiền mặt, đi đâu cũng giơ điện thoại lên là xong”, bà Nguyễn Thị Thuý Giang nói.

Đại diện của Ngân hàng SHB cho biết, song song với dịch vụ phát triển mạnh mẽ, người dùng cũng phải đối mặt với các rủi ro khi sử dụng các dịch vụ TTKDTM, đặc biệt trong thời gian gần đây, tội phạm ngày càng tinh vi. Bà Giang thống kê một số thủ đoạn lừa đảo phổ biến hiện nay như: Mạo danh cơ quan nhà nước, cơ quan chức năng, ngân hàng, người thân; Lừa đảo mua bán hàng qua mạng thông qua các trang web giả mạo các sàn TMĐT hoặc rao bán các sản phẩm, dịch vụ qua mạng để lừa chuyển tiền…

“Tội phạm rất tinh vi, nói chuyện ngon ngọt khiến người nghe tưởng thật. Nên khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi của người lạ, hay yêu cầu click vào các link lạ (không có hình ổ khóa) thì chúng ta phải cảnh giác, thực sự tỉnh táo”, bà Nguyễn Thị Thuý Giang chia sẻ.

Thành công bất ngờ từ truyện tranh dành cho mọi lứa tuổi

Bà Lê Thị Thuý Sen là tác giả cuốn sách “Khéo khôn với tiền, tránh những ưu phiền”, một cuốn sách được viết dưới dạng truyện tranh nhưng có nội dung phù hợp với mọi đối tượng độc giả. Được NXB Kim Đồng xuất bản năm 2023, ngay lập tức cuốn sách đã trở thành một hiện tượng trong ngành xuất bản và được gắn với tên gọi “best seller”. 

W-Bà Lê Thị Thuý Sen ký sách.jpg
Tác giả Lê Thị Thuý Sen ký tặng độc giả cuốn sách “Khéo khôn với tiền, tránh những ưu phiền”. Ảnh: BTC

Được biết, cuốn sách sẽ được NXB Kim Đồng tái bản vào những ngày tới. Điều này cho thấy sự sáng tạo trong giáo dục tài chính sẽ biến những kiến thức khô khan trở nên dễ hiểu, dễ nhớ thông qua những mẩu truyện tranh.

Bà Thuý Sen chia sẻ: “Khi viết cuốn sách này, tôi chỉ nghĩ làm sao thực hiện một cách chỉn chu nhất, để các kiến thức trở nên đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu nhất. Cuối cùng tôi đã lựa chọn để cuốn sách có chiều sâu hơn thông qua những mẩu chuyện về tình yêu quê hương, đất nước, lòng nhân ái,… được lồng ghép các kiến thức tài chính. Đó là điều tôi mong muốn truyền tải kiến thức về tài chính cùng thông điệp nhân văn trong cuộc sống, có lẽ cũng vì điều đó mà cuốn sách được xã hội đón nhận.”

Điều bất ngờ là cuốn sách này đang được lan toả tới độc giả các nước châu Á sau khi được Quỹ Hợp tác quốc tế các ngân hàng tiết kiệm Đức giới thiệu trên website tại châu Á của tổ chức này. 

Đại diện của Quỹ, bà Anna Szalwicki, Phó điều phối viên khu vực Đông Nam Á, cho biết tổ chức luôn tìm kiếm những nguồn học liệu mang tính thú vị và có tính tương tác cao. 

“Khéo khôn với tiền, tránh những ưu phiền” là một cuốn sách khiến cho độc giả học mà không biết mình đang học. Chúng tôi rất vui khi sử dụng cuốn sách này để giới thiệu đến với các độc giả châu Á để họ có cái nhìn rõ hơn về tài chính toàn diện”, bà Anna Szalwicki nói.