Theo khảo sát của Anphabe ở khoảng 700 doanh nghiệp tại Việt Nam, tài chính đang là quan tâm hàng đầu, cũng là nỗi lo chi tiêu của nhân viên, đe dọa trực tiếp đến tính ổn định trong công việc.
Chỉ 1 trong 3 nhân viên hiện nay có tài chính tích cực. Trong khi 74% cho rằng thu nhập hiện tại không đủ để chi tiêu.
Bao nhiêu cũng không đủ chi tiêu
Báo cáo dựa trên khảo sát từ tháng 4 đến tháng 9-2024, liên quan tới chương trình khảo sát “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam” 2024, với sự tham gia của hơn 65.000 người đi làm của khoảng 700 doanh nghiệp trong 18 nhóm ngành trên toàn quốc.
Trong số 65.000 người đi làm tham gia khảo sát của Anphabe, có đến 74% cho rằng thu nhập hiện tại không đủ để chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu. 65% lại cảm thấy chưa được trả lương công bằng, không an tâm về thu nhập tương lai.
Áp lực tài chính cũng là thách thức lớn nhất của nhóm nhân viên này, tác động đáng kể đến tâm lý đi làm của họ.
Nguyên nhân của áp lực tài chính được chỉ ra từ yếu tố khách quan như mức lương, thưởng và phúc lợi thấp hơn, tuổi trẻ ít tích lũy nhưng gánh nặng tài chính lớn (nhà cửa, gia đình…).
Đặc biệt, vật giá leo thang ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt cũng như tâm lý bất ổn từ các đợt sa thải kéo dài từ năm 2023.
Báo cáo của Anphabe chỉ ra những thói quen không lành mạnh của người đi làm trẻ tuổi với lối sống tận hưởng: live for today, debts here to stay (tạm dịch: sống cho hôm nay, sống trong nợ nần).
Chẳng hạn thói quen mua sắm ngẫu hứng, mua sắm “phục thù”, thường xuyên chi tiêu mạnh tay hơn cho những món hàng trước đây họ cho là xa xỉ như một cách giải tỏa tinh thần.
Bên cạnh đó, một thực trạng đáng lo ngại là nhóm nhân viên có sức khỏe tài chính thấp có xu hướng nhảy việc cao gấp 4 lần so với nhóm nhân viên có tài chính tốt.
Thực tế này khiến nhiều doanh nghiệp bắt đầu phải nhảy vào đào tạo kỹ năng, năng lực quản lý cho nhân viên, trong đó bao gồm quản lý tài chính, tiết kiệm, đầu tư, quản lý nợ, kế hoạch hưu trí.
Nguyên nhân đáng chú ý là dù ngày càng có nhiều yếu tố khó khăn, áp lực nhưng thay vì chi tiêu hợp lý, nhiều người đi làm, nhất là nguời trẻ vẫn theo đuổi lối sống tôn vinh chủ nghĩa tiêu dùng. Từ đó dẫn đến chi tiêu vượt mức kiếm được và mắc kẹt sâu hơn trong gánh nặng tài chính.
Theo Anphabe, 65% nhân viên có nhiều hơn một nguồn thu nhập ngoài lương. Trong đó 15% từ nguồn thu nhập thụ động (tiết kiệm hoặc trợ cấp gia đình), 50% từ nguồn chủ động (làm thêm hoặc tự kinh doanh).
Bên cạnh đó các công ty, doanh nghiệp vẫn thực hiện chính sách phúc lợi truyền thống giúp cải thiện đời sống nhân viên và tạo động lực để họ gắn bó và cống hiến bền lâu.
Trong đó có thể kể đến việc tăng cường các gói bảo hiểm sức khỏe, khám tầm soát bệnh, bảo hiểm nhân thọ, quỹ hỗ trợ tài chính khẩn cấp hoặc quỹ hưu trí.
Các chính sách chăm sóc gia đình nhân viên như mở rộng bảo hiểm cho cả gia đình, cấp học bổng cho con, hỗ trợ tài chính với các khoản vay ưu đãi như mua nhà, xe. Cung cấp phúc lợi linh hoạt như voucher giảm giá sản phẩm/dịch vụ công ty, hỗ trợ tập gym, chi phí giải trí, tăng ngày nghỉ để cân bằng cuộc sống.
59% lao động được tăng lương
Bên cạnh đó, Anphabe phỏng vấn chuyên sâu 253 CEO và giám đốc nhân sự trong chương trình khảo sát này.
Khảo sát ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường với 42% doanh nghiệp đã quay lại quỹ đạo tăng trưởng từ 3-10%, 15% doanh nghiệp đạt mức siêu tăng trưởng hai con số. Điều này phản ánh triển vọng tích cực của thị trường.
Sau giai đoạn sa thải hàng loạt năm 2023, tình hình trong năm 2024 có sự chuyển biến tích cực hơn. 33% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng nhân sự, tăng vượt trội so với 19% của năm trước.
Chỉ 9% doanh nghiệp dự kiến thu hẹp nguồn nhân lực, giảm đáng kể so với 14% hồi cuối năm 2023.
“Kinh tế khởi sắc, doanh nghiệp không chỉ ổn định hoạt động mà còn cải thiện chính sách phúc lợi, đặc biệt là lương thưởng. Nếu năm 2023 chỉ khoảng 50% người lao động được tăng lương thì năm 2024, con số này đã đạt 59%”, báo cáo cho biết.
Nguồn: https://tuoitre.vn/khao-sat-65-000-nguoi-di-lam-74-noi-thu-nhap-hien-tai-khong-du-chi-tieu-20241204175720065.htm