Khi chiếc mũ quá rộng với đầu

0
37
Khi chiếc mũ quá rộng với đầu


Học sinh bây giờ được điểm 8 coi như… thất bại, đặc biệt là học sinh tiểu học. Với học sinh THCS và THPT, con số đó là điểm 7. Cũng vì thế, xuất hiện trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội, hay bất kỳ đâu, rất hiếm học sinh không phải là… học sinh giỏi. 

Những năm 2000 trở về trước hay các nền giáo dục tiến bộ, tìm được học sinh có kết quả xếp loại học sinh giỏi, học sinh xuất sắc rất khó, rất ít lớp, ít trường có tỷ lệ trên 10%. Còn lại đa số là học sinh khá, trung bình. Thậm chí được xếp loại học khá đã là một niềm vinh dự. Còn bây giờ, cũng con số đó, tỷ lệ đó, chỉ khác là học sinh giỏi, xuất sắc chiếm đa số và rất hiếm học sinh khá, học sinh trung bình.

Một bộ phận phụ huynh rất vui với điểm số đạt được của con em mình, một bộ phận giáo viên vui mừng với kết quả học trò của mình đạt được. Thế nhưng, đó là một bộ phận, không phải tất cả. Ai tâm huyết thật sự với ngành giáo dục đều có cảm giác bất an với điều đó.

Nhìn lại chương trình giáo dục qua các thời kỳ, hầu hết những lần cải tiến đều được đánh giá là “cải lui”, mỗi lần đổi mới là thêm một lần bị kêu chương trình nặng. Chương trình giáo dục trước kia được đánh giá là khá đơn giản, vừa sức, nhưng học sinh rất khó được điểm 9, điểm 10, nếu môn nào bình quân trên 8 điểm đã được xem như siêu sao, được đưa vào các đội tuyển thi học sinh giỏi… Còn điểm trung bình chung tất cả các môn trong một năm học trên 8 điểm là vô cùng hiếm, hầu hết là đầu 6, 7… Và trường càng có tiếng chất lượng giáo dục cao, càng là lớp chọn, lớp chất lượng cao, thì được điểm cao càng khó.

Chương trình giáo dục hiện nay, chuyên gia, nhà giáo, phụ huynh nào cũng kêu trời vì quá nặng, quá sức của học sinh, yêu cầu cao, yêu cầu ngày một toàn diện hơn và ai cũng muốn giảm tải. Thế nhưng điểm số thì ngược lại so với trước kia, chủ yếu là điểm 10, điểm 9, rất hiếm điểm 6, điểm 7, điểm 8.

Điểm số đẹp không tì vết như vậy, phải chăng học sinh bây giờ học giỏi hơn? Không ít giáo viên đã chia sẻ áp lực, với họ, nhiều lúc không phải vì công việc trên bục giảng, vì học trò không ngoan, mà bởi ban giám hiệu không chấp nhận có học sinh học kém, học sinh lưu ban, nếu học sinh học kém, lỗi do thầy cô kém chứ không phải học sinh kém… Đặc biệt, khi xét học bạ trở thành một phương thức tuyển sinh đại học, áp lực này càng lớn hơn. Vì thế, tại rất nhiều trường, rất nhiều nơi, học sinh THPT, lớp 12 có tỷ lệ 100% là học sinh giỏi, xuất sắc.

Đó là sự bất thường trong nền giáo dục hiện nay. Sự bất thường ấy đã và đang tạo ra sự bất an vô hình cực lớn. Đầu tiên là sự bất an với xã hội, khi niềm tin vào nhà trường, vào ngành giáo dục bị lung lay dữ dội. Sự bất an với cả người chấm ra các điểm số đó, nếu họ là những nhà giáo thực thụ và có tâm. Với bậc phụ huynh, điểm số đẹp ấy cũng không làm cho họ cảm thấy hài lòng, thay vào đó là nỗi lo không biết năng lực thực sự của con em mình ra sao. Và cũng như các lĩnh vực khác trong đời sống, với nhiều học sinh, những điểm số xuất sắc ấy không mang lại cho các em sự tự hào, thậm chí với nhiều em còn là sự xấu hổ khi đội lên đầu một chiếc mũ quá rộng với mình.





Source link