Trung tâm khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp tăng xuất khẩu khí đốt Nga qua đường ống và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tới Liên minh châu Âu (EU).
Đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ dẫn khí đốt Nga tới một số nước châu Âu. (Nguồn: Hungary Today) |
Thông tin trên được ông Alexander Amiragyan, Giám đốc Trung tâm Kinh tế ngành nhiên liệu và năng lượng thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Nga trao đổi với với hãng tin Sputnik.
Tháng 10/2022, sau các vụ nổ ở đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 (Nord Stream 1, 2), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra ý tưởng chuyển khối lượng vận chuyển khí đốt bị mất của Nga sang khu vực Biển Đen.
Theo ông Putin, có thể xây dựng một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ – nơi sẽ trở thành cơ sở để xuất khẩu sang các nước khác chủ yếu là châu Âu.
Ông Alexander Amiragyan nhận định: “Việc lập ra một trung tâm như vậy sẽ giúp Moscow xuất khẩu thêm khí đốt qua đường ống và LNG sang Ankara và châu Âu.
Điều này đồng thời cho phép duy trì khối lượng cung cấp khí đốt hiện tại qua Thổ Nhĩ Kỳ đến châu Âu – nơi Nga có hợp đồng dài hạn với Bulgaria, Serbia, Hungary, Bosnia và Herzegovina, Hy Lạp, Bắc Macedonia, Romania”.
Tuy nhiên, vì lý do chính trị, châu Âu có thể dần dần tái định hướng sang các nhà cung cấp thay thế, chủ yếu là do sự gia tăng nguồn cung LNG cho các quốc gia ven biển trong khu vực và nguồn cung cấp khí đốt bổ sung theo mạng lưới.
“Trung tâm có thể vô hiệu hóa việc định danh nguồn khí đốt bán ra. Điều này có nghĩa là về mặt thực tế, khí đốt có thể đến từ Nga, nhưng về mặt pháp lý, nó sẽ được mua tại trung tâm và nguồn gốc của nó không có ý nghĩa gì đối với người mua”, ông Amiragyan giải thích.
Ông nói thêm, Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom không chỉ có thể duy trì mà còn có khả năng tăng cường việc bơm khí đốt.
Hiện có hai hệ thống đường ống dẫn khí đi từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ là Dòng chảy Xanh (BlueStream) và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Stream). Công suất thiết kế của Blue Stream là 16 tỷ m3, còn của Turkish Stream là 31,5 tỷ m3. Cả hai đường ống này đều chưa sử dụng hết công suất.
“Nga đã xuất khẩu khoảng 34 tỷ m3 qua các đường ống dẫn khí này sang Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu vào năm 2022. Nếu có các lệnh trừng phạt áp đặt đối với LNG của Nga ở châu Âu, Trung tâm này có thể trở thành một giải pháp góp phần để chuyển hướng các tuyến cung cấp”, Giám đốc Trung tâm Kinh tế ngành nhiên liệu và năng lượng nêu quan điểm.