Nghĩ cũng phải thôi, bởi tên đất hay địa danh gắn với biết bao nhiêu tình cảm, tri thức, truyền thống của nhiều lớp người của một địa phương nào đó.
Cứ thử đặt mình vào trường hợp tên địa phương vốn thân thương bỗng dưng không còn được dùng nữa, không được gọi lên nữa, sẽ dễ cảm thông. Hai địa phương hợp nhất thành một, ắt nảy sinh yêu cầu định danh cho địa phương hợp nhất đó, lấy tên gì, lấy một tên bỏ một tên, hay ghép hai tên lại với nhau, như trường hợp hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu tỉnh Nghệ An, lấy Quỳnh Đôi hay Quỳnh Hậu, hay máy móc ghép là “Đôi Hậu”. Quả là rất đau đầu và khiến sự tranh luận nảy sinh là điều tất yếu.
Trước tiên xin khẳng định rằng, hoạch định đơn vị hành chính và đi kèm với nó là đặt tên đơn vị hành chính xưa nay thuộc thẩm quyền của nhà quản lý. Khác với địa danh dân gian (popular toponyms/ folk names) do công chúng tự đặt, đây là loại địa danh chính thống (official toponyms), phải do nhà nước quyết định, và chỉ một tên duy nhất cho một thực thể hành chính.
Thời phong kiến, tên một thực thể đơn vị hành chính được chính quyền phong kiến ấn định (embed), tất nhiên trên cơ sở tính toán của các trí thức Nho học, dùng phép lựa chọn mà người ta cho là tối ưu. Khoa học địa danh (toponymy) trên thế giới có ý niệm quyền định danh (naming-rights) và trong trường hợp này người ta coi là thuộc vào quyền lực nhà nước (power). Nhưng trong thể chế dân chủ, người dân cũng được tham gia ý kiến vào quyền định danh ấy, là việc mà ta đang xúc tiến.
Vấn đề quả là khó nghĩ khi ta phải lựa chọn một địa danh phù hợp cho đơn vị hành chính mới. Bởi về mặt khách quan, bản thân vấn đề là không đơn giản. Và cũng bởi về mặt chủ quan là khoa địa danh học ở nước ta còn sơ khai, về cơ bản chưa kết nối với thế giới, như chính một số nhà nghiên cứu địa danh và ngữ học đã thừa nhận. Nếu khoa học địa danh phát triển, sẽ giúp ích rất nhiều cho chính quyền và nhân dân trong việc xác định địa danh được lựa chọn một cách tối ưu. Chẳng hạn trong tranh luận về địa danh Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu nói trên, chưa thấy bóng dáng người nghiên cứu địa danh học ở đâu.
Tôi sực nhớ đến ý kiến của Bahram Amirahmadian, Phó Giáo sư ngành Nghiên cứu Thế giới, Đại học Tehran (Iran), Trưởng nhóm địa danh lịch sử, Ủy ban Tiêu chuẩn hóa Địa danh Iran (ICSGN), Trung tâm Đồ bản Quốc gia Iran (NCC), tại phiên họp thứ 25 Nhóm chuyên viên Liên Hợp Quốc về Tên địa lý (UNGEGN) tổ chức tại Nairobi (Kenya) năm 1997.
Ông cho rằng các địa danh đã có trong quá khứ đều thuộc về lịch sử (khác với địa danh mới khởi tạo thời đương đại). Ông viết: “Tên địa lý (địa danh) nhất là đối với những ai tựa vào cái nền lịch sử, rất quan trọng trong lịch sử và văn hóa của bất cứ quốc gia nào… Chúng thuộc về lịch sử và văn minh của quốc gia ấy. Bởi vậy người ta nên bảo tồn các địa danh này như một phần của lịch sử và di sản văn hóa.” (a cultural heritage). Thậm chí Bahram còn khuyến cáo chớ có ý muốn thay đổi tên địa danh dù chưa hiểu rõ ý nghĩa lịch sử của chúng.
Tất nhiên không phải địa danh nào cũng là di sản văn hóa, địa danh càng cổ thì chúng càng có giá trị vì gắn với bao thế hệ, bao biến chuyển của đời sống, bao sự kiện lịch sử. Sẽ rất khó hình dung sẽ như thế nào nếu giả dụ các địa danh quan trọng trong nước bỗng dưng biến mất. Khi đã xác định địa danh là di sản văn hóa thì ta phải ứng xử nó như ứng xử với các di sản văn hóa khác. Hoạch định đơn vị hành chính, cũng như xác định địa danh cho nó, là việc rất hệ trọng. Trộm nghĩ các cơ quan chức năng nên có những cuộc hội thảo với sự tham gia của nhiều ngành khoa học khác nhau về vấn đề này để giúp ích không chỉ cho hôm nay mà còn mãi về sau.
Về lâu dài cũng cần có sự tham gia của những người nghiên cứu địa danh với vai trò tư vấn, thẩm định và phản biện khi có nhu cầu định danh.