Bức tranh thương mại toàn cầu kém lạc quan, Gazprom của Nga lập kỷ lục lịch sử mới về cung cấp khí đốt trong ngày, doanh số bán lẻ Mỹ tăng vượt kỳ vọng, Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Ngày 12/1, Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom lập kỷ lục lịch sử mới về cung cấp khí đốt trong ngày qua Hệ thống cung cấp khí đốt thống nhất quốc gia, phá vỡ kỷ lục gần 10 năm trước. (Nguồn: Getty) |
Kinh tế thế giới
Thương mại toàn cầu 2024 kém lạc quan hơn do căng thẳng ở Biển Đỏ
Ngày 17/1, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala nhận định, thương mại toàn cầu năm 2024 kém lạc quan hơn do tác động của tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ.
Phát biểu với các phóng viên tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra ở Davos, Thụy Sỹ, lãnh đạo WTO cho biết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn, các căng thẳng địa chính trị xấu đi, tình hình gián đoạn mới phát sinh ở Biển Đỏ, kênh đào Suez, kênh đào Panama khiến bức tranh thương mại toàn cầu kém lạc quan hơn.
Trước khi xung đột Hamas-Israel nổ ra vào tháng 10/2023, WTO dự báo thương mại toàn cầu tăng trưởng 0,8% trong năm 2023 và 3,3% trong năm 2024. Tuy nhiên, trong phát biểu mới, bà Okonjo-Iweala cảnh báo tốc độ tăng trưởng của năm 2024 có thể sẽ thấp hơn.
WTO nhận thấy có nhiều nguy cơ có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2024 so với các dự báo trước đó. Cơ quan này sẽ đánh giá lại và điều chỉnh dự báo trong tối thiểu là hơn 1 tháng nữa.
Lực lượng Houthi ở Yemen đã tấn công các tàu hàng trên Biển Đỏ, làm gián đoạn tuyến vận tải biển quan trọng này trong khi lưu thông qua kênh đào Panama cũng gặp nhiều khó khăn do hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều năm khiến mực nước xuống thấp buộc nhà chức trách phải điều độ giảm lưu lượng tàu thuyền qua lại. Lực lượng Houthi thông báo thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các tàu chở hàng liên quan Israel để bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine ở Dải Gaza và sẽ không dừng lại nếu Israel vẫn tiếp tục chiến dịch quân sự ở dải đất này.
Kinh tế Mỹ
*Theo báo cáo được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 17/1, doanh số bán lẻ của nước này đã tăng vượt kỳ vọng trong tháng 12/2023, khiến các nhà kinh tế nâng cao ước tính tăng trưởng kinh tế trong quý IV.
Doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng 0,6% trong tháng 12/2023, sau khi tăng 0,3% tháng 11, cao hơn mức dự báo tăng 0,4% được các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) đưa ra trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán lẻ đã tăng 5,6% trong tháng 12/2023.
Doanh số bán lẻ cốt lõi trong tháng 11 cũng được điều chỉnh cao hơn với mức tăng 0,5%, thay vì 0,4% như báo cáo trước đó.
Các nhà kinh tế dự báo chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 66% hoạt động kinh tế của Mỹ, có thể sẽ tăng trưởng 2,7% trong quý IV, cao hơn mức dự báo 2,0% được đưa ra trước đó.
*Theo báo cáo khảo sát Beige Book được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố ngày 17/1, hoạt động kinh tế của nước này tiếp tục giữ vững sự ổn định trong những tuần gần đây, nhờ vào chi tiêu tiêu dùng giúp bù đắp cho sự yếu kém trong các lĩnh vực khác như sản xuất.
Báo cáo cho biết chi tiêu tiêu dùng trong dịp nghỉ lễ cuối năm đã đáp ứng kỳ vọng ở hầu hết các khu vực Fed khảo sát, trong đó có 3 khu vực, bao gồm New York, vượt kỳ vọng. Phần lớn các khu vực, Fed báo cáo có ít hoặc không có thay đổi trong hoạt động kinh tế, trong khi các doanh nghiệp ngày càng lạc quan về triển vọng tương lai.
Kinh tế Trung Quốc
*Số liệu chính thức được công bố ngày 17/1 cho thấy, kinh tế Trung Quốc đã tăng 5,2% trong quý IV/2023, thấp hơn đôi chút so với dự đoán của giới phân tích nhưng vẫn đủ để giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.
So với quý III/2023, kinh tế Trung Quốc tăng 1% trong quý IV/2023, nhưng thấp hơn mức tăng đã được điều chỉnh 1,5% trong quý trước đó.
* Sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong năm 2023 đạt mức kỷ lục, cao hơn 9,3% so với một năm trước đó, trong bối cảnh các nhà máy lọc dầu mới của nước này đã được đưa vào hoạt động, để tăng sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu nhiêu liệu phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Dữ liệu do Cục Thống kê quốc gia (NBS) Trung Quốc, phát hành ngày 17/1, cho thấy các nhà máy lọc dầu đã xử lý 734,8 triệu tấn dầu thô vào năm ngoái, tương đương 14,7 triệu thùng dầu/ngày. Con số này cao hơn đáng kể so với mức xử lý 13,5 triệu thùng dầu/ngày của năm 2022, khi sản lượng chế biến dầu tại Trung Quốc lần đầu tiên giảm sau hai thập kỷ gia tăng liên tiếp.
Kinh tế châu Âu
* Ngày 16/1, Cơ quan sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO) nhận định, hàng giả, chủ yếu là quần áo, gây thiệt hại cho nền kinh tế lục địa này 16 tỷ Euro (17,4 tỷ USD) mỗi năm và làm mất gần 200.000 việc làm. Đánh giá dựa trên số liệu từ năm 2018 đến năm 2021, cho thấy hàng giả gây thiệt hại lớn đối với lĩnh vực may mặc, ước tính 12 tỷ Euro hằng năm, tức 5,2% tổng doanh thu. Thiệt hại đối với ngành mỹ phẩm là 3 tỷ Euro và đối với ngành đồ chơi là 1 tỷ Euro.
Đánh giá dựa trên số hàng hóa bị cảnh sát tịch thu và tỷ lệ người châu Âu thừa nhận đã mua hàng giả tại mỗi nước trong khối.
* Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cho biết, ngày 12/1 đã lập kỷ lục lịch sử mới về cung cấp khí đốt trong ngày qua Hệ thống cung cấp khí đốt thống nhất quốc gia, phá vỡ kỷ lục gần 10 năm trước.
Thông cáo của Gazprom cho biết, ngày 12/1, 1.788,3 triệu m3 khí đốt đã được cung cấp cho người tiêu dùng Nga, kỷ lục lịch sử về nguồn cung hàng ngày thông qua Hệ thống cung cấp khí đốt thống nhất. Mức được ghi nhận gần 10 năm trước vào ngày 30/1/2014 là 1.786,8 triệu m3 khí đốt.
*Hiệp hội các nhà điều hành tour du lịch Nga (ATOR) cho biết, số lượng các nước mà người dân LB Nga có thể đến bằng các chuyến bay thẳng từ Nga đã tăng vào tháng 12/2023 so với cùng kỳ năm ngoái lên 40 nước, tương đương 25%.
Các hãng hàng không Nga và nước ngoài có kế hoạch khai thác các chuyến bay thẳng từ LB Nga đến 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trong năm 2024. Một năm trước đó, chỉ có 32 quốc gia trong danh sách này.
*Báo cáo thống kê sơ bộ của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) cho biết, trong năm 2023, nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái nhẹ. Số liệu của Destatis cho thấy, năm 2023, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đã giảm 0,3% so với năm 2022.
Như vậy, sau năm đầu tiên đại dịch Covid-19 bùng phát (năm 2020), đây là lần suy giảm thứ hai của nền kinh tế Đức trong thập niên này. Tỷ lệ lạm phát cao, lãi suất tăng và nền kinh tế toàn cầu suy yếu là những nguyên nhân chính khiến kinh tế Đức suy giảm.
Triển vọng tăng trưởng trong năm mới vẫn còn mù mịt. Nhà kinh tế trưởng Jörg Krämer của ngân hàng Commerzbank dự báo kinh tế Đức sẽ tiếp tục suy giảm 0,3% trong năm 2024.
*Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) ngày 17/1 cho hay, lạm phát của nước này bất ngờ tăng trong tháng 12/2023, làm tiêu tan kỳ vọng về sự chậm lại của đà tăng giá cả.
Báo cáo trên đồng thời làm giảm khả năng Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sớm cắt giảm lãi suất và kéo dài thời gian của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trước cuộc tổng tuyển cử.
ONS cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh tăng nhẹ lên 4% trong tháng 12 vừa qua, đánh dấu đợt tăng của CPI đầu tiên kể từ tháng 2/2023. Con số này cao gấp đôi mục tiêu chính thức của BoE là 2% và là mức cao nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
*Ngày 17/1, Tổ chức Du lịch quốc gia của Nhật Bản (JNTO) cho biết, lượng khách du lịch nước ngoài tới nước này đã tăng lên mức 25,06 triệu lượt người trong năm 2023.
