Khảo sát thực tế và đề xuất giải pháp hỗ trợ lao động mất việc
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước có khoảng 294.000 người lao động bị giãn việc, hơn 149.000 lao động bị mất việc. Số lao động bị giãn việc giảm, nhưng số mất việc lại tăng, tập trung nhiều ở địa phương trọng điểm công nghiệp như: Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang…
Trước thực tế một số doanh nghiệp (DN) bị cắt giảm đơn hàng phải giảm việc, cắt giảm lao động, mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Thủ tướng giao Bộ LĐTBXH nắm chắc tình hình thực tế lao động mất việc làm để chủ động, kịp thời thực hiện các giải pháp theo quy định; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng với nội dung vượt thẩm quyền. Bộ LĐTBXH cũng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/5.
Thực hiện chỉ đạo trên, Bộ LĐTBXH đã có văn bản đề nghị các tổ chức, hiệp hội DN, địa phương khảo sát, báo cáo thực tế tình hình lao động việc làm trên địa bàn. Từ đó, các cơ quan, đơn vị đề xuất giải pháp hỗ trợ người lao động, DN để bộ này tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Theo công bố của Bộ LĐTBXH trước đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý I/2023 đạt 52,2 triệu người, tăng 88,7 triệu người so với quý trước và tăng hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9% và lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 51,1 triệu người.
Số lao động có việc làm phi chính thức là 33 triệu người, giảm 327.100 người so với quý trước và giảm 322.400 người so với cùng kỳ năm trước.
Thời gian qua, nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn diễn ra trên thị trường lao động. Theo số liệu báo cáo của 63 tỉnh/thành phố thì nhu cầu tuyển dụng lao động trong các doanh nghiệp những tháng cuối năm 2022 và quý I/2023 khoảng 377.700 người.
Số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động chủ yếu ở các lĩnh vực như sản xuất dệt may – da giày; sản xuất, sửa chữa, lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp, điện, điện tử; ngoài ra còn có các ngành công nghiệp khác chiếm xu thế tuyển dụng như sản xuất, chế biến thực phẩm – đồ uống; sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, hóa chất, nhựa…
Trước tình hình lao động bị giảm giờ làm và mất việc làm do doanh nghiệp gặp khó khăn, Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo việc làm, kết nối cung – cầu lao động giúp người lao động ổn định cuộc sống và quay trở lại thị trường lao động. Bộ chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, thông tin thị trường lao động để kịp thời hỗ trợ việc làm cho người lao động, kết nối cung cầu lao động tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.
Theo Báo Tin tức