Trong sương mù, chợt hiện ra bóng một ai đó ven đường như đang chờ đợi trước những ngôi nhà còn đóng kín cửa, một chiếc xe máy trần trụi thồ hàng chậm chạp nhô lên từ cuối con dốc, một người phụ nữ lầm lũi với chiếc gùi nặng trĩu sau lưng, rừng thông in bóng núi mờ ảo xa xa, một nhánh hoa rưng rưng ngậm nước sà xuống… tất cả đều chìm trong sương mù thoắt ẩn thoắt hiện. Lữ khách co ro thẫn thờ đi lên đi xuống muốn tìm một quán cóc vỉa hè dừng chân cũng không thấy đâu. Đó là một buổi sáng tinh mơ trong vô vàn buổi sáng ở thị trấn miền núi Tô Hạp thuộc huyện Khánh Sơn, nơi chỉ cách thành phố biển ấm áp Nha Trang chưa đầy 2 giờ xe chạy.
Một khúc cua trên đèo Khánh Sơn. |
Đã bao lâu rồi tôi mới quay lại nơi này dù trong lòng chưa bao giờ quên, cứ tự nhủ rồi sẽ, rồi nhớ, rồi lỗi hẹn. Mười năm hay hai mươi năm hoặc hơn vậy nữa, vẫn đường đèo quanh co uốn lượn miên man xanh, vẫn mùi nhựa cây nguyên sơ thoang thoảng, vẫn thon thót nghe tiếng thú rừng, vẫn tưởng đang độc hành giữa thế giới hoang vu chỉ dành cho riêng mình. Đường lên đỉnh đèo có độ cao gần ngàn mét ngoái lại nhìn xa tít phía đông là lấp lánh biển, là đô thị Cam Ranh li ti, là mây trắng bay là đà phía dưới len cả qua đường đi tưởng chừng đưa tay ra là nắm giữ được. Xưa khi con đường xẻ núi chỉ mới trải đất đá gập ghềnh chưa bê tông hiện đại như bây giờ, không biết có ai dám dừng lại ngoạn cảnh, giờ thì đỉnh đèo nay đã trở thành điểm săn mây ai cũng phải bước xuống check-in dang tay đón mây trước khi đi thêm mươi kilômét vào thị trấn.
Năm xưa đó có một lần tôi và bạn lang thang vô định trong thị trấn Tô Hạp, chẳng mục đích gì, cứ đi gặp đường cụt thì quay lại. Mùa hè nhưng chiều tối và sáng sớm là mùa đông mát lạnh. Trống vắng và thưa thớt, ngã rẽ nào cũng tương tự nhau, cũng vườn, cũng rẫy nên mấy lần đều trở về nơi xuất phát. Chợ tan sớm, quán xá cũng không, muốn hỏi đường thì lại không biết ngôn ngữ người bản xứ. Rồi tìm quán trọ. Ngược xuôi mãi mới tìm ra cái nơi duy nhất giông giống nhà nghỉ nhận khách qua đêm đâu như gần chợ. Khuôn viên thênh thang vắng ngắt chỉ có vài phòng trọ với tiện nghi tối thiểu, cửa phòng lắt lẻo nhìn ra miếng đất trống rộng như sân banh gió lùa tứ phía, sương rơi lộp bộp trên mái tôn, 7 giờ tối người quản lý kéo luôn cánh cổng rỉ sét nặng nề khóa lại. Nửa đêm thần hồn nát thần tính, giờ nghĩ lại biết đâu là nét đặc sắc chốn thâm sơn cùng cốc. Nhà nghỉ này nay cũng không còn, hay nó đã hóa thân thành cái homestay duyên dáng nào đó cho kịp thời đại?!
Sáng sớm sương mù ở Tà Nỉa, xã Sơn Trung. |
Khánh Sơn một thời là chiến trường, là căn cứ cách mạng qua mấy thời kỳ, anh linh liệt sĩ còn hòa quyện trong đất trong nước và mãi đến năm 1985 mới tái lập huyện với hơn 70% dân số là người Raglai theo chế độ mẫu hệ. Chắc ai cũng từng biết tới thung lũng Ô Kha; kỳ thú sông Tô Hạp không xuôi ra biển mà chảy ngược vòng quanh ôm đủ cả một địa bàn rộng lớn của huyện rồi tiếp tục chảy về hướng mặt trời lặn; Dốc Gạo nơi phát tích đàn đá ngàn năm; thác Tà Gụ đổ thẳng đứng với độ cao hơn 40m ẩn sâu trong rừng… Khánh Sơn không nhuốm màu huyền bí và quyến rũ với lữ khách mới là chuyện lạ. Nên ngày trở lại biết homestay trong, ngoài thị trấn đều dễ dàng tìm ra và được chăm chút từ cái bảng hiệu cho tới cái bàn, cái ghế trước hiên ngắm cảnh mà thấy nhẹ nhõm. Ngay ở Sơn Trung, cách thị trấn trên dưới 5km tôi cũng nhìn thấy bảng chỉ đường vào homestay hướng lên đồi. Có nghĩa là, đã có khách nhàn du. Hầu hết là những đôi bạn trẻ ngồi trên yên xe máy, tự do và yêu đời, như mình ngày nào, mở lòng đón nhận không toan tính.
Đứng trong thị trấn nhìn quanh đâu cũng là đồi núi điệp trùng, đường trong phố dốc cao dốc thấp lượn như cánh chim đi lên đi xuống. Ngày xưa đó, ra khỏi con phố chính là đường đất rộng thênh thang, vắng tanh vắng ngắt, gặp nhiều lô đất trống rào kín cắm mỗi cái biển trung tâm này, tụ điểm nọ, cơ sở kia mà nhen nhóm chút hy vọng về một sự quy hoạch khả thi trong tương lai. Khí hậu vùng cao, đất đai tươi tốt màu mỡ, con người hiền hòa. Nhưng rất lâu sau đó, Khánh Sơn vẫn chỉ là huyện nghèo dù bình yên, cho đến khi cây sầu riêng chọn ở lại đất này nở hoa kết trái, với hơn 2.000ha trên toàn huyện, tổng sản lượng trên 15.000 tấn mỗi mùa. Khó mà liệt kê được lợi nhuận và những thay đổi tích cực từ loại trái cây chúa tể này, nhưng giờ đây, câu đầu tiên khi gặp nhau ở nơi này là lời chào sầu riêng rạng rỡ thay cho sức khỏe, có nhiêu héc-ta trồng sầu riêng, được mấy chục mấy trăm cây, thu hoạch mấy tấn, giá đang lên nhiêu… Người từ dưới xuôi lên chỉ biết thán phục và nể nang. Lần đầu tiên tôi được nếm sầu riêng nướng, ngoài sầu riêng tươi hay sấy khô thường thấy. Nướng, đầu tiên là chọn múi sượng để khỏi bỏ phí, ai dè lại tạo nên một hương vị sầu riêng đậm đà vô cùng đặc biệt, ngọt, dẻo, thơm, béo, bùi.
Được chứng kiến một thị trấn mới mẻ hoang sơ ngày xưa nay trở thành ngăn nắp, tinh tươm và vẫn giữ được bình yên trong lành là điều mà những ai hay lang thang về quá khứ và kết nối vào tương lai luôn cảm thấy hạnh phúc. Khánh Sơn, nơi một phần ký ức của tôi còn gửi lại, nơi mỗi sáng sớm phải vén sương mù lững thững bước đi, nơi mà ai cũng phải nhớ dù chỉ ngang qua một lần…
ÁI DUY
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202411/trong-suong-mu-chot-hien-ra-3380ee1/