Theo JNTO, riêng trong tháng 12 vừa qua, lượng khách nước ngoài đến Nhật Bản vì mục đích công việc và giải trí đã lên tới 2,73 triệu lượt, tăng vọt so với mức 2,44 triệu lượt người ghi nhận vào tháng trước đó. Đây là mức du khách tới thăm Nhật Bản vào tháng cuối cùng của năm cao nhất trong lịch sử, thậm chí lớn hơn 8% so với mức từng ghi nhận trước đại dịch Covid-19 hồi năm 2019.
Nhiều chuyên gia dự đoán số du khách tới đất nước Mặt trời mọc trong năm nay có thể xô đổ kỷ lục 31,9 triệu lượt người từng ghi nhận vào năm 2019.
* Theo hãng Reuters ngày 16/1, Nippon Yusen, hãng vận chuyển lớn nhất của Nhật Bản, thông báo đã ngừng tất cả các chuyến tàu của hãng này đi qua Biển Đỏ, đồng thời chỉ đạo các tàu thuyền của hãng gần Biển Đỏ chờ đợi ở khu vực an toàn và xem xét việc thay đổi tuyến đường.
*Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc ngày 17/1 cho biết, xuất khẩu thực phẩm và nông sản của nước này đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023 nhờ sự phổ biến rộng rãi của văn hóa ẩm thực Hàn Quốc K-Food.
Thống kê cho thấy, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản và thực phẩm liên quan đạt 9,16 tỷ USD trong năm 2023, tăng 3% so với năm trước đó. Xuất khẩu nông sản và các mặt hàng thực phẩm liên quan tăng ổn định trong những năm gần đây từ 6,1 tỷ USD năm 2015 lên 7,3 tỷ USD năm 2019.
*Ngày 16/1, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok cho hay, chính phủ nước này sẽ chi hơn 65% ngân sách tài chính năm 2024 trong nửa đầu năm nay nhằm thúc đẩy nhu cầu và cải thiện sinh kế của người dân.
Trong ngân sách 656,62 nghìn tỷ Won (493,32 tỷ USD) năm nay, chi tiêu trong nửa đầu năm ước tính là 426,8 nghìn tỷ Won. Đây sẽ là số tiền cao nhất được quản lý trong bất kỳ khoảng thời gian từ tháng 1-6 của năm tương ứng.
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
*Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Andi Amran Sulaiman ngày 16/1 khẳng định, chính phủ sẽ tăng ngân sách thêm 14.000 tỷ Rupiah (khoảng 900 triệu USD) để trợ cấp phân bón cho nông dân cả nước.
Người dân sẽ được đảm bảo có đầy đủ nguồn giống, cây giống, phân bón để hỗ trợ phát triển các hoạt động nông nghiệp, đặc biệt là ở các khu vực sản xuất lương thực trọng tâm của quốc gia.
*Ngày 16/1, tại Đại học Putra Malaysia, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim phát động Chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) cho người dân, được thực hiện thông qua Bộ Kinh tế với sự hợp tác của Intel Malaysia.
Chương trình là một sáng kiến khác của chính phủ nhằm thu hẹp khoảng cách về trình độ kỹ thuật số của người Malaysia.
* Tờ Vientiane Times số ra ngày 17/1 đưa tin, Lào và Campuchia sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng trong thời gian tới. Đây là nội dung đã được thảo luận khi Bộ trưởng Mỏ và Năng lượng Campuchia Keo Rattanak đến chào xã giao Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone trong chuyến thăm nước này vừa qua.
Theo báo trên, để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở trong nước, Campuchia đang nhập khẩu khoảng 25% nhu cầu năng lượng từ Lào, Thái Lan và Việt Nam, hiện nước này đang nhập khẩu 445 MW điện từ Lào và dự kiến con số này sẽ lên tới 6.000 MW vào năm 2030.
Đầu năm 2023, một đường dây truyền tải 500 kilovolt dài hơn 200 km đã được lắp đặt để nối trạm biến áp điện ở tỉnh Champassak, Nam Lào với khu vực biên giới Campuchia, đây là bước tiến quan trọng trong kế hoạch xuất khẩu điện của Lào sang các nước láng giềng, đặc biệt là Campuchia.
Dự báo, đến năm 2030, Lào có thể sản xuất thêm được khoảng 5.559 MW, trong đó, khoảng 77,59% đến từ thủy điện, lượng còn lại đến từ điện Mặt trời, điện gió và điện than.