Mắc ung thư đại tràng từ nhiều năm nay, bà Hoàng Oanh (54 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) phải vào Bệnh viện Ung bướu TP.HCM điều trị nhiều lần. Nhớ lại những ngày đầu điều trị ở cơ sở cũ (quận Bình Thạnh) khoảng 4-5 năm trước, do cơ sở bệnh viện xuống cấp, chật hẹp, mỗi lần đi khám bệnh để vào thuốc là mỗi lần ám ảnh với bà.
Năm 2023, khi cơ sở mới của Bệnh viện Ung bướu (TP Thủ Đức) đưa vào hoạt động, bà Oanh và nhiều người khác đã được chuyển đến đây tiếp tục điều trị. Điều làm bà bất ngờ là cơ sở vật chất bệnh viện rất khang trang, rộng rãi, thoáng mát, tâm trạng người bệnh cũng thoải mái hơn.
Thay đổi góc nhìn về bệnh viện công
Bà Oanh cho biết thêm do nhà xa, mỗi lần đến bệnh viện phải ở lại điều trị cả tháng, số lượng bệnh nhân đông trong khi bệnh viện chật hẹp, nhất là vào mùa nắng nóng khiến cơ thể bà luôn “rệu rã” mỗi lần vô thuốc.
“Giờ thì tôi không ngờ bệnh viện khang trang, hiện đại như vậy, mặc dù là bệnh viện công nhưng không khác gì bệnh viện tư nhân, điều mà những người nghèo như tôi không bao giờ dám mơ tới.
Bệnh viện có chỗ ngồi chờ thoáng mát, khuôn viên rộng, các phòng khám bệnh khang trang, căng tin sạch sẽ, mỗi lần vô thuốc xong tôi ra khuôn viên ngồi hóng gió cũng khỏe lên.
Tôi mong sẽ có nhiều bệnh viện công thay đổi như thế này để người bệnh an tâm điều trị, nhất là những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”, bà Oanh nói.
Sinh con tại Bệnh viện 103 (Hà Nội) năm 2021 – khi dịch COVID-19 đang bùng phát tại Hà Nội, chị Hoa (31 tuổi, ngụ huyện Ứng Hòa, Hà Nội) không khỏi bất ngờ bởi dịch vụ chăm sóc tại bệnh viện.
Chị chia sẻ trước đó chị cũng dự định sinh tại bệnh viện tư nhân dù chi phí đắt đỏ nhưng sẽ được chăm sóc “từ A đến Z”. Nhưng sau khi tìm hiểu, xem phần thảo luận trên các hội nhóm từng sinh tại Bệnh viện 103 thì chị quyết định “quay xe”.
“Thật sự bất ngờ khi sinh tại bệnh viện công nhưng dịch vụ rất tốt. Bệnh viện sạch sẽ, bác sĩ và nhân viên y tế cũng rất nhẹ nhàng. Tôi nhớ nhất vào buổi sáng sau khi sinh, con gái không chịu ti bình. Lúc ấy, một bác sĩ đi buồng đã nhẫn nại ngồi lại, cho con gái tôi uống hết bình sữa” – chị nói.
Khi xuất viện, do chỉ có mẹ chăm sóc nên chị không thể tự thanh toán viện phí. Nhân viên y tế bệnh viện thông báo sẽ gửi các giấy tờ liên quan, cả giấy chứng sinh, viện phí về tận nhà. Hiện chị sắp sinh bé thứ hai và quyết định vẫn sẽ sinh tại bệnh viện này.
Chia sẻ về dịch vụ này, đại diện khoa sản Bệnh viện 103 cho hay trong bối cảnh dịch COVID-19, mọi người hạn chế đi lại nên nhân viên hỗ trợ tối đa việc thanh toán viện phí để sản phụ sau sinh đỡ tốn công đi lại nhiều. Hiện nay, bệnh viện vẫn hỗ trợ việc này cho sản phụ ở xa.
“Tại khoa khám sản phụ khoa, khi các mẹ đi đăng ký sinh, thông thường phải làm xét nghiệm máu, nước tiểu, đây là những xét nghiệm trả kết quả lâu hơn. Tránh để các thai phụ chờ lâu, bệnh viện cũng hỗ trợ trả kết quả, tư vấn online, các mẹ chỉ cần siêu âm, khám, lấy mẫu rồi về chứ không mất công chờ đợi”, vị này chia sẻ.
Chuyển mình mỗi ngày
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS.BS Diệp Bảo Tuấn – phó giám đốc điều hành, Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) – cho hay bệnh viện đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
Trong đó, bệnh viện đã phát triển kỹ thuật cao, từng bước tiệm cận với các nước trong khu vực và thế giới. Hằng năm cử hàng chục thầy thuốc tham dự các khóa huấn luyện, đào tạo trong và ngoài nước, từng bước làm chủ các kỹ thuật điều trị ung thư hiện đại.
Bên cạnh đó, hằng năm bệnh viện đều tổ chức các lớp tập huấn về giao tiếp ứng xử và yêu cầu 100% viên chức, người lao động tham dự.
