Doanh nghiệp… chưa từ bỏ
Từ năm 2008 ở vùng “bốn yên”, phía doanh nghiệp từng được cấp phép khai thác thăm dò vàng đã có nhiều động thái khi đề nghị lên UBND huyện Tương Dương, UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)… để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, đưa dự án đầu tư khai thác hầm lò quặng vàng gốc tại khu vực xã Yên Na và xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương vào khai thác.
Trên cơ sở này, ngày 06/12/2023, Bộ TN&MT đã có Công văn 10340/BTNMT-KSVN gửi UBND tỉnh Nghệ An trao đổi những vấn đề xoay quanh. Bộ TN&MT khẳng định, trước khi tiến hành khai thác, Công ty Thủ Đô phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường của dự án này.
Bộ TN&MT cũng khẳng định, công ty Thủ Đô chậm thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường của Dự án đầu tư khai thác hầm lò quặng vàng gốc tại khu vực xã Yên Na và xã Yên Tĩnh. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương liên quan tiếp tục cho phép và hướng dẫn, hỗ trợ công ty hoàn thiện các thủ tục, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sớm đưa mỏ vào khai thác. Trường hợp không đồng thuận việc tổ chức tham vấn cộng đồng, dự án không đủ điều kiện để tiếp tục triển khai, đề nghị xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Đáp lại, UBND tỉnh Nghệ An đã gấp rút chỉ đạo các bên liên quan vào cuộc. Trên tinh thần đó, ngày 11/01/2024, UBND huyện Tương Dương đã ban hành giấy mời về việc tổ chức buổi làm việc lấy ý kiến của UBMTTQ, UBND các xã Yên Na và Yên Tĩnh, cộng đồng dân cư của 2 xã Yên Na, Yên Tĩnh.
Sau nhiều lần trì hoãn, ngày 9/5/2024, các bên liên quan đã tổ chức tham vấn, lấy ý kiến của UBMTTQ, UBND và cộng đồng dân cư về “Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác hầm lò quặng vàng gốc tại khu vực 2 xã Yên Na, Yên Tĩnh của huyện Tương Dương, Nghệ An”.
Tuy nhiên, cuộc tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng thất bại. Trên thực tế này, UBND huyện Tương Dương đã phải làm văn bản số 182/BC-UBND ngày 17/5/2024 gửi UBND tỉnh Nghệ An và các sở ngành liên quan với nội dung, đề nghị Bộ TN&MT thu hồi giấy phép khai thác quặng vàng của công ty Thủ Đô tại hai xã Yên Na và Yên Tĩnh.
Người dân mong chờ thông tin chính thức
Theo các văn bản mà chúng tôi có được, dự án Đầu tư xây dựng công trình khai thác hầm lò quặng vàng gốc của Công ty Thủ Đô tại núi Pu Phen chậm tiến độ trầm trọng. Dự án được cấp phép thăm dò từ năm 2008, đến năm 2017 được cấp phép khai thác.
Từ khi được cấp phép khai thác, phía Công ty chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định, lại vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân và chính quyền địa phương, dẫn tới càng chậm trễ.
Theo diễn biến thực tế, Sở TN&MT Nghệ An đã ban hành các công văn báo cáo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, đề nghị Bộ TN&MT thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản vì lý do trên. Chi tiết hơn, ngày 20/02/2019, Sở TN&MT Nghệ An có văn bản số 776/STNMT-KS, ngày 6/9/2021 tiếp tục có văn bản số 5042/STNMT-KS và đến ngày 20/12/2021 có văn bản số 7926/STNMT-KS, với nội dung trên. Trước đó, UBND huyện Tương Dương cũng nhiều lần đề nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản của doanh nghiệp này, kỳ vọng sớm chấm dứt tình cảnh đêm dài lắm mộng.
Mong muốn trên là điều dễ hiểu, nếu rà soát, đánh giá lại các vấn để liên quan. Đó là, suốt nhiều năm qua, Công ty không tuân thủ như cam kết ban đầu, cơ bản ngó lơ chính quyền địa phương trong công tác phối hợp quản lý, bảo vệ khoáng sản trên phạm vi được cấp phép. Đặc biệt, từ sự tắc trách này, là nguyên nhân “mở đường” cho nhiều thành phần, đối tượng tìm đến khai thác vàng trái phép rầm rộ suốt thời gian dài, dẫn đến bao hệ lụy đau buồn
Một yếu tố quan trọng cần phải xem xét là, dự án khai thác hầm lò quặng vàng gốc tại khu vực 2 xã Yên Na, Yên Tĩnh thuộc địa giới của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thiên nhiên cấp quốc gia đặc biệt.
Ông Nguyễn Thành Dũng,Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương cũng đã xác nhận: “Khu vực Yên Tĩnh, Yên Na nằm trong vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển”.
Nếu vậy, việc triển khai dự án khai thác hầm lò quặng vàng gốc của Công ty Thủ Đô sẽ gây ra nhiều tổn thương cho “trái tim”, “mạch máu” của miền tây xứ Nghệ. Dưới góc nhìn tổng quan, việc chấp nhận hi sinh những giá trị mang ý nghĩa di sản chỉ vì lợi ích trước mắt của doanh nghiệp, là điều cần phải cân nhắc, xem xét đánh giá kỹ lại.
Tuy nhiên, một vấn đề cần phải nhìn nhận khách quan là, sau những sự việc xảy ra, trong khi chờ ý kiến chính thống của các cơ quan có thẩm quyền quyết định, thì chính quyền địa phương ở các xã cũng phải ngăn chặn triệt để nạn vàng tặc đang tiềm ẩn…
Nguồn: https://baodantoc.vn/khat-vong-noi-vung-dat-bon-yen-can-mot-quyet-sach-an-dan-bai-3-1718119025562.htm