Kết quả khảo sát “Tìm hiểu ý nghĩa trong công việc” được chia sẻ tại buổi ký thỏa thuận hợp tác về cung cấp việc làm bền vững và ý nghĩa cho người lao động giữa Manpowergroup Việt Nam và Việc Làm Tốt ngày 24-6.
Xu hướng khởi nghiệp, làm tự do ngày càng tăng
Được thực hiện với 2.023 người đi làm từ sáu quốc gia, trong đó có 274 người Việt Nam, kết quả được tổng hợp riêng cho nhóm lao động Việt Nam.
Theo các chuyên gia nhân lực, việc người trẻ và người đi làm nói chung ngày càng quan tâm, đề cao yếu tố việc làm có ý nghĩa. Chuyển đổi nghề nghiệp là một trong những lựa chọn để người đi làm tìm kiếm ý nghĩa trong công việc.
Cụ thể, 19% số người được khảo sát đã chuyển đổi nghề nghiệp, 49% đang cân nhắc chuyển đổi. Trong đó, đa số người đã đổi nghề tin rằng công việc mới tác động tích cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần và sự hài lòng cuộc sống.
Trong nhóm người đã chuyển đổi nghề nghiệp, có tới 41% chuyển hẳn sang một nghề khác, 23% chuyển sang vị trí khác cùng công ty.
Đáng chú ý nhất là 32% đã chuyển sang khởi nghiệp, làm tự do. Tỉ lệ này gấp đôi mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (16%).
Khảo sát cũng chỉ ra rằng người trẻ đòi hỏi nhiều hơn về công việc và hướng đến tìm kiếm việc làm có ý nghĩa nhiều hơn.
Trong đó đề cao 4 yếu tố: sự hài lòng cá nhân với đam mê và giá trị cốt lõi của công việc; sự hài hòa giữa công việc và cuộc sống để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần; môi trường làm việc có sự hợp tác, hỗ trợ, tôn trọng lẫn nhau; sự tác động tích cực đến xã hội, góp phần giúp xã hội tốt đẹp hơn.
Tin tuyển dụng tăng cao nhưng nhiều người vẫn thất nghiệp
Theo dữ liệu của Việc Làm Tốt, số lượng tin tuyển dụng của quý 2 năm 2024 tăng 30% so với quý 1.
Trong đó nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh ở các lĩnh vực bán hàng trong ngành bán lẻ, nhân viên kho vận, nhân viên văn phòng với lượng tin đăng tăng hơn 40%; nhân viên kinh doanh, tạp vụ tăng 30%; công nhân tăng 24%.
Tuy nhiên nhu cầu tìm việc ở quý 1 năm 2024 chỉ tăng 18%, phản ánh sự chênh lệch đáng kể giữa sự gia tăng nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu tìm việc.
Đồng thời ở nhiều ngành nghề ghi nhận sự sụt giảm thu nhập. Số liệu của Việc Làm Tốt ghi nhận khoản lương trung bình của các vị trí như nhân viên kinh doanh, công nhân, bảo vệ giảm 8 – 13%.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cũng chỉ ra mặc dù nhu cầu tuyển dụng tăng cao nhưng có khoảng 2,3 triệu người “đang không sử dụng hết tiềm năng của mình”, trong đó phần lớn là lao động trẻ 15 – 34 tuổi.
Khái niệm “Không tận dụng được hết tiềm năng lao động” bao gồm những người thất nghiệp, những người không tham gia hoạt động kinh tế nhưng cũng không đi học, hoặc những người làm những công việc không thường xuyên (các công việc tự làm, hoặc làm các công việc với hợp đồng ngắn hạn).
Bà Nguyễn Thanh Hương, giám đốc nhân sự toàn quốc Manpowergoup Việt Nam, cho rằng sự lệch pha cung – cầu còn có nguyên nhân từ việc thiếu kênh kết nối hiệu quả giữa người đi làm và nhà tuyển dụng.
Đồng thời người lao động, nhất là lao động trẻ không tự tin vào năng lực của bản thân với nhiều vị trí công việc mà nhà tuyển dụng đưa ra và họ không tiếp cận được những công việc giúp họ có thể tích lũy kinh nghiệm.
Nguồn: https://tuoitre.vn/khao-sat-nguoi-di-lam-32-da-chuyen-qua-khoi-nghiep-lam-tu-do-20240624181737304.htm