Khi bệnh viện tiếp nhận cơ sở 2 tại TP Thủ Đức đã phát triển thêm nhiều dịch vụ tiện ích, hỗ trợ người bệnh, thân nhân khi đến khám và điều trị như hệ thống cửa hàng tiện lợi, sân chơi thiếu nhi dành cho bệnh nhi, sân thể thao dành cho bệnh nhân…
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, những năm gần đây cơ sở vật chất, hạng mục nhằm hỗ trợ người nhà, người bệnh cũng được bệnh viện đầu tư. Bệnh viện xây dựng khuôn viên cho người dân nghỉ chân, có căng tin, quầy hướng dẫn, siêu thị bệnh viện.
Bệnh viện còn bố trí máy sưởi ngoài trời cho người dân sưởi ấm vào mùa đông, giàn phun nước để hạ nhiệt mùa hè… nhằm phục vụ tốt nhất cho tất cả người dân khi đến đây thăm khám.
Bà Nguyễn Thị Lan (60 tuổi, ngụ tỉnh Nam Định) vừa khám nội tiết và đang ngồi nghỉ trong khuôn viên bày tỏ bệnh viện đã khác xưa rất nhiều.
“Tôi nhớ cách đây 10 năm bệnh viện không có chỗ ngồi đẹp cho bệnh nhân như bây giờ. Tại khu vực cổng bệnh viện cũng chưa có quầy nhân viên y tế hướng dẫn bệnh nhân. Trong bệnh viện cũng có quầy nước, căng tin sạch sẽ… tôi cũng không lo bị chặt chém khi ăn uống nữa”, bà Lan bày tỏ.
Tuy nhiên, bà Lan cũng cho rằng do khám Bảo hiểm y tế rất đông bệnh nhân nên phải chờ đợi lâu, nhân viên y tế tại các khoa phòng đôi khi còn chưa hướng dẫn nhiệt tình. “Tuy nhiên, cũng thông cảm phần nào vì lượng bệnh nhân đông vậy mà”, bà Lan nói.
Theo ông Đào Xuân Cơ, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, do đặc thù là bệnh viện tuyến cuối, hằng ngày số lượng người bệnh đến khám và điều trị rất lớn.
Những năm qua bệnh viện đã và đang từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bệnh viện đã đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Người bệnh muốn cải thiện thêm thái độ giao tiếp
Mặc dù nhiều bệnh viện đã có sự thay đổi tích cực, đặc biệt về cơ sở vật chất, cung cấp thêm nhiều dịch vụ giúp người bệnh đến thăm khám được thuận lợi hơn. Thái độ phục vụ của nhân viên y tế tại nhiều bệnh viện cũng đã tốt hơn.
Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng thái độ nhân viên y tế cần cải thiện hơn nữa, bởi dù bệnh viện có khám, chữa bệnh tốt đến đâu nhưng thái độ nhân viên y tế không tốt cũng sẽ khiến người dân không muốn tới bệnh viện công.
Từng đi khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện, chị H. (Hà Nội) chia sẻ từng có trải nghiệm không tốt khi đi khám BHYT. Chị kể hôm đó khi đưa mẹ đến bệnh viện, khi đến quầy hướng dẫn, nhân viên đã không hướng dẫn rõ, thậm chí còn có lời nói “khó nghe”, không đúng chuẩn mực.
“Tôi đã gọi đến đường dây nóng khiếu nại. Sau đó nhân viên đã xin lỗi gia đình. Tôi biết mọi người làm việc trong môi trường y tế áp lực khi hằng ngày tiếp xúc với nhiều người bệnh, cũng không phải người nhà bệnh nhân nào cũng “dễ chịu”. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà có thể có thái độ không tốt hay ăn nói “bề trên” với người dân”, chị H. bày tỏ.
Tại TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy đang triển khai và áp dụng mô hình giao tiếp “Chào – ai – thì – biết – ơn”, mô hình này được ứng dụng thành công tại các bệnh viện ở Mỹ trong hơn 10 năm qua, hy vọng gia tăng sự thấu cảm giữa nhân viên y tế và người bệnh, người nhà bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết ở Việt Nam, bệnh viện là đơn vị tiên phong áp dụng mô hình này. Mô hình được triển khai ở những bộ phận, khoa phòng cụ thể, đặc biệt ở những bộ phận cửa ngõ như khu bảo vệ, bãi giữ xe, phòng khám cấp cứu, những bộ phận tiếp nhận bệnh nhân ban đầu.
Người bệnh còn phàn nàn về thời gian làm thủ tục, chờ bác sĩ khám và nhập viện
Theo báo cáo về kết quả triển khai đề án “Đo lường chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ công tại các cơ quan sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022 – 2025” trong năm 2023, bên cạnh một số bệnh viện đáp ứng được nhu cầu của người bệnh, vẫn còn nhiều người bệnh than phiền khi đi khám bệnh.
Nguyên nhân thiếu nhà vệ sinh, thời gian chờ khám bệnh, chờ thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng còn lâu. Đặc biệt phải chờ lâu nhất là khi làm thủ tục nhập viện và chờ bác sĩ thăm khám tại khoa lâm sàng. Tiện ích căng tin, nhà tắm bệnh viện chưa đầy đủ…
Nguồn: https://tuoitre.vn/khi-benh-vien-cong-buoc-phai-canh-tranh-20240516234439.htm